TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 tại nhà cho người dân khó khăn khi đi lại - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo ông Hiếu, hiện nay rất khó khăn trong việc dự toán, thanh quyết toán kinh phí điều trị COVID-19 và chi phí phòng, chống dịch do chưa có nghị định hướng dẫn.
"Quy định cụ thể trong nghị quyết có nhưng chưa có nghị định hướng dẫn. Nghị quyết có nội dung các bệnh viện phải có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong thu, chi trong khám chữa bệnh để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên, đồng thời điều trị, hỗ trợ kịp thời các bệnh viện tuyến dưới. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa cũng đã đảm nhiệm rất nhiều công việc. Thời điểm này tôi tham gia tọa đàm nhưng vẫn thăm, khám bệnh cho hơn chục bệnh nhân" - ông Hiếu cho biết.
Đối với bệnh nhân COVID-19, 2 năm qua đều khám chữa bệnh miễn phí, gần 10.000 ca đang theo dõi trên hệ thống của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, đường dây nóng hotline… Hiện chưa có cách nào để chi trả, cũng chưa có hướng dẫn, trách nhiệm không rõ vì chưa có nghị định.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ông Hiếu cũng cho rằng phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị COVID-19 lâu dài.
Hiện 1 điều dưỡng viên tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai (Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) tổng thu nhập được 9 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn nhưng chỉ chi được đến thế. Có thể phần thu nhập này duy trì được cuộc sống của bản thân bạn ấy nhưng còn gia đình, còn vợ/chồng, con. Do đó chúng ta cần có chính sách rõ ràng" - ông Hiếu đề xuất.
Ông Hiếu cũng đề nghị cần có cơ sở pháp lý để đơn vị tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19 như tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư, tham gia thực hiện tiêm chủng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
"Hiện nay bệnh viện không có biên chế mà nhận thêm gần 500 người vào viện chăm sóc bệnh nhân COVID-19, làm sao thanh toán, chi trả cho họ được. Phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề con người" - ông Hiếu nói.
Ngoài ra, các ý kiến tại đây cũng đề nghị cần có chính sách về thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được.
Ông Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội
Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Có thể có thêm các chuỗi lây nhiễm mới
Bộ Y tế ngày 21-2 đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Bên cạnh chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19. Đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi.
Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
Người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM chỉ có 2,3 y bác sĩ/10.000 dân, khó khăn chăm sóc sức khỏe ban đầu
Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt 119 giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y tế cho TP.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - ngành y tế có được nguồn nhân lực chất lượng, ngoài sự lãnh đạo và quan tâm của chính quyền TP thì còn có công lao không nhỏ của các thầy cô, những người vừa là thầy thuốc giỏi về chuyên môn vừa giàu về y đức, vừa là nhà giáo trong việc đào tạo các thế hệ y bác sĩ trẻ cho TP.
Theo báo cáo trong buổi họp mặt, tỉ lệ đào tạo bác sĩ của TP cao gấp 2 lần so với mục tiêu do trung ương đề ra.
TP.HCM hiện có 8 trường đại học đào tạo y khoa, 8 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp dạy nghề và hệ thống y tế thực hành lâm sàng tại 51 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho ngành y tế. Tuy nhiên số nhân viên y tế của TP với tỉ lệ 2,3 người trên một vạn dân thì tỉ lệ này vẫn còn thấp và thiếu nhân lực.
Các chuyên gia đều khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thế nhưng trong thực tế lại có nhiều bác sĩ chuyên khoa hơn các bác sĩ tổng quát, bác sĩ gia đình, dẫn đến khó khăn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM đã thí điểm chương trình đưa bác sĩ y khoa về y tế tuyến cơ sở nhằm bổ sung và phát triển lực lượng cho y tế cơ sở. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM rất mong các thầy, cô sẽ tiếp tục cống hiến và đào tạo nhân viên cho ngành y tế TP.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày thứ 2 Hà Nội ghi nhận trên 5.000 ca COVID-19
Hà Nội tối 21-2 cho biết trong 24 giờ ghi nhận 5.477 ca COVID-19, tăng 375 ca so với ngày trước đó, trong đó có 1.687 ca cộng đồng. Đây là số ca mắc tiếp tục ở mức cao nhất từ trước đến nay. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (359); Hoàng Mai (336); Hoài Đức (326); Sóc Sơn (324); Nam Từ Liêm (321).
Đến nay TP có 206.995 ca bệnh. Tính đến hết ngày 20-2, toàn TP có 202.355 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó hơn 196.000 F0 điều trị tại nhà và 1.284 ca điều trị tại cơ sở thu dung của TP và các quận, huyện. Như vậy, số ca COVID-19 nhẹ, không triệu chứng ở Hà Nội chiếm gần 97,5% tổng số ca đang điều trị, theo dõi.
Trong gần 2,5% còn lại (tương đương 4.891 ca), có 355 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; 4.536 F0 điều trị tại các bệnh viện của thủ đô (gồm tầng 2 và 3). Ngày 20-2, TP ghi nhận 20 F0 tử vong, nâng tổng số ca tử vong tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay tại Hà Nội là 928 người.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Đồng Nai giảm mạnh
Ngày 21-2, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết khoảng 10 ngày qua, số ca COVID-19 ở Đồng Nai tăng cao với trên 300 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, số người tử vong giảm mạnh chỉ có 1-2 ca/ngày, có những ngày tỉnh không ghi nhận ca tử vong. Trước đó, những tháng cuối năm 2021, Đồng Nai là một trong những tỉnh, TP có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất ở nước ta với trên 20 ca mỗi ngày.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện còn gần 4.000 người mắc COVID-19, trong số đó chỉ có hơn 230 ca phải điều trị tại cơ sở y tế, số còn lại do mắc bệnh nhẹ nên được theo dõi tại nhà. Tình hình điều trị cho người mắc COVID-19 ở Đồng Nai chuyển biến rất tích cực, địa phương đã thực hiện được mục tiêu giảm thiểu số người tử vong do COVID-19.
Thời điểm cuối năm ngoái, hầu hết ca tử vong đều từ 50 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 65% người chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 và hầu hết đều có bệnh nền như suy tim, suy thận, béo phì, đái tháo đường type 2, tai biến mạch máu não. Đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 304.000 người mắc COVID-19, trong đó có 1.815 người tử vong.
Thanh Hóa sẽ chỉ chuyển sang học trực tuyến khi một lớp có hơn 10 F0
Theo số liệu của Phòng Giáo dục và đào tạo TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), từ ngày 7-2 đến ngày 20-2, toàn TP ghi nhận hơn 2.500 giáo viên và học sinh mắc COVID-19. Dù dịch COVID-19 đang tăng ở các trường nhưng TP vẫn thể hiện quyết tâm không dừng dạy học trực tiếp và một lớp chỉ chuyển sang học trực tuyến nếu có hơn 10 F0 với bậc mầm non và tiểu học.
Bậc THCS và THPT, nếu mỗi lớp có 1/3 học sinh là F0 trở xuống thì vẫn học trực tiếp, hơn 1/3 thì học trực tuyến. Tính từ đợt dịch thứ 4 ngày 20-2, toàn tỉnh ghi nhận 35.441 ca COVID-19. Trong đó, 30.159 người đã điều trị khỏi và xuất viện; 51 người tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận