19/02/2022 08:14 GMT+7

Tin sáng 19-2: Ca COVID-19 mới cả nước tăng vọt, hàng loạt tỉnh thành 1.000 - 2.000 ca, ca nặng tăng

L.ANH - X.MAI - TTXVN
L.ANH - X.MAI - TTXVN

TTO - Theo báo cáo Bộ Y tế, từ 16h ngày 17-2 đến 16h ngày 18-2, cả nước ghi nhận 42.439 ca mới. Đây được xem là ngày có số ca nhiễm cả nước “lập đỉnh” cao nhất từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Tin sáng 19-2: Ca COVID-19 mới cả nước tăng vọt, hàng loạt tỉnh thành 1.000 - 2.000 ca, ca nặng tăng - Ảnh 1.

Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN

So với ngày trước đó, số mắc mới đã tăng 6.237 ca, riêng Hà Nội lần đầu lên đến gần 4.600 ca/ngày. Nhiều tỉnh thành ghi nhận trên 1.000 - 2.000 ca mắc mới như Vĩnh Phúc 2.158 ca, Quảng Ninh 2.018 ca, Phú Thọ 1.789 ca, Nam Định 1.678 ca, Thái Nguyên 1.652 ca, Hòa Bình 1.567 ca, Bắc Ninh 1.556 ca, Ninh Bình 1.540 ca...

Để đáp ứng chống dịch, các tỉnh thành lại có những biện pháp mới. 

Ngày 18-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành công điện khẩn số 1 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 yêu cầu phổ biến kiến thức cho người dân về quy định - hướng dẫn người mắc COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà. Với các ca nguy cơ cao, phát hiện và xử lý kịp thời diễn biến bất thường liên quan bệnh lý nền.

Về sàng lọc người nhập cảnh, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế bố trí, phân luồng; chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế, hướng dẫn cách ly, giám sát chặt người nhập cảnh, đặc biệt người về từ các vùng đã ghi nhận biến chủng Omicron.

Hà Nội tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý 1-2022.

Công điện yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện tập trung đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 2, tầng 3 nhằm giảm tỉ lệ chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong. Tăng cường các biện pháp giảm tỉ lệ tử vong.

Tin sáng 19-2: Ca COVID-19 mới cả nước tăng vọt, hàng loạt tỉnh thành 1.000 - 2.000 ca, ca nặng tăng - Ảnh 2.

Tình nguyện viên Trạm y tế lưu động phường Ô Chợ Dừa cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: HÀ QUÂN

Tại tỉnh Nam Định, số mắc COVID-19 mới trong tuần vừa qua gấp 3 so với tuần trước đó, tỉnh đã yêu cầu tuyên truyền, vận động người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác và các địa điểm đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các lễ cưới chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, tổ chức lễ tang với quy mô nhỏ.

Các huyện, thành phố phải tổ chức ít nhất 1 địa điểm tiêm chủng cố định, liên tục 7/7 ngày trong tuần, thông báo rộng rãi, công khai địa điểm, thời gian để mọi người dân đến tiêm khi đủ điều kiện. Tiếp tục tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vắc xin ngay tại nhà cho những người chưa được tiêm đủ vắc xin vì lý do sức khỏe không thể đến nơi tiêm tập trung.

Tỉnh Bắc Ninh, địa phương cũng liên tục có số mắc mới cao những ngày gần đây, cho biết tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin là 97,7%, người trên 50 tuổi tiêm đủ mũi vắc xin là 97%. Tỉ lệ người từ 12-17 tuổi tiêm đủ mũi vắc xin là 95,3%.

Về cấp độ dịch, hiện có 76 xã/phường/thị trấn của Bắc Ninh ở cấp độ 1; 19 xã/phường/thị trấn ở cấp độ 2; 30 xã/phường/thị trấn cấp độ 3; xã Yên Phụ (huyện Yên Phong) ở cấp độ 4.

Tỉnh Bắc Giang, cũng là địa phương liên tục có ca mắc mới cao, hiện có 11.185 ca mắc đang điều trị, trong số này có 10.063 trường hợp cách ly, điều trị tại nhà (chiếm 90%). Trong đó, 9 bệnh nhân nặng phải thở oxy, 63 bệnh nhân mức độ vừa, 2.330 bệnh nhân mức độ nhẹ và 8.783 ca mắc không triệu chứng.

Về tiêm vắc xin COVID-19: Trong ngày, toàn tỉnh đã tiêm 10.221 liều vắc xin. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 3.950.214 liều (mũi 1: 1.436.338 liều, mũi 2: 1.437.623 liều và mũi 3: 1.076.253 liều, đạt tỉ lệ 83,2% người dân từ 18 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn tỉnh).

Đáng chú ý, số mắc mới lên cao nhưng số ca nặng không tăng nhiều. Hiện cả nước có trên 2.900 ca đang ở tình trạng nặng. So với số ca nặng ngày 18-2 (ngày có số mắc mới nhiều nhất từ trước đến nay), số ca nặng tăng 3,2%, so sánh tuần này với tuần trước, số ca nặng, nguy kịch tăng 4%.

Tuy nhiên, cơ quan y tế cảnh báo khi số mắc tăng có thể kéo theo số ca chuyển nặng tăng. Hiện số ca mắc mới đang gia tăng hằng ngày, các địa phương cần chuẩn bị về thuốc, thiết bị, cơ sở tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

Tin sáng 19-2: Ca COVID-19 mới cả nước tăng vọt, hàng loạt tỉnh thành 1.000 - 2.000 ca, ca nặng tăng - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tăng cường tiêm vắc xin, không để vắc xin hết hạn 

Ngày 18-2, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19. Để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đạt tỉ lệ bao phủ cao cho các nhóm đối tượng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung quyết liệt việc tiêm vắc xin trên địa bàn theo kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. 

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch, đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên hoàn thành trong tháng 2 này. Tiếp tục rà soát lập danh sách, đảm bảo không bỏ sót người tiêm chủng trên địa bàn quản lý.

Tổ chức các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động, tiêm tại nhà phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để tiêm vét cho người dân đủ điều kiện tiêm mà chưa được tiêm đủ liều.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về tình hình sử dụng vắc xin tại địa phương, đảm bảo không để vắc xin hết hạn phải hủy bỏ.

Tin sáng 19-2: Ca COVID-19 mới cả nước tăng vọt, hàng loạt tỉnh thành 1.000 - 2.000 ca, ca nặng tăng - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin Pfizer mũi 3 cho người dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ca COVID-19 tăng, TP.HCM đề nghị báo cáo năng lực chăm sóc F0 

Với số ca COVID-19 mới tại TP.HCM có chiều hướng tăng nhẹ sau Tết Nguyên đán và sau khi học sinh đi học trực tiếp, Sở Y tế TP đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo năng lực tiếp nhận, điều trị và chăm sóc F0 tại nhà trước ngày 20-2.

Cụ thể, Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch đảm bảo khả năng chăm sóc F0 tại nhà của từng phường, xã, thị trấn trên địa bàn và khả năng tiếp nhận, điều trị COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị thuộc tuyến huyện.

Đồng thời, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND phường, xã, thị trấn xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế phục vụ phòng chống dịch theo từng cấp độ dịch.

Đối với các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tuyến huyện, căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, trung tâm y tế rà soát, đề xuất UBND cấp huyện sắp xếp lại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và xây dựng phương án bảo đảm công tác thu dung, điều trị F0 theo từng cấp độ dịch. Với cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà, UBND cấp xã sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức và quy chế phối hợp giữa trạm y tế cấp xã với các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà. Đồng thời theo dõi sát số ca mắc mới, số F0 cách ly tại nhà để kịp thời kích hoạt mạng lưới chăm sóc F0 tại nhà.

Căn cứ nhân sự dự kiến của các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, UBND cấp xã xác định số lượng hộ gia đình có khả năng chăm sóc, quản lý khi có ca F0 để đánh giá tỉ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc. Đối với trạm y tế lưu động có 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50-100 hộ có F0. Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng có 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50-100 hộ có F0. Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng chỉ có nhân viên y tế, không có bác sĩ thì hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động chăm sóc, quản lý từ 10-20 hộ có F0. Những cơ sở này không áp dụng để đánh giá tỉ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc F0/10.000 dân.

Tin sáng 19-2: Ca COVID-19 mới cả nước tăng vọt, hàng loạt tỉnh thành 1.000 - 2.000 ca, ca nặng tăng - Ảnh 5.

Học sinh Đà Nẵng trong ngày đi học trở lại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành 

- Hà Nội tối 18-2 thông báo ghi nhận 4.549 ca COVID-19 mới, trong đó có 964 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (308); Hoàng Mai (282), Nam Từ Liêm (244), Sóc Sơn (242), Bắc Từ Liêm (236), Hoài Đức (225), Chương Mỹ (218). Đến nay, Hà Nội ghi nhận 191.547 ca COVID-19 với 888 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong chiếm 0,46% tổng ca mắc.

Tới hết ngày 17-2, toàn TP có 143.536 ca đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 138.000 F0 điều trị tại nhà (tăng 17.000 ca so với hôm 16-2) và 987 ca (tăng 134 ca) điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Hơn 3% còn lại (hơn 4.500 ca) phải nhập viện điều trị. Trong số này có hơn 4.000 ca (tăng hơn 300 ca) điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ngày 17-2 Hà Nội ghi nhận 16 ca tử vong.

- Trong số 9.000 ca COVID-19 ở Hà Nam có đến hơn 2.000 ca là trẻ em từ 0 đến 15 tuổi. Hà Nam ghi nhận trên 1.500 ca COVID-19 mới sau một tuần. Ngày 18-2 là ngày thứ 7 liên tiếp Hà Nam ghi nhận trên 200 ca bệnh mỗi ngày. Hiện tại, Hà Nam ghi nhận tổng số 9.036 ca COVID-19.

Trong số đó, có 2.098 trẻ em độ tuổi từ 0 đến 15 tuổi bị mắc COVID-19. Chỉ tính riêng từ 1-1-2022 đến nay có đến 1.663 trẻ nhiễm bệnh, nhất là từ khi các trường học mở cửa trở lại. Bệnh viện dã chiến số 1 Hà Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào là trẻ em phải thở máy. 

- Nhờ làm tốt công tác tiêm chủng, hiện Lào Cai thuộc tốp 10 tỉnh có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất cả nước. Tính đến ngày 18-2, Lào Cai đã tiêm được 1.438.654 mũi, trong đó có 249.338 người tiêm mũi bổ sung, 98.928 người tiêm mũi nhắc lại. Ngày 17-2, Lào Cai có thêm 933 F0 mới. Đây là con số mắc mới cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn được ghi nhận trong ngày. 

Từ ngày 17-2, 13 xã, phường của thành phố Lào Cai ở vùng cam, vùng đỏ (cấp độ dịch 3, 4) đã cho học sinh tiểu học học trực tuyến. Toàn thành phố Lào Cai có 18/41 trường cho học sinh chuyển sang học trực tuyến; có 437/701 lớp học trực tuyến. Học sinh học trực tuyến chiếm 65% số học sinh toàn thành phố. 

Tin sáng 18-2: Giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 chuẩn bị giảm tiếp 5 đến 20% Tin sáng 18-2: Giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 chuẩn bị giảm tiếp 5 đến 20%

TTO - Sau hơn 3 tháng áp dụng mức giá xét nghiệm COVID-19 hiện hành (rẻ bằng gần 1/2 so với giá trước đó), Bộ Y tế vừa lấy ý kiến dự thảo giá mới. Theo khung giá trong dự thảo, mức giá trần mới sẽ giảm khoảng 5-20% so với giá hiện hành.

L.ANH - X.MAI - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên