18/01/2014 06:14 GMT+7

Tin ở giới trẻ

HẢI THI
HẢI THI

TT - Diễn đàn “Nhận thức, quan điểm của giới trẻ về văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa” do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch “đặt hàng” ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức vừa diễn ra. Tại diễn đàn, các nhà nghiên cứu, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thanh niên cùng nhiều người trẻ đã có tiếng nói cảm thông hơn với giới trẻ và nhấn mạnh vai trò làm gương, định hướng, quản lý của người lớn.

Một số đại biểu tỏ ra e ngại với các hiện tượng quá đà, bốc đồng, sống ảo của giới trẻ trong thời gian gần đây. Bà Chu Khánh Linh - giảng viên ĐH Văn hóa TP.HCM - nói thấy buồn khi vào các dịp lễ lạt như 20-11, các bạn trẻ đăng lên Facebook rất nhiều hoa “ảo” kèm những lời chúc đẹp đẽ gửi đến thầy cô, nhưng trên thực tế số học trò về trường, đến nhà hoặc gọi điện thăm hỏi thật rất ít.

Một số tham luận khác bày tỏ sự lo lắng trước cơn sốt thần tượng Hàn Quốc của một bộ phận giới trẻ. Hình ảnh những cô cậu học trò gào khóc đón thần tượng ở sân bay, ngất xỉu khi chen lấn xem thần tượng biểu diễn đến hôn lên ghế thần tượng khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa bàng hoàng.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, những hiện tượng đó nên được nhìn ở một góc độ khác, không đáng bị lên án: “Hiện tượng gào khóc, phát cuồng gắn liền với tâm lý lứa tuổi. Lớn lên các em sẽ phì cười, tự hỏi sao lúc ấy mình điên thế. Việc của người lớn là phải nhìn vào đó và thấy được lửa nhiệt tình của tuổi trẻ, tìm cách hướng ánh lửa về phía có ích. Đừng chỉ trích các em, đừng đỏi hỏi các em phải như chúng ta muốn”.

Về vấn đề “sống thử” trong giới trẻ, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói ông cũng đồng ý rằng không thể dùng lối nghĩ từ ngàn năm trước áp dụng cho thời đại hiện nay. Ông đồng tình với ý kiến của cô Đỗ Thanh Hương (giảng viên ĐH Văn hóa TP.HCM) rằng: nếu nhìn hiện tượng “sống thử” ở góc độ đạo đức thì khó chấp nhận, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khoa học, thanh niên ngày nay trưởng thành về mặt sinh lý sớm, kết hôn trễ nên dễ nảy sinh nhu cầu quan hệ tình dục trước hôn nhân bên cạnh nhu cầu sẻ chia do cuộc sống cô đơn xa nhà... thì lại khác.

Cô Trần Thị Quyên, thạc sĩ chuyên ngành văn hóa học, đưa ra con số 60% sinh viên đồng ý sống thử trong cuộc khảo sát gần đây do cô thực hiện và cho rằng cần có cái nhìn dung hòa hơn trong việc nhìn nhận, đánh giá giới trẻ.

Tuy còn nhiều ngập ngừng, nhưng mẫu số chung của các đại biểu tham dự diễn đàn vẫn là tin vào bản lĩnh người trẻ trong tiếp nhận văn hóa. TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ: “Tôi thấy các bạn nữ sinh mặc áo dài truyền thống nhưng nhảy flashmob rất đẹp, rất trẻ. Tôi thấy các bạn hát Nối vòng tay lớn theo kiểu acapella, rap cũng không mất lửa. Các bạn có đi đâu, làm gì, ngày tết cũng vượt cả ngàn kilômet về ăn tết với gia đình. Giới trẻ không mất gốc đâu. Tôi tin vào bản lĩnh người trẻ!”.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên