22/11/2012 07:00 GMT+7

Tín nhiệm thấp sẽ bị bãi nhiệm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 21-11, với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, người không đủ tín nhiệm có thể từ chức hoặc bị bãi nhiệm.

Chỉ lấy phiếu chức danh chủ chốt

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch ủy ban nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, các thành viên khác của ủy ban nhân dân.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ” - nghị quyết nêu.

Từ chức, bãi nhiệm

Theo quy định của nghị quyết, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn gồm hai yếu tố chính: một là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; hai là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân trình Quốc hội, hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu được tiến hành tại kỳ họp giữa năm 2013.

Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo

Ngày 21-11, thảo luận về dự án Luật phòng chống thiên tai, nhiều ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc Nhà nước phải có trách nhiệm chính trong phòng chống thiên tai.

“Nên quy định lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai là công an, quân đội. Đây là lực lượng chính quy, có kỷ luật, phương tiện, cũng là lực lượng lâu nay luôn đi đầu trong việc giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai” - đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề xuất.

“Hiện tượng động đất ở khu vực Sông Tranh 2 xảy ra với mật độ ngày một dày, cường độ ngày càng mạnh làm nhân dân lo lắng, sợ hãi... Tôi đề nghị quy định trong luật việc cấm xây dựng các công trình khi chưa có khảo sát, quy hoạch cụ thể. Cần phải rút kinh nghiệm từ Sông Tranh 2, do khảo sát không tốt nên xây đập trên dãy đứt gãy. Cũng cần quy định thêm việc cấm báo cáo thiệt hại do thiên tai sai sự thật” - đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) nói.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật phòng chống khủng bố. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết khái niệm khủng bố là nội dung trọng tâm xuyên suốt và quyết định đến toàn bộ nội dung của dự thảo luật. Do đó các ý kiến đề nghị cần phải làm rõ khái niệm cụ thể về khủng bố. Ông Sơn nhấn mạnh về nguyên tắc, hành vi khủng bố luôn gắn với động cơ chính trị và rất nhạy cảm, vì vậy không thể sao chép khái niệm từ nước khác.

Trong khi đó, một số đại biểu tán thành với đề xuất xây dựng khái niệm khủng bố như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, an ninh, tuy nhiên đề nghị cần được phân tích làm rõ hơn.

aceVIFXI.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (bìa phải) và các đại biểu Quốc hội Hà Nội ấn nút biểu quyết Luật thủ đô - Ảnh: V.DŨNG

Chiều 21-11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật thủ đô với 377 đại biểu tán thành (tỉ lệ 75,7%). Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn, dự thảo luật đã vượt qua vòng biểu quyết riêng một số điều: vị trí, vai trò của thủ đô; biểu tượng của thủ đô (hình ảnh Khuê Văn Các); quy hoạch xây dựng và phát triển thủ đô; quản lý dân cư.

Về quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu là không quy định vấn đề này trong Luật thủ đô. Các mức phí cụ thể, HĐND TP Hà Nội quy định theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính về phí và lệ phí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp: được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây từng có hộ khẩu trong nội thành... Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành Hà Nội được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.

Tuy nhiên, dự thảo Luật thủ đô được thông qua quy định điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số nhóm dân cư không thuộc các trường hợp nêu trên. Theo đó, nhóm dân cư này muốn nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội phải đáp ứng các điều kiện: tạm trú liên tục tại nội thành từ ba năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Dự thảo luật được thông qua cũng cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực: văn hóa, đất đai và xây dựng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên