04/08/2022 18:48 GMT+7

Tín dụng xanh, thanh toán xanh lên ngôi

MINH THÀNH
MINH THÀNH

TTO - Ngân hàng, các tổ chức thanh toán và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các giao dịch xanh, thân thiện với môi trường. Đây cũng là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho các tổ chức tín dụng trong những năm gần đây.

Người tiêu dùng muốn thanh toán xanh

Theo khảo sát mới của Visa/YouGov, 66% người tiêu dùng Châu Á - Thái Bình Dương mong muốn ngân hàng của họ cung cấp các giải pháp thanh toán thân thiện với môi trường. 52% người tiêu dùng sẽ chuyển sang ngân hàng khác để tiếp cận sản phẩm hoặc dịch vụ giúp họ biết được lượng khí thải carbon tạo ra trong các khoản chi tiêu của họ.

Tín dụng xanh, thanh toán xanh lên ngôi - Ảnh 1.

66% người tiêu dùng Châu Á - Thái Bình Dương mong muốn ngân hàng của họ cung cấp các giải pháp thanh toán thân thiện với môi trường - Ảnh: T.L

Bà Đặng Tuyết Dung - giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cho hay người Việt Nam đang ngày càng có ý thức hơn về vấn đề môi trường và mong muốn được thích nghi với xu hướng này. Visa cũng mới công bố gói Gói lợi ích thân thiện môi trường của Visa (Visa Eco Benefits) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là một tập các giải pháp tập trung vào tính bền vững giúp chủ thẻ Visa trên toàn khu vực hiểu biết tốt hơn về tác động môi trường của các khoản thanh toán hằng ngày. Chủ thẻ có thể tính toán lượng khí thải carbon tạo ra bởi giao dịch thanh toán qua Visa và tiếp cận các lựa chọn khác để bù đắp carbon hoặc quyên góp từ thiện ngay trên trang web hoặc ứng dụng ngân hàng.

HSBC Việt Nam mới đây cũng công bố việc công ty Syngenta Việt Nam vừa tham gia hành trình xanh cùng ngân hàng với khoản tiền gửi xanh đầu tiên của mình.

Chương trình tiền gửi xanh của HSBC cũng là sản phẩm huy động nguồn vốn xanh từ các khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng, để đầu tư vào các dự án và sáng kiến thân thiện với môi trường, đồng thời đảm bảo một mức lợi nhuận ổn định và được xác định trước.

Tiền gửi xanh được sử dụng cho các hoạt động tín dụng xanh tuân thủ theo các quy định trái phiếu xanh của HSBC và bộ nguyên tắc tín dụng xanh, trong các lĩnh vực xanh đủ điều kiện như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, tòa nhà xanh, quản lý chất thải bền vững, sử dụng đất bền vững, quản lý nguồn nước bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngân hàng đẩy mạnh rót vốn cho tín dụng xanh

Tín dụng xanh, thanh toán xanh lên ngôi - Ảnh 2.

Các ngân hàng đẩy mạnh tót vốn cho các chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo - Ảnh: NGỌC HIỂN

HDBank cũng là ngân hàng tích cực thực thi chính sách của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng xanh, đóng góp cho chiến lược kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam.

Cụ thể ngân hàng này đã tài trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án năng lượng tái tạo và tài trợ hàng chục nghìn tỉ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2020, HDBank tham gia chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2020-2024 với việc ký kết hợp tác chiến lược với Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) và Công ty cổ phần BCG Energy (BCG Energy).

Trước đó, HDBank triển khai gói tài trợ cho các dự án năng lượng sạch - dự án điện mặt trời với tổng số vốn 7.000 tỉ đồng, phục vụ các dự án điện mặt trời nối lưới thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam.

Tất cả dự án được nhận vốn từ HDBank đều đáp ứng các tiêu chí xanh. Song song đó, HDBank triển khai mạnh chương trình tín dụng xanh điện mặt trời với quy mô lên đến 10.000 tỉ đồng, dự kiến tăng lên nữa tùy theo sự thay đổi nhu cầu của thị trường.

Ngày 31-10-2021, trong khuôn khổ Hội nghị về Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và chuyến thăm song phương Vương quốc Anh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, HDBank và Quỹ đầu tư Quốc tế Affinity ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ và huy động vốn cho HDBank dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trị giá 300 triệu USD, nhằm tài trợ cho các chương trình đáp ứng tiêu chí ESG, phát triển bền vững.

Ngày 4-11-2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Cộng hòa Pháp, HDBank tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác chiến lược DEG (Đức), tổng giá trị thực hiện từ 200 tới 300 triệu USD và ký kết thỏa thuận hợp tác với Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) trị giá 100 triệu USD để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tín dụng xanh cũng là định hướng mà NHNN đặt ra cho các ngân hàng những năm vừa qua. Từ năm 2015, NHNN đã ban hành chỉ thị số 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Đến tháng 8-2018, NHNN tiếp tục ban hành quyết định số 1604 về việc phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại VN.

Theo đó, NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngoài ra, 100% các ngân hàng cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Hậu Giang đề nghị đưa 12 dự án điện năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện quốc gia Hậu Giang đề nghị đưa 12 dự án điện năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện quốc gia

TTO - Ngày 26-4, ông Huỳnh Thanh Phong - giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang - cho biết tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió vào quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia

MINH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên