01/10/2018 09:22 GMT+7

Tìm lối ra cho xăng dầu Dung Quất, Nghi Sơn

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Hai nhà máy cạnh tranh trực tiếp với nhau, với nguồn nhập khẩu.

Việc tiêu thụ, mua sản phẩm của Dung Quất, của Nghi Sơn hay từ nguồn nhập khẩu không phải do PVN quyết định mà do các nhà phân phối xăng dầu lựa chọn, tính toán.

Tìm lối ra cho xăng dầu Dung Quất, Nghi Sơn - Ảnh 1.

Cuộc cạnh tranh trên thị trường cung ứng xăng dầu Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn mới khi sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu cung ứng ra thị trường, cùng với Dung Quất đã có 10 năm trước đó, trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu đang giảm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TSKH Hồ Sĩ Thoảng - Hội Dầu khí Việt Nam - cho rằng cơ chế thu điều tiết mà Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ngay khi đi vào vận hành thương mại không những làm khó cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khi phải bao tiêu sản phẩm, bù thuế điều tiết mà còn tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Sẽ chịu sự cạnh tranh phức tạp

hoang1

TSKH Hồ Sĩ Thoảng

* Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh thị trường xăng dầu khi hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất giúp Việt Nam có thể tự cung ứng được tới 80% nhu cầu nội địa?

- Với công suất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì nguồn cung chưa phải là thừa với nhu cầu cả nước.

Vấn đề ở chỗ là sự cạnh tranh nhau khá phức tạp, không những của hai nhà máy cạnh tranh trực tiếp với nhau, mà còn với nguồn nhập khẩu. Lý do là hiện vấn đề nhập khẩu rất cởi mở, các mức thuế không giống nhau, nhưng đã giảm, thậm chí sắp về 0, có nhiều nguồn nhập khác nhau sẽ tạo ra cạnh tranh nhất định giữa các nhà máy.

Đặc biệt PVN phải có nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm cho Nghi Sơn theo cam kết, song tập đoàn này lại không có đủ cơ sở hạ tầng tiêu thụ. Việc

Đơn vị tiêu thụ đa số sản phẩm xăng dầu hiện nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số công ty khác. Tức là việc tiêu thụ, mua sản phẩm của Dung Quất, của Nghi Sơn hay từ nguồn nhập khẩu không phải do PVN quyết định mà do các nhà phân phối xăng dầu lựa chọn, tính toán.

Đây là vấn đề mà các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đều phải tính toán.

Tìm lối ra cho xăng dầu Dung Quất, Nghi Sơn - Ảnh 4.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhập dầu thô tại phao số 0 - Ảnh: TRẦN MAI

* Nếu hai nhà máy cạnh tranh nhau như vậy, lợi ích chung của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng?

- Vấn đề cạnh tranh đúng là khó khăn và trong quyền hạn của PVN không giải quyết được mà chắc là cần có sự can thiệp nhất định của Nhà nước. Bởi xăng dầu là sản phẩm có tính chiến lược, ảnh hưởng an ninh quốc gia, trong khi quyền lợi của chính Nhà nước ở đó, khi nắm cổ phần của Nghi Sơn và Dung Quất, Nhà nước rõ ràng phải lo để có phương án.

Tuy nhiên, hai nhà máy này cũng phải tính toán, đặc biệt là Dung Quất phải cạnh tranh được. Đây là nhà máy mà tỉ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ vẫn còn lớn. Thời gian qua khi Nhà máy Nghi Sơn chưa ra sản phẩm, tình hình tiêu thụ, vận hành của Dung Quất trong vòng gần 10 năm qua khá tốt.

Trình độ kỹ sư, công nhân cũng tiến bộ rất nhiều và đặc biệt là đã xử lý mọi vấn đề nảy sinh trong vận hành, giúp tiết kiệm chi phí và làm cho giá thành sản phẩm ở mức chấp nhận được. Theo đánh giá của các công ty đánh giá thế giới thì Dung Quất thuộc hàng trung bình trên thế giới.

Đây là nhà máy đầu tiên với một đất nước chưa làm lọc dầu bao giờ thì đó là điều đáng mừng. Nhưng giờ nếu Nghi Sơn bán rẻ quá thì Dung Quất chắc chắn khó khăn, Nhà nước cần tìm cách xử lý.

Trước mắt để giải quyết khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm ở giai đoạn chạy thử, Nhà máy Nghi Sơn có thể bán giá thấp. Nhưng về lâu dài thì chắc chắn Nghi Sơn phải bán với giá trên giá thành. Trong khi giá thành Dung Quất không phải là cao, cạnh tranh được.

Bảo đảm an ninh năng lượng

Tìm lối ra cho xăng dầu Dung Quất, Nghi Sơn - Ảnh 5.

Một góc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa)

* Mới đây Bộ Công thương cho phép Nghi Sơn xuất khẩu xăng. Đây có phải giải pháp khả thi?

- Thị trường xăng dầu hiện nay có thể coi là phẳng, việc xuất khẩu hay nhập khẩu không thành vấn đề. Vấn đề là nhà máy có lãi hay không.

Trong cơ chế thị trường thì ai cũng có quyền xuất khẩu và nhập khẩu, hoặc bán trong nước. Cũng như Petrolimex họ cũng không phải bị bắt buộc mua của Nghi Sơn hay Dung Quất mà cứ nơi nào có giá rẻ thì họ mua, đó là vấn đề Nhà nước không bắt buộc được. Nhà nước phải tính theo phương án như vậy, không bắt buộc theo mệnh lệnh hành chính được.

* Như vậy có đi ngược lại mục tiêu xây dựng hai nhà máy lọc dầu để giúp Việt Nam tự chủ được nguồn năng lượng không, thưa ông?

- Cần hiểu tự chủ năng lượng, an ninh năng lượng rộng hơn, hiện đại hơn. Ví dụ lúa gạo giờ thừa thì xuất, trường hợp nếu khó khăn dừng lại không xuất nữa. Vấn đề là ta phải có gạo.

Cũng như xăng dầu, chủ trương làm các nhà máy này là để đảm bảo nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Với hai nhà máy lọc dầu mỗi năm sản xuất 15 triệu tấn sản phẩm, khi thuận lợi ta bán, khi khó khăn ta giữ lại dùng và không bán nữa.

Còn chuyện sản xuất ra bán ở đâu thì đó là câu chuyện thị trường. Việc có hai nhà máy xăng dầu giúp ta có sự tự chủ về năng lượng, đảm bảo khi có sự cố thì ta có nguồn sản phẩm để chủ động hơn so với việc nhập khẩu.

* Hai nhà máy lọc dầu đáp ứng được 70-80% nhu cầu. Một số doanh nghiệp như Petrolimex xin rút khỏi dự án lọc dầu. Vậy theo ông, có nên làm nhà máy lọc dầu nữa hay không?

- Theo tôi, trong một tương lai nhất định, Petrovietnam không nên xây dựng nhà máy lọc dầu nữa, còn nếu các công ty nước ngoài đầu tư xây dựng mà tự tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm các tiêu chí bảo vệ môi trường thì có thể xem xét. Bởi vì thị trường xăng dầu thế giới bằng phẳng, muốn nhập mấy thì nhập, năng lực trong nước cũng đảm bảo 70-80% rồi.

Tuy nhiên hóa dầu thì nên làm, vì đây là ngành công nghiệp gắn với cả nền công nghiệp hóa chất, là ngành khó, vốn lớn, nhưng lợi nhuận cao, cần thiết cho nền kinh tế quốc dân.

Tìm lối ra cho xăng dầu Dung Quất, Nghi Sơn - Ảnh 6.

* Nhà máy Dung Quất đã khấu hao 10 năm, Nhà máy Nghi Sơn được hưởng nhiều ưu đãi, vậy khả năng giảm giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng thế nào, thưa ông?

- Rất khó để giảm giá bán sản phẩm, vì bây giờ thị trường mở rồi.

Vì hộ tiêu thụ sẽ ưu tiên nhập nguồn giá thấp, hiện thuế đang giảm dần. Nghi Sơn có vốn chủ yếu của nước ngoài, Nhà nước ta chỉ 25%; Dung Quất chủ yếu là vốn của Nhà nước, nên Nhà nước phải suy nghĩ chuyện này. Đến nay có thể coi Dung Quất đã hoàn thành sứ mệnh của mình rồi, nộp vào ngân sách số tiền gấp đôi số vốn mà Nhà nước bỏ ra xây dựng nhà máy. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay Dung Quất phải phấn đấu để tiếp tục có lãi, cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn muốn xuất khẩu xăng dầu Lọc hóa dầu Nghi Sơn muốn xuất khẩu xăng dầu

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) vừa có công văn kiến nghị gửi Bộ Công thương xin xuất khẩu xăng dầu. Dự kiến, sau kỳ nghỉ lễ 2-9, lãnh đạo bộ này sẽ họp bàn để đưa ra phương án cho đề xuất trên.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên