22/03/2021 09:12 GMT+7

Tìm hàng tốt cho chứng khoán

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Nhiều doanh nghiệp không ngờ vốn hóa của doanh nghiệp mình tăng tới hơn 700% trong vòng một năm qua. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng trúng lớn. Nhưng để thị trường phát triển bền vững, cần thêm hàng tốt cho chứng khoán vẫn là bài toán lớn.

Tìm hàng tốt cho chứng khoán - Ảnh 1.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đang gấp rút triển khai hệ thống giao dịch mới nhưng phải sau vài tháng mới có kết quả - Ảnh: Q.ĐỊNH

Có nhiều cú tăng giá kỳ lạ trên sàn chứng khoán trong khoảng 1 năm qua, nhưng nhiều doanh nghiệp nhờ chuyển đổi nhanh đã không chỉ vững vàng vượt dịch COVID-19 mà còn sống khỏe.

Khấm khá nhờ COVID-19

Trong lúc dịch COVID-19 buộc hàng loạt thương hiệu thời trang và các doanh nghiệp sản xuất may mặc phải tuyên bố phá sản, Công ty cổ phần (CTCP) dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM) nhanh chóng sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và quần áo bảo hộ. Bước đi này giúp doanh nghiệp lãi ròng sau thuế hơn 276 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Thừa thắng xông lên, trong vòng 1 năm qua cổ phiếu TCM tăng giá hơn 570%, từ giá vùng đáy dịch với khoảng 10.500 đồng đã vọt lên 86.100 đồng. Vốn hóa thị trường của công ty từ 660 tỉ đồng tăng hơn 736%, lên hơn 5.220 tỉ đồng, gấp 1,8 lần tổng tài sản và gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty cổ phần Merufa (MRF) hiện là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán sản xuất bao cao su. Những năm gần đây, đơn vị phải cạnh tranh khốc liệt khi thương hiệu ngoại ngày càng lấn áp.

"Ngành găng tay y tế là một trong những ngành có cơ hội lớn", ông Phạm Xuân Mai (thành viên hội đồng quản trị MRF) chia sẻ về cơ hội làm ăn khi dịch ập đến. Nhu cầu găng tay tăng đột biến, doanh nghiệp quyết định huy động 230 tỉ đồng để đầu tư phân xưởng sản xuất găng tay, thời gian đầu tư từ 8-12 tháng. Sau một năm nỗ lực, công ty đã lãi ròng sau thuế hơn 13 tỉ đồng, gấp 2,5 lần lũy kế 3 năm trước.

Trong vòng 1 năm, giá cổ phiếu của MRF đã tăng hơn 210%, hiện đang mức 60.000 đồng/cổ phiếu, nhờ đó nâng vốn hóa thị trường gấp 1,7 lần tổng tài sản và gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu.

Tìm hàng tốt cho chứng khoán - Ảnh 2.

Các cá nhân trong nước đang là nhóm khách hàng chủ lực, giúp các công ty chứng khoán ăn nên làm ra, doanh nghiệp niêm yết nhận về vốn hóa lớn. Trong ảnh: phiên giao dịch chứng khoán tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đừng nghĩ trong nước ít vốn

Chưa đầy 1 quý đầu năm 2021 (1-1 đến 19-3), nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã bán ròng hơn 15.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, bằng 79% tỉ lệ bán ròng của cả năm 2020.

Trong suốt 21 phiên giao dịch gần đây, NĐT ngoại đã bán ròng 11.780 tỉ đồng qua sàn HSX và được NĐT cá nhân trong nước chi thêm 15.000 tỉ đồng mua hết.

Trong các giao dịch bán ròng, Quỹ đầu tư Dragon Capital gây chú lớn khi thoái gần 108 triệu cổ phiếu Ngân hàng Á Châu (ACB), khoản đầu tư mà quỹ nắm giữ gần 25 năm, gần bằng quãng đường quỹ đã hoạt động tại Việt Nam. Theo thị giá, khi hoàn tất giao dịch, quỹ này sẽ mang về gần 3.500 tỉ đồng. Bên chi tiền mua vào là các NĐT nội.

Giữa lúc này, NĐT cá nhân trong nước "làm chủ" cuộc chơi, đóng góp tới 80% tổng giá trị giao dịch của TTCK Việt Nam (theo FiinTrade).

Bất chấp nghẽn lệnh, nhiều phiên thanh khoản toàn thị trường đạt từ 18.000 - 21.000 tỉ đồng. "Giấc mơ" VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm cũng thành hiện thực vào ngày 18-3. Nhiều người gọi vui là chứng khoán "vượt lén", vì trong phiên trên sàn HSX "tắc nghẽn" triền miên, khối ngoại lại bán ròng gần 350 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI), ước tính trên thị trường có tới 35% NĐT cá nhân có vốn đến 500 triệu đồng, song NĐT cá nhân đôi khi không song hành với khái niệm vốn nhỏ.

Điển hình vào đầu tháng 3 này, một NĐT cá nhân tên Nguyễn Việt N. đã chi gần 45 tỉ đồng để gom 754.400 cổ phiếu Công ty bánh kẹo Bibica (4,89% vốn điều lệ). Chỉ sau 3 ngày "lướt sóng", ông này đã bán ra và lãi gần 3,7 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho biết có khoảng 90% số tiền giao dịch hằng ngày tại công ty này đến từ khách hàng cá nhân trong nước.

"Lính mới" hăng sức, các công ty chứng khoán thắng lớn từ hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ. Có vốn điều lệ cao bậc nhất thị trường, năm 2020 lợi nhuận trước thuế của Công ty chứng khoán SSI đạt 1.545 tỉ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước.

Ở đại hội cổ đông vừa diễn ra, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết trong năm 2020 lượng khách cá nhân mở tài khoản đạt hơn 120.000 tài khoản, tăng 70% so với năm trước, chiếm 30% tổng số tài khoản mới của NĐT cá nhân trên toàn thị trường. Từ đó giúp công ty đạt lợi nhuận sau thuế 693 tỉ đồng (tăng 81% so với năm trước). Công ty đặt mục tiêu năm 2021 lãi trước thuế 1.100 tỉ đồng, chỉ trong quý 1 đã hoàn thành 40% kế hoạch cả năm.

Tìm hàng tốt cho chứng khoán - Ảnh 3.

Dữ liệu: Bông Mai - Nguồn: SSI

Vốn chuyển qua chứng khoán chỉ là bắt đầu

"Dù số tài khoản của NĐT trong nước lên tới 2,88 triệu nhưng tổng số lượng tài khoản này chỉ mới chiếm khoảng 2,8% tổng dân số cả nước. Đây là mức rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Tiềm năng từ thị trường vẫn còn rất lớn, xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các kênh truyền thống như tiết kiệm, đất đai sang chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi trào" - chuyên gia phân tích của chứng khoán BSC nhận định.

Việt Nam ở trạng thái bình thường mới, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, các chuyên gia của BSC nhấn mạnh: "Tiến trình niêm yết, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm 2020 còn chậm, chưa có dấu hiệu đảo chiều tích cực trong năm 2021 và để ngỏ khả năng bùng nổ trở lại từ năm 2022". Điều này sẽ cản trở sự phát triển của TTCK.

Ông Don Di Lam (tổng giám đốc VinaCaptial) kiến nghị TTCK Việt Nam cần có thêm hàng hóa cho thị trường thông qua việc có thêm các công ty có chất lượng cao được niêm yết hoặc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhằm thu hút các NĐT lớn mua cổ phần hàng trăm triệu đôla Mỹ. Cần có lộ trình rõ ràng và các biện pháp chế tài để các công ty này sớm niêm yết chính thức...

Bên cạnh đó, việc gỡ bỏ các rào cản về sở hữu của NĐT ngoại cũng nên được tiến hành sớm và rõ ràng hơn. Đồng thời, chúng ta cần thu hút cả nguồn vốn trong nước và nước ngoài thông qua các sản phẩm tài chính hiệu quả hơn, ổn định và an toàn cho NĐT.

Theo Dragon Capital, tình trạng tiếp tục bị tắc nghẽn trên hệ thống giao dịch hằng ngày của HoSE là một trong những trở ngại lớn của thị trường.

"Việc đưa hệ thống công nghệ mới vào việc quản lý giao dịch trên TTCK cũng khiến các NĐT quốc tế quan tâm. Một khi các trở ngại trên có lộ trình được dỡ bỏ sẽ giúp tâm lý NĐT được bình ổn hơn, họ tự tin hơn khi ra các quyết định đầu tư", ông Don Di Lam chia sẻ.

Chứng khoán "đỡ" cả doanh nghiệp

Chứng khoán "thăng hoa", nhiều doanh nghiệp lãi đậm nhờ kênh đầu tư này là điều không quá khó hiểu. Nhưng FLC là một trường hợp đáng chú tâm. Vốn là tập đoàn có mảng cốt lõi là bất động sản, lũy kế 2 năm qua FLC lỗ ròng hơn 4.170 tỉ đồng từ mảng cốt lõi.

Tuy vậy, hoạt động tài chính, bao gồm các giao dịch mua bán chứng khoán, lại là mảng "gồng gánh" cả tập đoàn bất động sản khi mang về 5.460 tỉ đồng doanh thu trong năm 2020 (+44%), nhờ đó mới có lãi sau thuế gần 308 tỉ đồng. Riêng trong một năm qua, giá cổ phiếu FLC có biến động tăng từ vùng đáy gần 2.500 đồng lên mốc 8.000 đồng.

Mãi chưa thấy MobiFone lên sàn!

"Chợ" chứng khoán thiếu hàng tốt nhưng nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng công ty Phát điện 1, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, MobiFone, Tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam, Tổng công ty Bến Thành... vẫn còn chậm chạp, ì ạch chờ xác định giá trị doanh nghiệp nên chưa rõ thời điểm lên sàn.

Nghẽn lệnh chứng khoán: dần có lối ra

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đang chạy đua để sớm đưa hệ thống giao dịch mới tích hợp nhiều tính năng vào vận hành, bên cạnh giải pháp trước mắt như tạm chuyển sàn, dùng tạm hệ thống xử lý lệnh của sàn Hà Nội...

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn không hài lòng bởi họ còn phải chịu cảnh nghẽn lệnh thêm vài tháng nữa. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hệ thống giao dịch mới do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) trúng thầu trị giá 28,6 triệu USD (hơn 657 tỉ đồng) đang được triển khai quyết liệt. Các chuyên gia Hàn Quốc đã qua Việt Nam nhiều đợt, sau khi thực hiện cách ly 14 ngày đã tiến hành bắt tay vào việc.

Dự kiến sau khoảng 2 tuần nữa sẽ bắt đầu chạy thử, nhưng cần 2 tháng để chạy ổn định, sau đó kết nối với công ty chứng khoán chạy cho nhuyễn trong 2 tháng. Tổng thời gian chạy thử, kiểm tra, sửa lỗi mất từ 4-5 tháng nếu mọi việc suôn sẻ. Dự kiến đến cuối năm mới đưa vào hoạt động chính thức.

Hiện HoSE đang tiến hành nhiều giải pháp để xử lý tắc nghẽn, bao gồm làm việc trực tiếp với FPT. 2 tuần nữa cũng trùng với thời gian FPT cho chạy thử nội bộ các thuật toán trên hệ thống được đơn vị lấy từ HNX để chuyển sang sửa cho tương thích với HoSE.

Ông Dương Dũng Triều (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty hệ thống thông tin FPT) chia sẻ hiện còn gặp vấn đề là thu xếp kinh phí, việc xử lý lỗi phát sinh trong quá trình kiểm thử. Trong ba tháng tính từ lúc được chốt dự án và phương án kinh phí, đơn vị sẽ xử lý xong tắc nghẽn. Như vậy là sớm hơn khoảng nửa năm nếu chờ hệ thống do nhà thầu Hàn Quốc đi vào hoạt động.

Tìm hàng tốt cho chứng khoán - Ảnh 6.

Nhân viên môi giới trong phiên giao dịch chứng khoán - Ảnh: B.M.

Song song đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng tạo điều kiện "đặc cách" cho doanh nghiệp ở HoSE tự nguyện tạm chuyển sàn sang "ở nhờ" HNX. HNX cho biết đã nhận công văn đề nghị chuyển sàn của 3 doanh nghiệp, ước tính giảm tải cho HoSE khoảng 48 triệu cổ phiếu. 

Nhưng con số này khá nhỏ so với 1,2 tỉ cổ phiếu sắp được HoSE cho chào sàn vào ngày 24-3 và không đáng là bao so với hơn 101,5 tỉ cổ phiếu niêm yết tại sàn này. Ngoài khoảng 400 mã cổ phiếu, hệ thống giao dịch của HoSE còn gánh hơn 160 chứng chỉ quỹ đóng, chứng quyền có bảo đảm, trái phiếu niêm yết...

Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX sớm vào hoạt động, thay thế hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất có thể giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch, giúp thị trường giao dịch thông suốt trong dài hạn.

2,88 triệu

Đó là số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước, theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 2-2021. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới gần 2,87 triệu tài khoản (99,6%), số còn lại thuộc về nhà đầu tư tổ chức.

Nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt trong dịch

Không ít doanh nghiệp kinh doanh không khả quan vẫn tăng giá cổ phiếu thời gian qua khiến nhà đầu tư cần cẩn trọng nhưng thị trường vẫn được tiếp sức bởi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rực rỡ trong mảng cốt lõi.

Ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận 26.166 tỉ đồng doanh thu và 4.660 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý cuối năm 2020, mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của tập đoàn. Cả năm, tập đoàn đạt doanh thu 91.279 tỉ đồng, tăng 41% so với năm trước, lãi ròng sau thuế hơn 13.506 tỉ đồng. Cổ phiếu HPG đạt đỉnh lịch sử.

Hoạt động trong các ngành nhạy cảm với đại dịch nhưng một số doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó. Chẳng hạn, giữa lúc giãn cách xã hội cộng thêm kiểm soát chặt chẽ ra vào bệnh viện khiến doanh số kê đơn, bán thuốc sụt giảm nhưng cổ phiếu Dược phẩm Imexpharm (IMP) vẫn tăng 55% trong một năm qua, đồng thời lãi ròng tăng 16% so với cùng kỳ nhờ cải tiến danh mục sản phẩm, tái cấu trúc kênh bán hàng để tập trung vào thuốc có giá trị cao được sử dụng trong bệnh viện.

Chống nghẽn giao dịch chứng khoán: Lấy phần mềm từ HNX cài cho HoSE Chống nghẽn giao dịch chứng khoán: Lấy phần mềm từ HNX cài cho HoSE

TTO - Các bên liên quan thống nhất phương án sẽ lấy phần mềm từ HNX cài sang HoSE và chỉnh sửa cho phù hợp bởi các phương án giải quyết hết nghẽn ngay đều không khả thi.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên