23/01/2018 13:56 GMT+7

Tìm giải pháp xử lý dứt điểm sụt lở bãi biển Đà Nẵng

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ông Lê Quang Nam, giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, cho biết hiện các sở đang phối hợp chuyên gia các trường đại học và chuyên ngành tìm nguyên nhân việc biển Mỹ Khê bị xâm thực.

Tìm giải pháp xử lý dứt điểm sụt lở bãi biển Đà Nẵng - Ảnh 1.

Để chống xâm thực biển Mỹ Khê, nhiều doanh nghiệp bỏ tiền đổ đá lớn ở các vị trí xung yếu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nam cho biết cần có thêm các nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra giải pháp.

"Hiện chúng tôi đã giao cho Chi cục Biển và hải đảo theo dõi chặt chẽ việc xâm thực và thực hiện quan trắc ở bờ biển hằng ngày để thu thập thêm số liệu trước khi có đánh giá tổng thể. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng có thể có rất nhiều nguyên nhân khiến bờ biển bị xâm thực. Khi có thêm số liệu chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để tìm giải pháp" - ông Nam nói.

Ông Hoàng Thanh Hòa, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cho rằng cần có trạm quan trắc cố định ở các khu vực ven biển. 

Ngoài ra, cần thực hiện một đề tài nghiên cứu chuyên sâu về tình trạng sạt lở tại bãi biển dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa để có cơ sở khoa học đánh giá đúng nguyên nhân và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông, biện pháp trước mắt là phải bố trí đất khôi phục rừng phòng hộ ven biển để nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tìm giải pháp xử lý dứt điểm sụt lở bãi biển Đà Nẵng - Ảnh 2.

Nước biển vào gần đường ống dẫn nhiên liệu, nhân viên ngành dầu khí bảo trì đường ống để chống hoen gỉ và xê dịch vào sáng 22-1 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bãi biển Đà Nẵng: chuyện gì đang xảy ra? Bãi biển Đà Nẵng: chuyện gì đang xảy ra?

TTO - Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng - một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh theo bình chọn của tạp chí Forbes - đang bị lún, lở xâm thực nghiêm trọng. Hoạt động xây dựng và khai thác nước ngầm ồ ạt các khu vực ven biển đã phải trả giá.

ts-quach-thi-xuan-truong-trung-1516669641594

Tiến sĩ Quách Thị Xuân:

Nên tạm dừng xây dựng các công trình

Theo TS Quách Thị Xuân, sự ổn định của bãi biển là thước đo cho sự thành công của các thành phố ven biển. Đặc biệt với Đà Nẵng, bờ biển có tầm quan trọng to lớn đối với du lịch và môi trường sống.

TS Xuân cho rằng việc áp dụng các giải pháp công trình cho vấn đề xói lở bãi biển Đà Nẵng nên chờ tới khi có kết luận khoa học đánh giá tổng thể về nguyên nhân gây xói lở. 

Tuy nhiên, phải áp dụng ngay các biện pháp phi công trình để hạn chế tình trạng "nguy kịch" trong những mùa mưa tiếp theo.

Theo đó, trước mắt cần tránh can thiệp trực tiếp vào bãi biển như bồi đắp san lấp cũng như hạn chế xả nước mưa ra biển. 

Nên tạm dừng việc xây dựng các công trình để nghiên cứu cân bằng lượng nước ngầm khu vực ven biển. 

Nếu lượng khai thác nước ngầm lớn hơn lượng nước nạp lại tầng nước ngầm thì cần phải áp dụng các biện pháp bổ sung nước ngầm như xây dựng các bể chứa nước ngầm sinh thái hay bơm nước trực tiếp vào tầng nước ngầm...

Về lâu dài cần rà soát, theo bà, quy hoạch lại khu vực ven biển, áp dụng các biện pháp bền vững như xây dựng cơ sở hạ tầng xanh để khu vực này có thể tự vận động.

22-1-anh-ts-nguyen-thi-minh-phuong-truong-trung-1516669764297

Tiến sĩ Minh Phương: 

Dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước dưới đất

Đồng quan điểm, TS Minh Phương cho rằng biện pháp trước mắt phải dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước dưới đất cho đến khi phục hồi thông qua việc kiểm tra, giám sát và xử phạt tất cả các hình thức bơm nước ngầm lên, với các chế tài mạnh.

Đồng thời, về lâu dài, Đà Nẵng cần điều chỉnh quy hoạch sao cho tỉ lệ diện tích cây xanh, công viên tăng lên, hạn chế tối đa bêtông hóa để tạo điều kiện cho nguồn nước ngầm phục hồi.

Trước tình hình bờ biển lâm nguy, mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã cùng với các đơn vị đi thị sát những khu vực bị ảnh hưởng. 

Ông Thơ yêu cầu Sở TN-MT nghiên cứu đầy đủ các nguyên nhân xâm thực để đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm. 

Trước khi tìm ra nguyên nhân, ông Thơ yêu cầu các ngành liên quan khẩn cấp khắc phục ngay các vị trí sạt lở, trước mắt gia cố toàn bộ các điểm này theo cấp độ có thể chống chịu được gió bão và lắp các cảnh báo an toàn cho du khách.


Vẫn loay hoay tìm cách cứu Cửa Đại

Bị xâm thực từ năm 2014, dù chi ra hơn 200 tỉ đồng nhưng đến nay biển Cửa Đại (Hội An) vẫn chưa phục hồi. Thậm chí vào mùa mưa vừa qua, một số vị trí tiếp tục bị xâm thực nặng.

Vẫn loay hoay tìm cách cứu Cửa Đại - Ảnh 1.

Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) bị sóng đánh dạt và xâm thực sâu vào đất liền hàng chục mét - Ảnh: B.D.

Đầu năm nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã công bố hiện tượng xói lở nghiêm trọng ở bờ biển Cửa Đại.

TS Vũ Thị Lan Hương (nhóm nghiên cứu JICA) cho biết ngoài nguyên nhân suy giảm bùn cát ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thì việc xây dựng các công trình ven biển cũng làm gián đoạn dòng lưu chuyển bùn cát dọc bờ.

Quá trình mở rộng và thu hẹp bãi bồi tại cửa sông Cửa Đại có liên quan chặt chẽ đến tình trạng sạt lở bờ biển này, trong đó sạt lở xảy ra mạnh mẽ và rõ ràng hơn từ năm 1993 sau khi nhiều bãi bồi bị mất hoàn toàn.

Theo tính toán của JICA, lượng bùn cát cung cấp cho cửa sông Cửa Đại hiện nay đã giảm tới 40% so với thời điểm 1997.

Theo TS Vũ Thị Lan Hương, các biện pháp chống xói lở mà không tính đến quá trình lưu chuyển dòng bùn cát dọc bờ không những không có hiệu quả mà còn ảnh hưởng xấu đến khu vực lân cận.

Cụ thể, sau đợt lũ tháng 12-2016, một cửa sông mới được hình thành, có tác dụng cung cấp một lượng bùn cát lớn về phía bắc, tuy nhiên do việc xây dựng cọc cừ thép giữ bãi đã dẫn đến lượng bùn cát này không thể dịch chuyển đến khu vực phía bắc, từ đó biển Cửa Đại vẫn tiếp tục sạt lở nặng nề.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên