28/09/2012 08:15 GMT+7

Tìm giải pháp hữu hiệu an dân

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 27-9, lần đầu tiên Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổ chức “Hội nghị nêu lên ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQ VN”.

LjJmuF0l.jpgPhóng to
Ông Vũ Khoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Long

Hội nghị với chủ đề “Những vấn đề kinh tế - xã hội” và có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cựu lãnh đạo uy tín.

“Thời gian quý hơn vàng ngọc, chậm trễ là khuyết điểm, thậm chí là tội lỗi. Chúng ta hiến kế và đề nghị Đảng, Nhà nước có giải pháp hữu hiệu nhằm an dân” - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN Vũ Trọng Kim khai mạc hội nghị.

“Tập trung vào vấn đề ngắn hạn”

Được mời phát biểu đầu tiên, ông Vũ Khoan - nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ - đề cập tình hình “kinh tế đang đứng trước những khó khăn mà lâu nay chưa từng gặp”. Ông Khoan nói về kinh tế thì khó khăn trước mắt đang ngổn ngang, đòi hỏi vừa phải xử lý những vấn đề ngắn hạn vừa phải xử lý dài hạn. Tuy nhiên, quan sát thì thấy hiện tại nguồn lực tập trung quá nhiều vào vấn đề ngắn hạn. Nếu không lồng ghép vấn đề ngắn hạn vào dài hạn thì khó khăn sẽ nghiêm trọng hơn. Vấn đề dài hạn đã được xác định là phải tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững. Xác định được rồi nhưng chưa thấy chiến lược tổng thể và nội dung cũng chưa đủ. VN còn 60% là kinh tế ngoài nhà nước, nhưng bộ phận này chưa thấy được hướng dẫn, đường hướng cụ thể để phát triển. Ngay trong ngắn hạn có mâu thuẫn rất lớn giữa nhu cầu ổn định và nhu cầu phát triển.

“Chẳng hạn với ngân hàng thì nợ xấu rất căng, không xử lý đúng đắn thì nguy. Với những nguồn thông tin tôi nhận được thì dường như chưa thấy phương án cụ thể” - ông Khoan nói. Ông cho rằng kinh tế khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lãi cao, như vậy chắc chắn có hoạt động ảo trong hệ thống ngân hàng. “Trong lĩnh vực đầu tư công, nói là điều chỉnh nhưng tiêu xài quá chừng. Cứ nhìn vào thu - chi chín tháng đầu năm thì thấy thu khó khăn, chi vẫn tăng hơn 10%. Hội hè thì rất nhiều, dân bức xúc” - ông dẫn chứng.

Bài phát biểu của ông Khoan nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của hội nghị.

Kiến nghị tăng đầu tư công

Chuyên gia hàng đầu về ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nhận định: “Chúng ta đang mắc phải căn bệnh đã làm nhiều nước khổ sở: đóng băng tín dụng. Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn”. Ông cho biết căn bệnh này đã bóp nghẹt nền kinh tế Nhật Bản trong nhiều năm (1996-2000), các nước châu Mỹ Latin mà tiêu biểu là Brazil cũng loay hoay trong nợ xấu 11 năm trời. Kinh nghiệm cho thấy xử lý chậm thì nền kinh tế sẽ rất khốn khổ. “Theo Ngân hàng Nhà nước báo cáo, nợ xấu ở ta tương đương khoảng 10 tỉ USD... Cái chết của ta là thiếu đồng thuận trong cách thức giải quyết. Chính phủ từng rất quyết tâm trong việc thành lập công ty mua bán nợ, nhưng khi đưa ra dư luận gặp phải sự phản ứng thì đến nay lại thấy cứ từ từ. Chậm chạp có nghĩa là chết. Cái xe đang bị chết máy giữa đường, không có biện pháp bốc nó đi thì hàng xe đứng sau cứ tắc mãi” - ông Nghĩa phân tích.

Không thể tưởng tượng được tín dụng từ đầu năm đến giờ tăng có 2,16%, ông Nghĩa phân tích. Các ngân hàng dư thừa tiền không biết phải làm thế nào. Đây là một trong những vấn đề tiền tệ đau đầu mà VN ít gặp. Bây giờ đẩy tiền ra thì lạm phát. VN đang rơi vào thế kẹt: không uống thuốc thì sốt cao mà uống vào thì tăng huyết áp. “Cá nhân tôi cho rằng chúng ta có thể phải chấp nhận lạm phát ở mức nhất định, năm tới có thể phải 9-11%. Phải đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng trước khi thị trường bất động sản vỡ, doanh nghiệp chết, tức là lúc đặt dấu chấm hết. Cứ để hệ thống ngân hàng này, với đạo đức kinh doanh, với tầm nhìn hiện tại thì nó không đi lên được nữa. Ngân hàng không làm đúng vị trí của nó thì nó bóp chết thị trường bất động sản, bóp chết doanh nghiệp...” - TS Nghĩa nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp cấp bách được ông Nghĩa kiến nghị là phải tăng đầu tư công, bởi nếu không tăng đầu tư công thì khó tăng trưởng tín dụng (đầu tư công chiếm khoảng 30% tăng trưởng tín dụng). Nếu không tăng trưởng tín dụng thì tăng trưởng kinh tế sẽ thấp ở mức báo động. “Đối với VN, tăng trưởng kinh tế 4-5% coi như bằng không, bởi chúng ta không có hệ thống an sinh xã hội đảm bảo. Cần giảm chi tiêu thường xuyên, đừng tổ chức nhiều hội hè đình đám nữa, tăng chi cho đầu tư công, cho cơ sở hạ tầng” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

“Phải chữa bệnh giả dối”

GS.TS Trần Ngọc Hiên - nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - bình luận: “Chúng ta đang no thông tin nhưng đói nhận thức. Cái gì trên thế giới cũng tưởng là biết, nhưng thế giới đang đi về đâu thì không rõ”.

GS Hiên đề nghị: “Cần phục hồi giá trị Đại hội VI: nhìn thẳng vào sự thật”. Dưới góc độ một người làm công tác văn hóa, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nói: “Chúng ta cần phải chữa bệnh giả dối. Phải nhìn thẳng vào sự thật, nói thật, làm thật. Trước năm 1986, người nông dân chờ đánh kẻng ra đồng, làm giả nhưng công điểm lại thật, công điểm cao và vượt định mức nhưng lại đói nghèo. Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước nói thật, dân làm thật, kết quả là đời sống khá lên. Nợ xấu đang là bao nhiêu? Tôi không biết và nhiều người không biết. Chúng ta đang khát khao sự thật. Cần trở về với bài học đổi mới 1986, thay đổi từ văn hóa”.

Trước tình hình như vậy, GS Hiên đề nghị “phải sửa đổi căn cơ, vì không căn cơ thì sai đâu sửa đấy, mà sai đâu sửa đấy sẽ rơi vào tình trạng sửa đâu sai đấy”.

Ông VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng Chính phủ):

Có chuyện rõ rành rành nhưng không ai nhận trách nhiệm

Đối với vấn đề chính trị, điều then chốt hiện nay và mọi người đều kỳ vọng là làm cho tốt nghị quyết trung ương 4. Nhưng cảm tưởng đầu tiên của tôi cũng như của những người về hưu, những người cùng khu phố mà tôi có trao đổi và đọc kết quả trên báo (tôi đọc trên báo Nhân Dân chứ không nói đến các mạng không chính thống), thì thấy mọi chuyện dường như đều êm cả.

Trước đây văn kiện Đảng, rồi trung ương đều nhận xét “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái...”, bây giờ thì xem ra là bộ phận lớn không có vấn đề gì, có nghĩa nhận định trước đây chưa chính xác? Tôi thấy có những việc rõ rành rành nhưng không ai nhận trách nhiệm.

Yêu cầu yên dân là chuyện lớn. Nhưng có những chuyện cứ làm cho dân bức bối mãi lên, ví dụ như chuyện ra những quyết định rất ức chế: thịt lợn chỉ được bán trong tám tiếng đồng hồ, đánh thuế thu nhập cá nhân với cả bà đẻ, đề xuất một số thứ thuế giao thông... chưa nghĩ kỹ nên đưa ra rồi lại bỏ. Nghe những chuyện đó làm người ta có cảm giác một đất nước không được quản lý tốt, không thấy ai nhận trách nhiệm và bị xử lý.

Tôi nghĩ đất nước phải có kỷ cương.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên