14/12/2019 14:03 GMT+7

Tìm được mảnh đất làm công nghiệp ở trung du miền núi Bắc Bộ rất khó

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO – Trong vùng này tìm được một mảnh đất bằng đã khó nên để có vài trăm hecta đến vài ngàn hecta để phát triển công nghiệp quy mô lớn là vô cùng khó khăn.

Tìm được mảnh đất làm công nghiệp ở trung du miền núi Bắc Bộ rất khó - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cần tập trung phát triển dịch vụ - Ảnh: BN

Ông Nguyễn Văn Bình - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương - nhấn mạnh khi nói về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ tại hội thảo phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo do Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức ngày 14 - 12 tại Thái Nguyên.

Theo trưởng Ban Kinh tế trung ương, đến nay vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng này cần cân nhắc thêm, các đại biểu đặt nặng công nghiệp xây dựng nhưng theo tôi chỉ đặt ở mức vừa phải.

Đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ dịch vụ là quan trọng. Bên cạnh đó là nông nghiệp. Tất nhiên, tỉ trọng dịch vụ tăng lên, nông nghiệp giảm nhưng chất lượng nông nghiệp phải tăng lên. Đó là điều kiện đặc biệt vùng này.

Một đặc điểm nữa, theo trưởng Ban Kinh tế trung ương, là vùng có vai trò bảo đảm môi trường sinh thái cho cả khu vực miền Bắc của đất nước. Chúng ta cứ thấy Tây Bắc ở đâu nhưng nó rất gần Hà Nội và khu vực phía Bắc. Toàn bộ đồng bằng sông Hồng lấy nước ở Tây Bắc, điện ở Tây Bắc. Hệ sinh thái cả miền Bắc phụ thuộc vào vùng này, vì vậy vùng này phải phát triển bền vững.

Tìm được mảnh đất làm công nghiệp ở trung du miền núi Bắc Bộ rất khó - Ảnh 2.

Đến nay, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là rốn nghèo của cả nước - Ảnh: BN

Sau 15 năm thực hiện nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2020, kinh tế xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Tốc độ tăng GDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2004 - 2018 tăng 10%, thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 44,8 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, đến năm 2018 cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực, ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỉ lệ 40,43%, dịch vụ 35,8%, nông lâm nghiệp, thủy sản 18,6%.

Đánh giá sơ bộ việc thực hiện nghị quyết 37 của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trưởng Ban Kinh tế trung ương ghi nhận có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu nghị quyết 37, có 1 chỉ tiêu có khả năng đạt được, 2 chỉ tiêu chưa hoàn thành. Có thể nói nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Sơn, phó Ban Kinh tế trung ương, cho rằng xu hướng phát triển xanh, bền vững và liên kết các vùng ngày càng chặt chẽ hơn. Đây là cơ hội cho vùng học hỏi, bắt kịp xu hướng phát triển chung. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng luôn được Đảng và nhà nước xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, là vùng phên dậu, là lá phổi của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những cửa ngõ thông ra biển, kết nối với các nước ASEAN của các tỉnh miền Tây của Trung Quốc có nhiều cửa khẩu với một nước láng giềng có thị trường lớn và nhiều sáng kiến hội nhập và kết nối đầu tư quốc tế.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, những thành tựu vùng đạt được sau 15 năm thực hiện nghị quyết 37 trung ương chỉ là tiền đề rất quan trọng để cho vùng có thể phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Dù có nhiều tiềm năng nhưng đến nay, lợi thế kinh tế biên mậu, cửa khẩu chưa được phát huy, thu từ xuất nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách. Phát triển du lịch vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Hoạt động liên kết, hợp tác trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chưa đi vào chiều sâu. Nông nghiệp phát triển chưa tương xứng, các vùng chuyên canh phát triển chậm, các chuỗi giá trị còn hạn chế, công nghệ bảo quản, chế biến quy mô nhỏ, chất lượng nhiều nông sản còn thấp.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên