27/04/2018 14:29 GMT+7

Tìm công bằng cho giáo viên dôi dư

T.TÂN - Đ.QUYÊN - T.MAI
T.TÂN - Đ.QUYÊN - T.MAI

TTO - 'Tôi mong muốn các sai phạm trong tuyển dụng giáo viên ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk được làm rõ để lấy lại công bằng cho chúng tôi' - anh A., một giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, đã bày tỏ như vậy.

Tìm công bằng cho giáo viên dôi dư - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên huyện Krông Pắk, Đắk Lắk bức xúc vì có nguy cơ thất nghiệp - Ảnh: TRUNG TÂN

Anh A. là người cung cấp thông tin cho báo Tuổi Trẻ về việc ba đời chủ tịch ở huyện Krông Pắk tuyển dôi dư hơn 600 giáo viên. Tuổi Trẻ đã trân trọng trao giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 3-2018 đến anh A. cùng với 4 bạn đọc khác.

Chỉ mong làm rõ các sai phạm

"Với một huyện mà tuyển thừa hơn 600 giáo viên, nhân viên, trong đó các quyết định đều không đúng luật, thiệt thòi đều thuộc về các giáo viên hợp đồng như chúng tôi. Ai phải chịu trách nhiệm cho những bất công mà chúng tôi đã trải qua trong thời gian đã qua và sắp tới?" - anh A. bức xúc.

Anh A. cho biết nhiều giáo viên hợp đồng chỉ được trả mức lương bèo bọt khoảng 1 triệu đồng/tháng. Đã vậy, nhà trường còn đơn phương chấm dứt hợp đồng một số giáo viên khiến họ phải tứ tán khắp nơi làm đủ nghề để kiếm sống. 

"Thông tin về việc giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc chỉ là bề nổi của vấn đề. Phía sau những hợp đồng được ký vội vã là có tiêu cực, phải chạy tiền. Vì vậy, tôi muốn báo chí biết câu chuyện này để giúp làm rõ sai phạm của các lãnh đạo huyện nhiều năm qua" - anh A. nói.

Anh A. cũng cho biết hiện nay có một nhóm giáo viên đã khởi kiện UBND huyện, đơn đã được thụ lý, tòa án đã mời các bên đương sự để lấy lời khai ban đầu. "Tôi cũng muốn tòa án giải quyết nhanh vụ việc để giúp các giáo viên ổn định cuộc sống" - anh A. bày tỏ.

Cũng với mong muốn qua báo chí để chấn chỉnh các sai phạm, anh T. đã báo cho Tuổi Trẻ thông tin "Một người tâm thần đột nhập sân bay Vinh" (Tuổi Trẻ ngày 4-3). Anh kể ngày 3-3, khi đang trên chuyến bay của Vietnam Airlines chuẩn bị khởi hành từ Vinh, Nghệ An đi TP.HCM thì anh biết "sự cố" một thanh niên lên máy bay cuối cùng cứ đi vòng vòng tìm chỗ ngồi. 

Tiếp viên chặn lại hỏi thẻ lên máy bay thì anh này không có. Khi an ninh can thiệp mới hay anh ta bị tâm thần và đã vượt tường rào sân bay rồi lên thẳng máy bay mà không gặp trở ngại nào.

"Lúc đó tôi thật sự không tin là có chuyện một người tâm thần có thể vượt qua hàng rào an ninh để lên máy bay như vậy. Nếu đó là người bình thường sẽ như thế nào? Nếu mang hung khí hay hàng quốc cấm lên máy bay thì sao? Thật nguy hiểm vô cùng. 

Thiết nghĩ an ninh sân bay Vinh cần được thắt chặt hơn nữa để tránh xảy ra những vụ việc có thể uy hiếp an toàn hàng không như thế" - anh T. bày tỏ.

Được biết, sau vụ này, sân bay Vinh đã gia cố lại hàng rào an ninh sân bay, 4 nhân viên an ninh hàng không đã bị xử phạt và rút giấy phép hành nghề.

Tôi cứ nghĩ người dân đang chờ tin...

Sau khi vụ án nghiêm trọng dùng súng bắn chết người ở Kon Tum xảy ra, ngay trong đêm, cuộc vây bắt các đối tượng gây án diễn ra ở vùng núi thuộc xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi). 

Có mặt tại hiện trường, bà Đinh Thị Thanh Hường, chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, đã cung cấp những thông tin quý báu để Tuổi Trẻ liên tục cập nhật đến bạn đọc trong bản tin "Hơn 100 người bao vây, bắt thêm 2 nghi can giết người ở Kon Tum" (Tuổi Trẻ ngày 28-3).

Nhớ lại chuyện, bà Hường kể: "Tôi vừa rời khỏi hiện trường trở về nhà, chuẩn bị cho cuộc họp vụ án ngày hôm sau. 

Khi nhận điện thoại xác minh thông tin từ phóng viên báo Tuổi Trẻ, trong lòng nghĩ nhiều bạn đọc đang chờ thông tin vụ án nghiêm trọng này, trách nhiệm là một người lãnh đạo địa phương phải hợp tác với báo chí chia sẻ thông tin. 

Đây cũng là một kênh tuyên truyền để người dân cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra và tránh xa khu vực nguy hiểm".

Những thông tin diễn biến của cuộc truy bắt hai nghi can lẩn trốn trong núi liên tục được bà Hường cập nhật cho báo Tuổi Trẻ trong buổi sáng hôm sau. 

Dù đang chủ trì cuộc họp bàn phương án bắt hai nghi can, bà Hường vẫn tranh thủ thời gian nhắn tin, chuyển nội dung cuộc họp cho báo Tuổi Trẻ cung cấp đến bạn đọc. Khi đã bắt được nghi can, bà Hường đã báo tin kịp thời cho Tuổi Trẻ.

"Tôi biết có những thông tin ảnh hưởng đến quá trình điều tra không thể cung cấp được thì giữ bí mật. Còn những thông tin có thể cung cấp cho người dân theo dõi vụ việc thì nên cung cấp. Đó cũng là bổn phận phục vụ nhân dân thôi" - bà Hường chia sẻ.

Đồng hành với việc làm tử tế

untitled-1 copy

Chị Phạm Thu Hương - Ảnh: NVCC

"Tình cờ đến nhà cô chú chơi và biết được vụ tai nạn giao thông xảy ra ở gần nhà (trên đường 359C thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), tôi đã truy cập vào camera an ninh tại nhà chú để xem lại. Tôi thấy tài xế xe tải quá giỏi khi bẻ lái như vậy để cứu hai con người đang đứng trước thời khắc sống và chết.

Tôi biết tài xế có thể gặp rắc rối sau vụ tai nạn nên nghĩ ngay đến việc chia sẻ những hình ảnh đó để mọi người cùng biết và đồng cảm cho tình huống bất khả kháng của tài xế" - chị Phạm Thu Hương, người chia sẻ đoạn video ghi lại "Cú đánh lái "xuất thần" giúp hai nữ sinh thoát chết trong gang tấc" (Tuổi Trẻ ngày 30-3) cho biết.

Đoạn video chia sẻ nhanh chóng nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng, nhiều người còn kêu gọi nhau góp tiền ủng hộ tài xế để lo kinh phí bồi thường.

"Tôi được biết tài xế đã nhận được một khoản tiền quyên góp ủng hộ đủ để bồi thường thiệt hại. Tôi thật xúc động khi thấy hành động đẹp của tài xế đã không bị bỏ rơi mà luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ từ mọi người. Hi vọng những hành động tử tế như vậy sẽ luôn được cộng đồng quan tâm và nhân rộng" - chị Hương bày tỏ.

TIẾN THẮNG

Trả lại uy tín cho giáo sư

Bài báo "Xét giáo sư, phó giáo sư: Góc nhìn người trong cuộc" (Tuổi Trẻ ngày 30-3) đã góp thêm một cái nhìn chân thật về những bất minh của việc xét phong chức danh giáo sư, phó giáo sư vừa qua.

Tác giả T.N.C. cho biết mình là một trong các ứng viên của đợt bình xét vừa qua và phát hiện rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi.

Nhiều trường hợp ứng viên, cả những người các năm trước đã được phong phó giáo sư chất lượng rất kém nhưng vẫn được thông qua do tiêu cực trong quá trình thực hiện. Người được phong giáo sư, phó giáo sư sẽ có các đặc quyền, đặc lợi hơn rất nhiều, nên dù thấy sai, nhiều người vẫn chấp nhận "chạy" chức danh này.

"Tôi nói ra sự thật này cũng chỉ mong muốn có một chuyển biến tích cực cả cơ chế, chính sách, cũng như quá trình thực hiện, giám sát... để việc xét phong chức danh khoa học không còn là sự xin - cho, mua - bán và chức danh giáo sư, phó giáo sư được trả về đúng giá trị thật của nó" - tác giả T.N.C. bày tỏ.

MINH ĐĂNG

T.TÂN - Đ.QUYÊN - T.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên