21/04/2014 07:00 GMT+7

Tìm chữ trong những chồng sách nhàu cũ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Ở nhiều ngôi trường vùng xa tại Gia Lai - nơi mà để có đủ sách vở đi học đôi khi cũng là niềm mơ ước lớn - những chồng sách cũ, những thư viện chật chội đang là nơi ươm mầm mơ ước về con chữ của rất nhiều học sinh.

Hàng ngàn cuốn sách cho học trò vùng xaNhiều bạn đọc hưởng ứng tặng sáchBiến chuyện không đẹp thành chuyện đẹp

Azvkn6VH.jpgPhóng to
Các kệ sách thiếu nhi ở thư viện Trường THCS số 2 xã Ia Băng luôn thu hút học sinh nhưng nội dung nhiều đầu sách lại nghèo nàn, chưa lôi cuốn - Ảnh: B.D.

Trường THCS Anh hùng Wừu (xã Gào, TP Pleiku, Gia Lai) có tới gần 60% là học sinh dân tộc Ba Na, Jarai, đây cũng là trường khó khăn nhất của TP Pleiku. Cuối giờ học, sau khi được cô giáo thông báo cho nghỉ học sớm để lên thư viện, hàng chục học sinh lớp 7 ùa lên thư viện ở tầng 2 để tìm sách.

Thư viện nghèo nàn

"Dù đã được đầu tư thư viện nhưng nguồn sách cho học sinh đang rất thiếu, nhất là các trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Nhu cầu sách tham khảo, sách phục vụ giải trí định hướng học tập, giáo dục là rất lớn"

NHAN THỊ HẰNG NGA(phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai)

Phòng thư viện rộng chưa đầy 50m2 trong chốc lát náo động vì học sinh. Những cậu học trò Jarai, Ba Na đứng chen nhau lật tìm những cuốn truyện tranh rồi đọc mải miết. Gần 20 phút với cuốn sách Pokémon, cậu học trò Kpă Kiên mới chịu để người bạn cùng lớp là Đoàn Thị Bảo Yến mượn. Cuốn sách được in từ năm 2007, nhàu nát và rơi mất bìa bên ngoài nhưng vẫn đầy cuốn hút đối với những cô cậu học trò trung học.

“Bạn bè em ai cũng thích đọc truyện tranh Pokémon nên đến giờ em mới mượn được” - Kpă Kiên kể. Em Hoàng Thị Bích - học sinh lớp 7 - cho biết loại truyện mà em thích đọc là truyện tranh dân gian, truyện cổ tích nhưng các cuốn có ở thư viện trường em đã đọc qua, nên để có thêm truyện đọc Bích phải đi mượn những bạn có điều kiện được bố mẹ mua cho nhiều sách hơn.

Thầy Chu Văn Tiến - hiệu trưởng Trường Anh hùng Wừu - cho biết đầu sách ở thư viện của trường hết sức nghèo nàn, hầu hết là sách giáo khoa được cấp và được các trường tặng lại. Để có những cuốn truyện cho học sinh đọc, các thầy cô phải đi vận động từ nhiều nguồn, kết nghĩa với các nhà sách và đi gom góp từ khắp nơi. “Vào cuối năm học, chúng tôi đi tới các trường ở thành phố để xin lại sách học sinh đã học về cấp cho học sinh. Ngoài sách giáo khoa, mỗi lần gom được sách tham khảo, truyện, thầy cô giáo đều phấn khởi bởi đây là loại sách học sinh rất thích” - thầy Tiến tâm sự khi đến bên những thùng sách vừa được nhận về.

Hầu hết sách này đã nhàu nát, nhiều cuốn mất bìa, mất trang hoặc bung chỉ... nhưng thầy Tiến nói: “Học trò ở những nơi có điều kiện thì được lên mạng, được vào Facebook, nhưng ở nơi này các em phải vật lộn với cái ăn, với cuộc sống hằng ngày, có sách để đọc đã là một niềm vui lớn rồi”.

Trường THCS số 2 xã Ia Băng (huyện Đắk Đoa) có gần 500 học sinh như số truyện tranh, sách tham khảo rất ít. Sau giờ học, nhóm học sinh khối lớp 7 ngồi tập trung ở chiếc bàn xiêu vẹo đặt trong góc thư viện đọc ngấu nghiến những cuốn truyện cổ dân gian. Một trong những dãy sách được học sinh hay ghé đến nhất là kệ sách cho thiếu nhi nhưng nhiều đầu sách ở đây không mấy hấp dẫn: Truyện cổ tích dân tộc Lào, dân tộc Brâu, Tấm Cám, Cây khế, Nghề Báo, tạp văn...

Nhân viên thư viện cho biết nội dung các đầu sách này khá nhạt, nhiều truyện nội dung na ná nhau nên học sinh ít thích đọc. Theo thầy Bùi Ngọc Thạch - hiệu trưởng nhà trường, những đầu sách có sẵn trong thư viện đã cũ cả về hình thức lẫn nội dung khiến các em khó bắt nhịp được với học trò ở những nơi có điều kiện. “90% học sinh ở đây là con em đồng bào Jarai, Ba Na, cuộc sống rất khó khăn. Đi học cũng là điều khó nên sách đối với các em vẫn là điều xa xỉ. Chúng tôi mong được bổ sung sách thật nhiều, nội dung vừa mang tính giáo dục vừa phải hấp dẫn để các em có thể mượn về nhà” - thầy Thạch nói.

Đủ mà... chưa đủ

Cuối giờ trưa, nhóm học sinh THCS số 2 xã Ia Băng trở về nhà sau buổi học. Những đứa trẻ người Jarai quần áo xộc xệch, dính đầy bụi đất cứ thế đùa giỡn trên đường về làng dưới trời nắng chang chang. Hành trang sách vở mang theo của các em chỉ là vài cuốn sách giáo khoa nhàu nát, hai ba cuốn vở và bút ghi chép được cầm trên tay.

“Sách giáo khoa em được thầy cô cho, còn truyện và sách tham khảo phải lên thư viện mượn đọc hoặc mượn bạn bè chứ bố mẹ không có tiền mua đâu” - cô học trò Ksor Tâm nói. Bố mẹ đều là người Jarai, gia đình khó khăn nên ngoài giờ học em phải phụ bố mẹ trông em, đi rẫy. Từ ngày đi học đến nay, toàn bộ sách vở (sách giáo khoa) của Ksor Tâm đều do các thầy cô phát, em chưa được một lần vào siêu thị hay lên phố để tự chọn những cuốn sách ưng ý. “Em thích truyện cổ dân gian có tranh lắm, nhưng nhà nghèo quá, bố mẹ không mua đâu” - Ksor Tâm nói.

Thầy Phạm Văn Hồng - hiệu trưởng Trường THCS Phan Đăng Lưu (xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai) - cho biết hiện nay hầu hết học sinh ở trường mới chỉ tiếp nhận kiến thức thông qua sách giáo khoa, có rất ít kiến thức từ những nguồn sách khác. Một phần là do điều kiện học sinh nghèo, một phần vì ngoài giờ lên lớp các em còn phải phụ việc cha mẹ, không có thời gian lên thư viện tìm sách mình ưng ý.

“Mỗi lần lên thư viện trường chúng tôi hay hỏi các em là sách cho các con đọc như thế đã đủ chưa, em nào cũng trả lời “đủ rồi”, nhưng thực chất là do các em không có điều kiện để biết ngoài sách giáo khoa thì còn những cuốn sách hấp dẫn khác - những cuốn sách đó học sinh ở thành phố đều có thể tìm đọc, nhưng học trò vùng xa lại chưa một lần thấy” - thầy Hồng nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên