07/11/2012 06:41 GMT+7

Tìm bột tốt để gột nên hồ

HOÀNG LÊ - HỒNG HẠNH
HOÀNG LÊ - HỒNG HẠNH

TT - Phim truyền hình Việt đang nhạt dần (Tuổi Trẻ ngày 6-11) và một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho nhà sản xuất đau đầu là thiếu những kịch bản hay.

Những bộ phim hàng trăm tập: Xem trong mệt mỏi

2cns2z9u.jpgPhóng to

Phim Ánh sáng kinh thành được chuyển thể từ Số đỏ và một số truyện ngắn khác của Vũ Trọng Phụng - Ảnh: Tuấn Anh

Với số lượng phim lên đến hàng ngàn tập/năm như hiện nay, các đơn vị sản xuất phim luôn có nhu cầu tìm kiếm các kịch bản chất lượng. Và hơn nữa, việc tìm kiếm kịch bản hay đang được đặt ra như một vấn đề trọng tâm đầu tiên để nâng chất lượng phim. Giải pháp được chọn khá phổ biến chính là tìm kiếm những tác phẩm văn học đã khẳng định được giá trị.

Kiếm bột tốt...

Hãng Phim truyền hình TP.HCM vừa khởi quay phim Ðò dọc (30 tập) do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thể từ tiểu thuyết Ðò dọc và một số truyện ngắn hay khác của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Hãng phim này cũng tiếp tục dòng phim làm từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh với một loạt phim đã lên sóng như Con nhà nghèo, Nợ đời, Khóc thầm, Tại tôi, Cay đắng mùi đời, Lòng dạ đàn bà... Hiện đạo diễn Hồ Ngọc Xum đang thực hiện bộ phim Ngọn cỏ gió đùa.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

"Việc nở rộ những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể hiểu như là sự thay đổi món ăn cho khán giả thì đúng hơn, chứ không thể xem là lối thoát được"

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng

"Kịch bản điện ảnh trên hết là công nghệ không thể làm ẩu được! Phải học đàng hoàng! Học rồi mà còn chưa chắc có kịch bản hay"

Biên kịch Phạm Thùy Nhân

Sau Lều chõng được làm lại từ tác phẩm của Ngô Tất Tố, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng vợ là đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đang bắt tay vào thực hiện bộ phim Ánh sáng kinh thành được chuyển thể từ Số đỏ và một số truyện ngắn khác của Vũ Trọng Phụng. Cũng vào cuộc kiếm tìm, đạo diễn Trần Lực - giám đốc Hãng phim Ðông A - cho biết Ðông A đang viết kịch bản phim truyền hình từ những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn như Gánh hàng hoa, Hồn bướm mơ tiên và thực hiện những công tác chuẩn bị để đưa những tác phẩm này lên phim....

Không chỉ có những tác phẩm xưa, các tác phẩm đương đại nếu hấp dẫn cũng được chú ý và được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình. Ðàn trời của Cao Duy Sơn là một ví dụ. Gần đây nhất là tiểu thuyết Chỉ có thể là yêu của blogger Hân Như cũng đã được Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC) chuyển thể thành phim. Tiểu thuyết này có hơn 500.000 lượt đọc và đã tái bản lần hai. Ông Ðỗ Thanh Hải - giám đốc VFC - giải thích: “Chỉ có thể là yêu không đề cập đến những vấn đề bức bối của xã hội mà đơn thuần là câu chuyện về tình yêu, tình bạn, về lòng vị tha và sự chung thủy, nhưng vẫn được VFC chọn lựa bởi mục tiêu của chúng tôi là đa dạng hóa đề tài, phục vụ mọi đối tượng khán giả”.

Gột hồ không dễ

Là một trong những người am hiểu trong nghề viết kịch bản, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân phân tích: “Việc kịch bản có một nền tảng văn học tốt sẽ góp phần tạo nên thành công rất lớn cho một bộ phim, nhất là với kịch bản phim dài tập.

Tuy nhiên, tác phẩm văn học được sáng tạo trên những yêu cầu của hệ thống ngôn ngữ văn học thích ứng với hình thái đọc của độc giả. Trong khi đó tác phẩm điện ảnh lại được sáng tạo không phải để đọc mà để nghe - nhìn. Cho nên khi chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản phim, cái khó là ở chỗ người chuyển phải chuyển một cách tốt nhất ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ nghe - nhìn. Nếu không làm được điều này hoặc làm không triệt để, chắc chắn kịch bản chuyển thể nửa vời này sẽ không mang lại một bộ phim hay, cho dù được dựa trên chất liệu là một tác phẩm văn học nổi tiếng”.

Không phải hãng phim nào và biên kịch nào cũng đủ khả năng, đủ kiến thức và quyết tâm (thậm chí là tài chính) để thực hiện một bộ phim mang bối cảnh không gian xưa cho ra đầu ra đũa. Làm những bộ phim truyền hình có bối cảnh và con người xưa mà không khéo thì lại rơi vào tình trạng “dở xưa dở nay”. Loạt phim Hồ Biểu Chánh tạo được sức hút riêng bởi mang đậm sắc màu phương Nam, thế nhưng trong bộ phim gần đây nhất là Lòng dạ đàn bà, nhiều người xem cảm thấy tẻ nhạt bởi đạo diễn đã “máy móc” quá, cứ bắt diễn viên phải nói tiếng “đa” cổ xưa sau mỗi lời thoại, khiến nhân vật lạ lẫm, khó gần...

Phục dựng không khí xưa không thể chỉ trông vào một vài từ ngày xưa. Tất nhiên, ngoài lý do này ra thì còn nhiều yếu tố khác như tạo hình nhân vật, xây dựng bối cảnh chưa tốt...

iRMU6pXA.jpgPhóng to
Phim Đò dọc (30 tập) chuyển thể từ tiểu thuyết Đò dọc và một số truyện ngắn khác của nhà văn Bình Nguyên Lộc - Ảnh: Holly King

Dành rất nhiều thời gian để chuyển thể tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ: “Rất vất vả khi bạn chuyển thể một tác phẩm cách nay vài chục năm. Và vất vả hơn nữa cho đạo diễn, diễn viên, phục trang khi họ muốn tái hiện không gian đó trong phim mình. Chuyển thể tác phẩm văn học sang kịch bản phim còn có cái khó khăn lớn nữa là người xem luôn có những định kiến trong đầu khi đọc truyện, và họ sẽ dễ rơi vào trạng thái thất vọng nếu phim làm ra không như những gì mà họ hình dung trong đầu”.

Với kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, đạo diễn Ðỗ Thanh Hải cũng nhận định: “Ðiểm thuận lợi đầu tiên và dễ thấy ngay là phim có một cốt truyện dày dặn, có khởi điểm và kết thúc với chủ đề, tư tưởng rõ ràng, các nhân vật đã định hình về tính cách và các tình huống đã được nhà văn sáng tạo rất cụ thể. Ðây vừa là thuận lợi và cũng là khó khăn cho những người làm phim, khi khán giả luôn so sánh hiệu ứng của tác phẩm văn học và bộ phim, giữa sự cảm nhận và tưởng tượng trên câu chữ với những hình ảnh, nhân vật có hành động, lời thoại cụ thể”. Về khó khăn này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thẳng thắn: “Chúng tôi - những người trực tiếp làm phim - luôn mong rằng khán giả đừng so sánh phim với tác phẩm văn học bởi chúng tôi có những cách tiếp cận khác nhau, so sánh giữa phim và truyện là không công bằng”.

Đầu tư chiều sâu cho kịch bản

Việc chuyển thể các tác phẩm văn học thành kịch bản phim truyền hình có thể xem là một lối thoát cho tình trạng đơn điệu đề tài của phim truyền hình hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hưng - phó giám đốc Hãng Phim truyền hình TP.HCM (TFS), người từng tạo được ấn tượng với bộ phim đầu tay Tôi vào đời dựa trên truyện ngắn Vào đời của Tiến Ðạt - ví von: “Các tác phẩm văn học là nguồn suối tươi mát nuôi dưỡng điện ảnh. Cái hay của những tác phẩm văn học đã định vị trong lòng khán giả và đó là cơ sở nếu làm phim ăn theo cũng tốt. Tuy nhiên trong thời điểm này, việc nở rộ những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể hiểu như là sự thay đổi món ăn cho khán giả thì đúng hơn chứ không thể xem là lối thoát được. Hơn nữa, không phải tác phẩm văn học nào cũng chuyển thể được”.

Chính vì thế, điều mà những nhà làm phim mong chờ đó là có những nhà biên kịch thực tài - những người có đủ khả năng chuyên môn để xây dựng nên một kịch bản đúng nghĩa về mặt kỹ thuật.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân khẳng định: “Ðây là chỗ yếu kém của hệ thống sản xuất hiện nay. Trong lĩnh vực này chúng ta vẫn thiếu những “công nhân có tay nghề” như ở các lĩnh vực khác! Kịch bản điện ảnh trên hết là công nghệ không thể làm ẩu được! Phải học đàng hoàng! Học rồi mà còn chưa chắc có kịch bản hay”.

Vì thế, việc đầu tư chiều sâu cho kịch bản thông qua gia tăng kiến thức, kỹ thuật cho biên kịch và đòi hỏi biên kịch phải chịu khó đào sâu, thâm nhập thực tế là điều mà các hãng phim chịu đầu tư đang thực hiện.

Nâng chất kịch bản phim truyền hình ở một góc độ khác còn là việc bản thân các nhà biên kịch phải có đủ tài năng lẫn cá tính để dám “ngược dòng đám đông”, tìm kiếm, đào sâu chọn lựa những đề tài khác biệt. Nhà sản xuất lẫn người duyệt kịch bản cũng vậy, phải đủ can đảm để khước từ lối mòn an toàn và cũ kỹ. Họ phải là những người tiên phong thật sự! Và để là người tiên phong hẳn không dễ dàng! Liệu có bao nhiêu nhà biên kịch, nhà sản xuất dám tiên phong để màn ảnh nhỏ sẽ có những bộ phim truyền hình thật sự đáng nhớ, thật sự hay vì dám đầu tư vào yếu tố khác biệt?

HOÀNG LÊ - HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên