Trong bối cảnh kích thích tiêu dùng, mở mạng lên là có thể thấy đủ loại khuyến mãi, trợ giá, miễn phí ship, hỗ trợ trả góp 0 đồng… nên chỉ cần lơ đễnh một chút rất dễ rơi vào mua sắm, chi tiêu quá tay.
Thực ra, có những bạn vì tiếc nuối trước những lời kêu gọi kiểu đây là cơ hội duy nhất, chỉ còn vài sản phẩm nữa trong đợt giảm giá này mà sẵn sàng xuống tay mua những món đồ cả khi không thật sự có nhu cầu sử dụng.
Nhiều sinh viên của tôi hay nửa đùa nửa thật "tháng này con bị viêm màng túi thầy ơi", dù chỉ mới giữa tháng. Sinh viên tỉnh lên TP trọ học được cha mẹ chu cấp khoản sinh hoạt phí cố định và thường chia ra chi tiêu các việc cần thiết. Nếu chỉ vì mê khuyến mãi, mua đồ thả ga mà "viêm màng túi" quả là điều đáng trách.
Dù điều kiện ở quê nhà có được cải thiện tốt hơn, dễ thở hơn nhưng để lo cho con cái ăn học ở TP cũng là cả vấn đề khi học phí, giá cả sinh hoạt đều tăng. Nếu một sinh viên không thấu hiểu được khó khăn của gia đình, không biết tính toán chi tiêu đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ thì dễ có xu hướng tiêu xài quá đà.
Cũng có một thực tế khác là không ít bạn trẻ thích dùng đồ hiệu, xài sang nên đổ sức làm thêm, cày nhiều việc để mua đôi giày hay chai nước hoa sang chảnh ngay khi nhận lương. Rồi lại chụp hình khoe lên mạng cho bằng bạn bằng bè mà người ta gọi là hội chứng sống ảo, thể hiện sự giàu có mà thực chất chính mình đang quay cuồng giữa bao lo toan trong các khoản chi tiêu hằng ngày.
Khoa trương vẻ hào nhoáng trên mạng thực ra là thói tật rất cần được chấn chỉnh trong nếp sống của người trẻ.
Sinh viên chưa làm ra tiền đã đành, ngay cả những bạn đã đi làm nhưng lương thưởng chưa cao cũng rất nên xem lại thói tiêu xài hoang phí. Nếu chỉ để thỏa mãn nhu cầu được thể hiện bản thân trên thế giới ảo rồi lâm vào nợ nần, đôn đáo vay đầu này đắp đầu kia liệu có đáng?
Vấn đề tuy nhỏ và dù chỉ ở mỗi cá nhân song lại có ý nghĩa trong sự bình ổn chung của xã hội. Đã có không ít người trẻ vì nợ nần rồi làm bậy, sa vào lao lý mới giật mình nhìn lại chuỗi ngày sống mặc kệ, hoang phí trước đó.
Và những vụ án cướp giật, lừa đảo mà tội phạm trẻ chỉ vì túng quẫn nợ nần làm liều hẳn là bài học cảnh tỉnh, nhắc nhở không thừa với mỗi chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận