20/05/2007 06:05 GMT+7

Chuyện tiêu dùng của bạn trẻ đô thị: "Có nhiêu, xài nhiêu"?

TS tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN
TS tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN

TT - H., nhân viên kiểm toán 25 tuổi của một công ty khá bề thế tại TP.HCM, cho biết mức lương của mình hiện tròm trèm 10 triệu/tháng thì ăn uống, quần áo, giải trí... đã hết 7-8 triệu đồng; sau khi trừ thuế thu nhập có lẽ chỉ để dành được hơn... 1 triệu đồng.

1i9T60YE.jpgPhóng to
Thay đổi điện thoại cũng là một trong những ý thích tiêu dùng của nhiều bạn trẻ hiện nay - Ảnh: Thanh Đạm
TT - H., nhân viên kiểm toán 25 tuổi của một công ty khá bề thế tại TP.HCM, cho biết mức lương của mình hiện tròm trèm 10 triệu/tháng thì ăn uống, quần áo, giải trí... đã hết 7-8 triệu đồng; sau khi trừ thuế thu nhập có lẽ chỉ để dành được hơn... 1 triệu đồng.

Chi tiêu cho... cơ hội?

Chắc chắn H. không phải là trường hợp cá biệt của những người trẻ hôm nay, đặc biệt ở những thành phố, đô thị lớn nước ta. T. , một nhân viên thu ngân, thẳng thắn: “Nhiều khi cũng muốn để dành nhưng tiền lương thì eo hẹp, nhu cầu lại quá nhiều... Hơn nữa, trong công việc và quan hệ nhất thiết cần phải định vị mình nên đành tạm ứng… sạch, tương lai thì… hậu xét”.

Có thể nhận thấy việc chi tiêu dựa trên thực lực của chính mình đang là một trong những vấn đề mà các bạn trẻ thể hiện khá rõ nét trong lối sống. Không chỉ phái nam mà không ít bạn gái trẻ thay vì tiện tặn, để dành như cá tính vốn có của con gái, cũng giải quyết vấn đề chi tiêu của mình theo phương châm: “Có nhiêu - xài nhiêu” (!).

Tại một buổi nói chuyện “Lối sống - hạnh phúc và những chi phí” mà tôi tham dự, hơn 3/4 số bạn trẻ dự thảo luận khẳng định việc chi tiêu thoải mái là nhu cầu không thể thiếu của mình. Chỉ 1/4 số còn lại khẳng định cố “thắt lưng buộc bụng” để tích lũy dự phòng cũng như thực hiện những dự án lớn về nhà riêng hoặc chuyện gia đình. Nhiều bạn nhóm đa số đã giải thích việc đầu tư cho nhà cửa không thể thực hiện một cách ngẫu nhiên nếu không có những cơ hội lớn. Thay vì tích cóp chi li thì đầu tư cho việc chi tiêu để tìm những cơ hội lớn hơn trong cuộc sống...

Cũng tiếc, nhưng...

Lối sống đô thị được cấu thành bởi nhiều yếu tố như: mức sống, lẽ sống... Chính mức sống và những biểu hiện của sự chi tiêu sẽ là yếu tố cơ bản để có thể phác thảo phần nổi lối sống của giới trẻ. Nhìn từ góc độ tiêu dùng, những đòi hỏi của bạn trẻ sẽ nói lên rất nhiều những biểu hiện cơ bản của lối sống đô thị.

Xu hướng tích lũy dần và xu hướng tích lũy sâu khi có cơ hội đang trở thành một vấn đề và rõ ràng tích lũy dần chưa là lựa chọn của không ít bạn trẻ. Nói khác đi, những bạn trẻ này “ngạc nhiên” với cách sống “năng nhặt, chặt bị” mà chủ yếu… “cơ hội đến là bung”. Cao Th., nhân viên PR của một doanh nghiệp IT, cho biết: “Cũng có lúc cố để dành; nhờ vậy tài khoản lên đến 20 triệu đồng, nhưng ai ngờ đến lượt mình làm chủ xị tiệc “xoay tua”; rồi “dập” thêm vài đám cưới, hai lần tiếp khách “xịn” cùng với chiếc điện thoại model mới... thì quyết tâm để dành bỗng… phá sản”. Cảm giác sau khi tiêu dùng ra sao? “Cũng tiếc một ít, buồn một chút - Th. thú thật - nhưng không chi thì không thể được...” (!?).

Lối sống đô thị đang chuyển mình với những diễn biến tích cực có thể là nguyên nhân chính khiến không ít bạn trẻ tự tin với chính mình trước những cơ hội có thể có trong tương lai. Tuy nhiên, cần lưu ý: chính nhu cầu thỏa mãn cuộc sống qua tiêu dùng là một thách thức đòi hỏi nhiều bạn trẻ phải “vượt lên chính mình”. Dễ dàng nhận ra chính từ đây, nhiều bạn trẻ đã ngấp nghé chọn cho mình một lối sống tạm bợ hoặc trao đổi. Và đây mới là diễn biến đáng sợ cần phải quan tâm suy nghĩ cách giải quyết, nếu không muốn những hậu quả sau đó.

Định hướng cho tương lai thế nào khi nhu cầu tiêu dùng lại quá lớn so với tổng thu nhập? Câu hỏi này được khá nhiều bạn trẻ trả lời: “Khi đến tuổi chững lại sẽ tính”. Cái lý của tiêu dùng ở đây được quan tâm theo nguyên tắc thích nghi nhưng rõ ràng nếu thiếu định hướng, khó ai có thể làm chủ được chính mình trong cuộc sống...

Tiêu dùng dựa trên thực lực của mình hay tích cóp là sự lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, điều không thể thiếu được trong tiêu dùng là phải biết mình cần gì để đừng tự “đánh đu” với chính mình trước khi mọi chuyện đã “thôi rồi”... Đến lúc nhu cầu thay đổi theo hướng cao hơn, sự dồn ép quá đáng hướng theo mục tiêu mới sẽ là nhiệm vụ “bất khả thi” để chính mình tự gây áp lực hoặc tạo stress cho mình.

TS tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên