04/09/2020 20:41 GMT+7

Tiểu thương chợ An Đông than phiền nhiều khoản phí chưa hợp lý

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Tại cuộc họp với ban quản lý chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) mới đây, nhiều tiểu thương đã "tố" ban quản lý chợ không minh bạch trong thu chi, lạm thu nhiều loại phí bất hợp lý, trong đó có loại phí có mức thu cao hơn gấp 2-3 lần so với các chợ khác.

Tiểu thương chợ An Đông than phiền nhiều khoản phí chưa hợp lý - Ảnh 1.

Kinh doanh giày dép tại chợ An Đông - ẢNH: N.TRÍ

Cụ thể, theo ông L., tiểu thương tại đây, hiện ban quản lý chợ thu phí vệ sinh chợ, phí đi vệ sinh và phí chất thải rắn tổng cộng 255.000 đồng/sạp/tháng. Mức thu trên quá cao nếu so với tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, thậm chí phí vệ sinh thu cao gần gấp 3 lần chợ Bến Thành (Q.1) - thu 45.000 đồng, Bình Tây (Q.6) - 60.000 đồng/sạp.

"Ban quản lý nên ngưng thu phí chất thải rắn vì nhiều chợ không thu và hạ mức thu phí vệ sinh từ 130.000 đồng/sạp hiện nay xuống còn 60.000 đồng", ông L. đề nghị.

Trong khi đó, theo bà Th., tiểu thương tại chợ, chợ có hơn 2.000 sạp kinh doanh nên số tiền thu được từ các dịch vụ trên rất lớn. Do đó, nếu ban quản lý chợ không đủ năng lực quản lý, vận hành thì nên dừng việc thu chi bất hợp lý để tiểu thương tự có giải pháp.

"UBND Q.5 nên làm việc với ban quản lý chợ để tháo gỡ, xử lý triệt để vấn đề này. Nhiều năm qua, ban quản lý chợ An Đông không cho tiểu thương được sự tin tưởng bởi cách làm việc thiếu minh bạch, bất hợp lý", bà Th. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Vũ Dương Lâm - phó ban quản lý chợ An Đông - xác nhận các loại phí ban quản lý thu như tiểu thương phản ánh là đúng. Theo đó, hiện chợ có gần 2.200 sạp được thu theo tháng, trong đó chỉ thu 50% số tiền đối với khoảng 50-60 sạp do thuộc diện tạm ngưng nghỉ.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, ban quản lý chợ chỉ đứng ra thu và chi hộ tiểu thương các phí trên, không ăn chặn hay tư túi gì.

"Hơn 95% nguồn thu trên chi vào lương, thưởng, bảo hiểm... cho đội ngũ lao động 36 người, 0,04% chi cho công việc, và số còn lại là kết dư để sử dụng cho những việc theo kỳ như hút hầm cầu...", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, chợ có quy mô lớn với 4 sàn (5.000m2/sàn) nên các khoản phí có thể phải cao hơn.

Tuy vậy, ông Lâm thừa nhận hiện nay hầu hết các chợ ở TP đều thuê công ty dịch vụ cho các công việc trên. Do đó, giải pháp thuê dịch vụ có thể tốt hơn so với việc chợ "nuôi" nhân viên để tự làm. Tuy vậy, An Đông không dễ thực hiện điều này.

"Lượng lớn nhân viên có thâm niên, và theo quy định phải trợ cấp những khoản nhất định nếu cho lực lượng này nghỉ việc. Tuy nhiên, kinh phí của chợ không đủ cho mức chi này", ông Lâm nói.

Theo ban quản lý chợ An Đông, nếu nhận được sự hỗ trợ từ tiểu thương, hoặc xin được tiền ngân sách, chợ sẽ xem xét những kiến nghị của tiểu thương như đấu thầu để các công ty bên ngoài phụ trách các dịch vụ trên.

Trước đó, UBND TP.HCM từng chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan việc đấu tố giữa tiểu thương và ban quản lý chợ An Đông, UBND Q.5 trong quá trình xây dựng, sửa chữa chợ, thu chi các khoản thuê, mướn sạp.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chợ An Đông