02/01/2019 15:13 GMT+7

Tiểu đường khi mang thai

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

Bệnh tiểu đường khi mang thai gây ra biến chứng nguy hiểm cho mẹ và con. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp giảm đáng kể các biến chứng.

Tiểu đường khi mang thai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: healthonecares.com

Bệnh đái tháo đường khi mang thai là tình trạng rối loạn dung nạp chất đường được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ (khác với đái tháo đường type 1 hay type 2 được chẩn đoán ngoài thời gian mang thai). Tình trạng này thường không có triệu chứng điển hình nên khó phát hiện, sẽ biến mất sau khi sinh 6 tuần.

Tác động đái tháo đường đến thai nhi

- Đái tháo đường nếu không điều trị có thể có nhiều tác động xấu trên thai nhi, tăng khối mỡ trên thai dẫn đến thai to (trên 4kg), gây sanh khó làm nguy hiểm cho thai nhi;

- Tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non;

- Khó thở sau sanh;

- Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh;

- Hạ kali máu gây rối loạn nhịp tim;

- Giảm đường máu, giảm canxi máu;

- Bệnh đa hồng cầu, vàng da sơ sinh;

- Trẻ có nguy cơ bị đái tháo đường type 2 sau này.

Tác động của đái tháo đường thai kỳ trên mẹ

- Tăng nguy cơ bị huyết áp cao, tiền sản giật, sản giật;

- Tăng nguy cơ thai to và mổ lấy thai;

- Dễ băng huyết sau sinh;

- Nhiễm nấm, nhiễm trùng tiết niệu dễ xảy ra và thường nặng hơn, nhất là viêm thận, bể thận.

Thai phụ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ

- Bản thân từng bị đái tháo đường thai kỳ, nhiễm độc thai nghén ở lần mang thai trước.

- Thai phụ có tiền căn bị sẩy thai liên tiếp hoặc thai chết trong tử cung không rõ nguyên nhân, sinh con trên 4 kg, con có dị tật bẩm sinh.

- Gia đình thai phụ có người bị đái tháo đường hoặc đái tháo đường trong thai kỳ.

- Lần mang thai này, thai phụ khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt, bị nhiễm nấm tái phát nhiều lần, tăng cân nhanh và nhiều (trên 20 kg), nước ối nhiều, thai to.

Tất cả thai phụ có một hay nhiều yếu tố trên nên đến chuyên khoa nội tiết ở các bệnh viện làm xét nghiệm vào 3 tháng đầu thai kỳ sau đó vào tuần 24- 28 để phát hiện bệnh

Chẩn đoán

Khi gặp thai phụ có nguy cơ hay nghi ngờ đái tháo đường, việc chẩn đoán được thực hiện bằng nghiệm pháp dung nạp đường: Thai phụ được xét nghiệm đường máu buổi sáng sau khi nhịn đói ít nhất 8 giờ, sau đó uống 75g đường. Đo lại đường máu sau khi uống đường 1 giờ và 2 giờ.

Điều trị trước sinh

Để đường huyết ổn định, bạn cần tuân thủ chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ:

1. Thường xuyên theo dõi , kiểm soát đường huyết

Duy trì đường huyết đói thấp hơn 95 mg/dL, sau ăn 1 giờ thấp hơn 140 mg/dL, sau ăn 2 giờ thấp hơn 130mg /dL.

2. Dinh dưỡng hợp lý

Chế độ ăn theo chế độ đái tháo đường nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho mẹ và thai. Chia bữa ăn nhỏ, nhiều lần, tránh ăn nhiều gấp đôi. Ăn một bữa nhẹ trước khi đi ngủ. Thức ăn giàu canxi, đạm (sữa, thịt, cá), chất sắt, acid folic (rau xanh, quả có màu vàng). Đường huyết có khuynh hướng tăng sau bữa ăn sáng cho nên thai phụ tránh ăn sáng có nhiều chất bột đường và nên đi bộ sau ăn 20 phút giúp đường huyết ổn định.

Chú ý đến sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ:

- Trong quý đầu: Mỗi tháng tăng 0,45 kg;

- Trong quý 2 và 3: Mỗi tuần tăng 0,2 - 0,35 kg

3. Vận động

Vận động nhẹ nhàng là việc cần thiết để giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe, sức dẻo dai, tránh tăng cân quá mức giúp phục hồi sức khỏe sau sinh. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, thai phụ đái tháo đường thai kỳ vẫn tiếp tục vận động thể lực ở mức độ vừa phải nếu bác sĩ nội khoa và sản khoa không yêu cầu ngược lại.

Các thai phụ sau đây không được hoạt động thể lực:

- Tiền sử sẩy thai tự nhiên từ 3 lần trở lên;

- Vỡ ối, đa thai, thai chậm tăng trưởng trong tử cung;

- Xuất huyết hoặc nhau tiền đạo, tiền sản giật, suy thai;

- Bệnh phổi hạn chế;

- Suy tim, thiếu máu cơ tim.

Ngưng tập ngay khi có các dấu hiệu:

- Đau lưng, đau bụng;

- Chóng mặt, hoa mắt;

- Hồi hộp, đánh trống ngực. Nhịp tim nhanh khi nghỉ (trên 100 lần / phút);

- Xuất huyết âm đạo;

- Co thắt tử cung hoặc mất cử động thai.

Trước khi vận động thể lực, bác sĩ sẽ xem xét về tình trạng sức khỏe và khả năng vận động của thai phụ. Thời gian và mức độ vận động tối đa sẽ tùy thuộc từng người mẹ.

4. Điều trị bằng thuốc

Sau 2 tuần, nếu không đạt mục tiêu giảm đường huyết bằng chế độ ăn giới hạn và vận động thể lực thì phải điều trị bằng insulin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Theo dõi sau sinh

Thai phụ có thể sinh thường hay sinh mổ tùy theo chỉ định của bác sĩ sản khoa.

Sau sinh, người mẹ nên tăng cường cho con bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để duy trì cân nặng gần lý tưởng, kiểm tra đường huyết 6 - 12 tuần sau sinh. Trong tương lai, các bà mẹ bị đái tháo đường khi mang thai có thể bị đái tháo đường type 2 với tỷ lệ từ 5 - 50% trong vòng 5- 10 năm và có thể bị đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai kế tiếp. Các chị muốn mang thai lần sau nên chờ đường huyết ổn định và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Những đứa trẻ sinh ra từ mẹ đái tháo đường thai kỳ trong 10 - 20 năm sau có thể bị béo phì và đái tháo đường type 2 do đó cần tư vấn bác sĩ nội tiết để sớm phát hiện và điều trị bệnh đái tháo đường cho trẻ./.


Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên