Ông Nguyễn Minh Cương |
Cục Đăng kiểm VN đã quy định các trung tâm đăng kiểm phải có bảng thông báo khổ lớn, đặt ở vị trí dễ nhìn thông báo người dân không để tiền, quà, tài sản có giá trị trên xe khi đi đăng kiểm. Nếu đăng kiểm viên phát hiện tiền, tài sản trên xe mà không báo chủ xe, tài xế lấy lại sẽ bị xử lý kỷ luật |
Ông Nguyễn Minh Cương (phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN) |
Chiều 13-7, ông Nguyễn Minh Cương ông Cương đã tới trụ sở báo Tuổi Trẻ để trao đổi về nội dung bài viết “Chung chi cho đăng kiểm” mà báo đã phản ánh và hướng xử lý các cá nhân có liên quan.
Ông Cương cho biết Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo ra quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với các đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới: 5001S, 5003V, 5005V được phản ánh trong bài báo nói trên để kiểm điểm, xử lý kỷ luật.
Tại buổi làm việc, ông Cương thừa nhận hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm là có. Theo ông Cương, việc chủ xe, tài xế đưa tiền cho đăng kiểm viên có thể chia ra các loại khác nhau.
Thứ nhất là người dân mua một ôtô mới, đi kiểm định xong thấy vui vẻ cho đăng kiểm viên một vài trăm ngàn đồng bồi dưỡng. Đây có thể coi là một thói quen của người dân, không tác động đến việc đánh giá, kiểm tra chất lượng xe.
Loại thứ hai, các chủ xe cũ, không đảm bảo đầy đủ tiêu chí khi kiểm định muốn sử dụng tiền để tác động tới đăng kiểm viên bỏ qua các lỗi kỹ thuật nhỏ cũng có, ngành đã phát hiện và xử lý.
“Riêng các loại lỗi kỹ thuật nghiêm trọng thì chưa phát hiện đăng kiểm viên nhận tiền, cho qua” - ông Cương nói.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về hậu quả của việc đăng kiểm viên nhận tiền, bỏ qua lỗi kỹ thuật của xe, ông Cương cho rằng: Ở nước ngoài, người dân có ý thức coi việc đưa xe đi kiểm định là một hình thức bảo vệ an toàn cho bản thân và xã hội. Đa số người dân Việt Nam cũng vậy.
Tuy nhiên, không ít cá nhân, doanh nghiệp lại coi lợi nhuận là trên hết, dùng tiền tác động tới đăng kiểm viên để cho qua các lỗi kỹ thuật đáng lý ra phải khắc phục toàn bộ trước khi cho xe lưu hành.
"Điều này gây nguy hiểm vô cùng lớn cho người tham gia giao thông, có thể dẫn tới những thảm họa khôn lường”, ông Cương nói.
Ông Cương còn nhấn mạnh việc để đồng tiền tác động tới công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của xe là không thể chấp nhận, phải được xử lý triệt để, nghiêm khắc.
Chúng tôi hỏi liệu có giải pháp nào để giải quyết triệt để nạn nhân viên đăng kiểm nhận tiền chung chi, ông Cương cho biết từ đầu năm 2014 Cục Đăng kiểm đã đẩy mạnh việc thực hiện chỉ thị 08 của Thủ tướng và chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT về nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực trong công tác kiểm định và đã có các giải pháp cụ thể.
“Chúng tôi có thể nói sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác này, chứ không phải đưa ra các giải pháp chấn chỉnh sau khi báo đăng” - ông Cương nhấn mạnh.
Theo ông Cương, ngành đăng kiểm đã lập các đường dây nóng ở tất cả trung tâm đăng kiểm để người dân phản ảnh hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu.
Hình ảnh ông Linh, đăng kiểm viên Trung tâm 5003V, lấy 900.000 đồng từ tay tài xế để bỏ qua hàng loạt lỗi nghiêm trọng của chiếc xe tải mà phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận được - Ảnh: Gia Minh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận