12/09/2022 12:11 GMT+7

Tiêu chuẩn quán karaoke, vũ trường: Phải có ít nhất 2 lối thoát nạn, sao cháy vẫn khó thoát?

N.AN
N.AN

TTO - Nhiều đại diện bộ ngành và địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là quy định chưa đồng bộ và việc thực thi còn hạn chế.

Tiêu chuẩn quán karaoke, vũ trường: Phải có ít nhất 2 lối thoát nạn, sao cháy vẫn khó thoát? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đặt câu hỏi đã có quy định đầy đủ về kiểm soát phòng chống cháy nổ nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ việc - Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện nghị định 83 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy, nhiều địa phương và bộ ngành đã kiến nghị các giải pháp để chủ động hơn trong ứng phó với sự cố.

Quy chuẩn đã có sao vẫn cháy nổ?

Nêu vấn đề hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn đã có đầy đủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đặt câu hỏi là tại sao các sự cố về cháy nổ vẫn đang xảy ra?

Đơn cử, với quán karaoke và vũ trường, từ năm 2015 Bộ Công an ban hành thông tư riêng, sửa đổi tiêu chuẩn yêu cầu khoảng cách an toàn của cơ sở karaoke đối với công trình lân cận, quy định về chống cháy lan, quy định ít nhất phải có hai lối thoát nạn, biển quảng cáo không được che khuất toàn bộ mặt tiền để chặn các lối thoát hiểm…

Cơ chế kiểm soát phòng cháy chữa cháy cũng có tới ba bước, nhưng vẫn có nhiều bất cập khi phần lớn quán karaoke, vũ trường chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn, ví dụ như quy định về hai lối thoát nạn rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ.

Trong khi đó, khi xin cấp phép, họ xin xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép để kinh doanh karaoke, nhưng rồi lại cải tạo, sửa chữa sang kinh doanh karaoke mà cũng không xin phép. Ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên không có các kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý.

Vì vậy, ông cho rằng phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh. Đối với những đối tượng tồn tại trước năm 2000, chúng ta phải có những nghiên cứu để quy định cho linh hoạt, khả thi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thì cho hay chỉ tính từ tháng 8-2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có 122 vụ, trong đó có 4 vụ lớn, 4 vụ nghiêm trọng, làm chết 2 người, bị thương 12 người.

Bất cập trong quản lý thợ hàn, sử dụng thiết bị điện

Về nguyên nhân, ông Mãi cho rằng vấn đề nhà ở của người dân gắn với các điều kiện an toàn điện cần phải có giải pháp xử lý. Bởi hiện nay có rất nhiều nơi không đảm bảo, tại các chung cư người dân hay làm các lồng sắt ngoài lô gia…

Theo đó, chủ tịch TP.HCM cho biết thành phố đã củng cố 17 đội phòng cháy chữa cháy với 150 thành viên, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư lớn, các tổng kho xăng dầu.

Thực hiện theo công điện 792 của Thủ tướng, ông Mãi cho biết thêm sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các văn bản để quản lý nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy. TP.HCM cũng đã có quy định thợ hành nghề hàn phải được tập huấn. Gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, làm tốt công tác phòng ngừa, củng cố lực lượng.

Tiêu chuẩn quán karaoke, vũ trường: Phải có ít nhất 2 lối thoát nạn, sao cháy vẫn khó thoát? - Ảnh 2.

Quy định về an toàn điện hiện nay vẫn còn bất cập, khi chưa có quy định rõ ràng - Ảnh: VGP

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng cần siết chặt quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt đối với loại hình kinh doanh dân doanh hiện nay.

Theo ông An, việc quản lý với thợ hàn hiện nay còn bất cập, là tác nhân gây cháy nổ. Thậm chí những đội chuyên nghiệp nhất đến lúc hàn xì vẫn gây ra cháy. Song hiện chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có, nên cần phải xem xét lại quy định để quản lý chặt vấn đề này.

Ngoài ra, ông cho rằng hành vi sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị và chất lượng thi công các hệ thống điện là những vấn đề tương đối căng thẳng. Bởi rà soát quy định cho thấy chưa có quy định về an toàn điện, trong khi còn khiếm khuyết về kiểm soát hành vi sử dụng điện…

Chưa kể, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn bất cập. Ông đặt câu hỏi một số công trình có giấy phép, đặc biệt cơ sở kinh doanh có thẩm định thiết kế, phê duyệt thiết kế, phương án phòng cháy chữa cháy nhưng những công trình dân doanh không cần xin giấy phép xây dựng thì ai thẩm duyệt, và thẩm duyệt rồi thì thi công, ai kiểm tra hoàn công?

Thậm chí, kể cả những công trình công nghiệp làm rất kỹ, cơ quan phòng cháy chữa cháy kiểm tra, nghiệm thu vẫn có tình trạng bỏ qua, không báo cáo trước khi đưa vào sử dụng. "Việc thực thi, chấp hành quy định pháp luật đang có vấn đề. Hành vi làm cháy là hành vi hình sự nhưng mà xử lý vẫn chưa nghiêm" - ông An nói.

Vụ cháy karaoke ở Bình Dương: Không thể nói không có chuyện buông lỏng! Vụ cháy karaoke ở Bình Dương: Không thể nói không có chuyện buông lỏng!

TTO - Đây là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội sau hậu quả khủng khiếp từ vụ cháy quán karaoke An Phú (Bình Dương) và sau khi Thủ tướng có yêu cầu tổng kiểm tra quán karaoke tại các địa phương.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên