16/09/2017 15:54 GMT+7

Tiêu chảy cấp, ăn gì?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Vai trò của dinh dưỡng đúng cách trong tiêu chảy cấp và bệnh tả là bù đủ nước, muối khoáng, tiếp tục cung cấp dưỡng chất giúp cho cơ thể mau lành bệnh và quan trọng nhất, đó là phòng bệnh.

Tiêu chảy cấp, ăn gì? - Ảnh 1.

Ăn đủ chất - bù đủ nước

Trong trường hợp mắc bệnh, việc bù nước và điện giải là quan trọng nhất. Bù nước, điện giải đầy đủ có khả năng hạn chế các trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp. Uống chậm từng muỗng sẽ giúp việc hấp thu tốt hơn.

Nhiều người nghĩ rằng khi mất nước có thể uống bù bằng nước trái cây đóng hộp và nước ngọt nhưng điều này sẽ gây tiêu chảy nặng hơn và chướng bụng do trong nước ngọt có nhiều đường.

 Trẻ cần được tiếp tục bú mẹ, cũng như vẫn tiếp tục ăn và uống sữa bình thường không pha loãng, nhưng nên chia nhỏ bữa ăn, tránh những thực phẩm có nhiều chất xơ (rau, củ, quả…) và đường đơn giản (nước ngọt, nước trái cây, mật ong, kẹo bánh ngọt…) để giảm kích thích ruột.

Trong những trường hợp tiêu chảy quá nặng hoặc kéo dài có thể phải ngưng sữa hoặc chuyển cho bệnh nhân uống sữa không có lactose. Bệnh nhân vẫn cần được ăn uống đầy đủ chất, đủ năng lượng, đạm, loại chất béo dễ tiêu hóa (dầu thực vật), khoáng chất và vitamin.

Các chất đạm, kẽm, vitamin… (có trong thịt, cá, trứng, đậu) sẽ giúp niêm mạc ruột mau hồi phục hơn, do đó phải được cung cấp đầy đủ trong khẩu phần. Ăn uống quá kiêng khem làm tăng tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong trong bệnh tiêu chảy cấp nói chung và bệnh tả nói riêng.

Đun sôi, nấu chín, gọt vỏ

Để bảo vệ mình, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn bán rong ngoài đường phố. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ CDC đưa ra lời khuyên cho các khách du lịch đi đến vùng có nguy cơ bệnh tiêu chảy cấp và bệnh tả cao như sau: "Hãy đun sôi, nấu chín, gọt vỏ, còn không thì đừng ăn" ("Boil it, cook it, peel it, or forget it").

Rất nhiều người không biểu hiện bệnh nhưng có mang tác nhân gây bệnh tiêu chảy trong ruột và vẫn thải nguồn bệnh ra môi trường (người lành mang mầm bệnh). Các vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy cấp và vi khuẩn tả có trong nguồn nước sinh hoạt, trong các động vật thủy sinh (cá, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến…) và những loại rau trồng dưới nước (rau muống, rau cần…).

Nếu sử dụng nước bị nhiễm nguồn bệnh như vậy để uống hay rửa, chế biến thức ăn, hoặc ăn phải thức ăn có mang tác nhân gây bệnh thì sẽ mắc bệnh và làm lây lan ra xung quanh.


Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên