Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục - đào tạo Thừa Thiên - Huế tổ chức trao cho 86 tân sinh viên với kinh phí học bổng 430 triệu đồng do CLB “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên - Huế tài trợ.
Phóng to |
Ông Ngô Hòa, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trao học bổng cho các tân sinh viên - Ảnh: Tiến Long |
Phóng to |
Ô Xin xúc động khi nói về “câu chuyện cổ tích” của mình - Ảnh: Tiến Long |
Phóng to |
Ô Xin nhận thầy Lê Triều Sơn làm cha trong lễ trao học bổng làm nhiều người đến dự không cầm nổi nước mắt - Ảnh: Tiến Long |
Phóng to |
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam VietinBank trao tượng trưng hỗ trợ cho Ô Xin - Ảnh: Tiến Long |
Phóng to |
Cả hội trường xúc động khi xem hình ảnh về những cuộc đời mồ côi của các tân sinh viên tại Huế - Ảnh: Tiến Long |
Phóng to |
Trong hội trường có những ông bố, bà mẹ khắc khoải, hồi hộp chờ đợi cùng con đến ngày nhận học bổng - Ảnh: Tiến Long |
Phóng to |
Ô Xin được nhiều người chú ý thăm hỏi - Ảnh: Tiến Long |
Phóng to |
Ông Nguyễn Quang Tuấn, bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế, trao học bổng cho các tân sinh viên - Ảnh: Tiến Long |
Cảm xúc buổi lễ lắng đọng khi những thước phim, những hình ảnh minh chứng sinh động về mảnh đời mồ côi của ba bạn Trần Ngọc Thuần, đậu hai trường đại học: ngành toán của ĐH Sư phạm Huế (21 điểm) và ngành ngôn ngữ Anh (25 điểm) Trường ĐH Ngoại ngữ Huế; bạn Nguyễn Thị Diễm Lan (22 điểm), tân sinh viên khoa toán Trường ĐH Sư phạm Huế và Trần Thị Ô Xin (nhân vật trong bài viết Cô bé mang tên Ô Xin) mà các phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi lại được chiếu trước đông đảo mọi người.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Hòa, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tâm sự điều đáng chia sẻ trong lễ trao học bổng năm nay là rất nhiều em có số phận mồ côi, bất hạnh. Niềm vui ngày nhận học bổng với các em không được sẻ chia trọn vẹn. Nhưng cũng vì thế mà các em phải ghi nhớ, ghi nhận giây phút ngày hôm nay. Từ đó làm cú hích vươn lên trong quãng đường khó khăn phía trước. Một ngày các em phải trở thành một người thành đạt để không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả toàn xã hội. |
Trong hội trường nhiều người đã ứa nước mắt, xúc động. Bởi có một điều rất đặc biệt, trong tổng số các tân SV được tiếp sức năm nay, có đến 41 bạn mồ côi. Người mất cha, người mất mẹ, người mất cả cha lẫn mẹ, nhiều người không biết cha mẹ là ai. Nhưng điều tuyệt vời là những bạn trẻ bất hạnh đó đã biết vượt lên nỗi mất mát để học hành và học rất giỏi, đậu một lúc nhiều trường với số điểm rất cao.
Gạt dòng nước mắt thấm chảy trên má, em Lê Thị Diệu, đội 5, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế kể về câu chuyện cám cảnh, bất hạnh của em. Mẹ mất khi Diệu mới học lớp 8. Được ít năm, ba đi lấy vợ khác. Nhà có sáu chị em, chị đầu và một anh đi làm công nhân ở TP.HCM nhưng chỉ lo đủ cho bản thân. Một người em khác được đưa sang sống cùng dì ruột. Còn lại Diệu phải tự bươn chải, kiếm tiền lo cho hai em. Cô bé đang tuổi học tuổi chơi trở thành vai trò của người mẹ, kiêm cả bố của gia đình. Diệu liên hệ các nhà hàng chạy bàn cho các đám tiệc, hỏi cưới. Nghề chạy bàn phải đi khắp nơi. Gần thì xung quanh thành phố, xa phải lên cả Nam Đông, A Lưới. Có hôm tối khuya, Diệu mới về tới nhà. Một tháng Diệu cũng chỉ được thuê chạy ba bốn đám, thu nhập chưa đầy 1 triệu đồng. Từng ấy tiền chỉ đủ để Diệu “liệu cơm gắp mắm” mọi thứ chi tiêu trong nhà. Đôi lúc, Diệu nghĩ sẽ dành dụm một ít tiền dành để đi học mà không khi nào thực hiện được.
Diệu tâm sự hồi trước mỗi lần đi làm về, em thường bớt ít tiền công bỏ vào ống heo. Nhưng chưa được tháng, nhà kẹt tiền lại phải đập ra tiêu. Ngày nhập học đã cận kề mà trong người Diệu không còn chút tiền dư nào. Diệu tâm sự em nộp đơn nguyện vọng xin học bổng mà cứ hồi hộp ngóng chờ. Giờ nhận được học bổng, có tiền nhập học với Diệu là một niềm vui không tả xiết.
Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, cựu học sinh Quốc Học Huế, ví von hài hước: Các em phải xem học bổng này như là một lần đi vay nợ. Mà là một món nợ lớn, để các em biết vượt lên số phận, quyết chí học tập sau này còn quay trở lại để giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn cho chương trình học bổng.
Có lẽ xúc động và tình cảm nhất vẫn là phần giao lưu với cô học trò Ô Xin.
Ngay từ đầu câu chuyện, Ô Xin đã không thể giấu được sự xúc động của mình khi được mời lên sân khấu giao lưu, một điều mà chưa bao giờ cô bé nghĩ tới. Giọng nói sụt sùi, ngắt quãng, Ô Xin hứa sẽ theo học đến cùng ngành y đa khoa để sau này trở thành bác sĩ giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh, nghèo khó như hai mẹ con em đã trải qua.
Bà Trần Thị Sữa, mẹ của Ô Xin, ngồi bên cũng chia sẻ bà sẽ cố gắng làm lụng để theo bước chân con vào giảng đường đại học. Bà muốn bé Ô Xin của bà sẽ vươn lên, sống đạo đức trong cuộc sống nghèo khó thành tài như nhân vật Osin trong bộ phim của Nhật Bản, cũng chính là xuất phát của cái tên Ô Xin ngày hôm nay.
Cuối phần giao lưu, một điều bất ngờ với mọi người khi Ô Xin chủ động nhận thầy Lê Triều Sơn, giáo viên Trường THPT Gia Hội (người đã phát hiện và giúp đỡ Ô Xin thời gian qua), làm cha. Ô Xin mếu máo nói: "Cuộc đời em sinh ra bất hạnh không có cha. Nhờ thầy Sơn em có ngày hôm nay". Chính vì vậy Ô Xin xem thầy Sơn như cha đẻ của mình và thầy Sơn vui vẻ đồng ý. Hai cha con cầm tay nhau trong tiếng vỗ tay giòn giã của khán phòng.
Cũng trong dịp này đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam VietinBank đã trao tượng trưng phần tiền hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu trong suốt sáu năm học và toàn bộ chi phí chữa bệnh cho Ô Xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận