07/03/2015 08:46 GMT+7

“Tiếp sức người lao động” tăng chỉ tiêu tuyển dụng, ​ngành nghề

QUANG PHƯƠNG thực hiện
QUANG PHƯƠNG thực hiện

TT - Ngày 5-3,chương trình “Tiếp sức người lao động” 2015 do Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên (YES Center) đã ra quân.

Anh Nguyễn Tri Quang - giám đốc YES Center - Ảnh: Q.Phương

 

YES Center thuộc Thành đoàn TP.HCM), báo Tuổi Trẻ, Đoàn Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn-TNHH MTV và các quận, huyện đoàn: Bình Thạnh, Bình Tân, quận 12, Hóc Môn tổ chức. Sau bốn năm triển khai, chương trình đã giúp hàng chục nghìn người lao động có việc làm ổn định.

Anh Nguyễn Tri Quang, giám đốc YES Center, trưởng ban tổ chức, cho biết chương trình năm nay có nhiều điểm mới hơn so với mọi năm: tăng chỉ tiêu tuyển dụng, ngành nghề đa dạng, trang bị kỹ năng mềm cho người lao động...

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Tri Quang về chương trình năm nay.

* Anh có thể thông tin rõ hơn những điểm mới của chương trình năm nay?

- Chương trình năm nay dự kiến có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia, với chỉ tiêu tuyển dụng 20.000 đầu việc - từ lao động tự do đến lao động qua đào tạo ở hầu hết lĩnh vực ngành nghề.

Đặc biệt, năm nay YES Center tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp lao động cho trung tâm giới thiệu việc làm của Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza) để giới thiệu người lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp do Hepza quản lý.

Đặc biệt, năm nay người lao động sẽ được trang bị các kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc trong môi trường đô thị, tác phong công nghiệp, các kiến thức về an toàn lao động... đồng thời chúng tôi sẽ hỗ trợ 10 lớp học ngoại ngữ, tin học miễn phí cho người lao động.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ có các khóa học và đào tạo nâng bậc nghề nhằm đảm bảo cho người lao động được nâng cao tay nghề khi có việc làm mới.

* Được biết bên cạnh chương trình “Tiếp sức người lao động”, sắp tới còn có sàn giao dịch việc làm, anh có thể cho biết thêm các hoạt động chính trong các ngày diễn ra sàn giao dịch việc làm?

- Sàn giao dịch việc làm sẽ được tổ chức trong hai ngày 20 và 21-3 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM với tên gọi “Sàn giao dịch việc làm và tuyển sinh” năm 2015.

Đây là cơ hội để người lao động được các doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp. Bên cạnh đó là cơ hội tìm hiểu các khóa học nghề, các khóa đào tạo của các trường, cơ sở đào tạo.

Trong đợt hoạt động này sẽ có rất nhiều nội dung bổ ích với người tìm việc như: chương trình gặp gỡ, biểu dương các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề tiêu biểu trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên TP (ngày 20-3); hội thảo “Cơ hội đi lao động, học tập và làm việc tại thị trường Nhật Bản” (ngày 21-3), chương trình ứng viên tự giới thiệu, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp...

* Nếu không có điều kiện đến tham gia sàn giao dịch việc làm diễn ra trong hai ngày 20 và 21-3, người lao động còn có cơ hội nào khác để tìm kiếm việc làm không?

- Người lao động có thể tham gia sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại trụ sở chính của YES Center hai tháng một lần tại địa chỉ 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thông tin việc làm trên website Sieuthivieclam.vn hoặc gọi điện thoại cho tổng đài tư vấn việc làm 1088 mã số 155 để được tư vấn trực tiếp.

* Sau bốn năm triển khai chương trình đã có bao nhiêu người lao động được giới thiệu có việc làm?

- Chương trình “Tiếp sức người lao động” là một hoạt động thể hiện tính xung kích và tình nguyện vốn có của tổ chức Đoàn thanh niên, ứng phó nhanh nhạy với các vấn đề mà xã hội đặt ra. Đó là hiện trạng người lao động từ các tỉnh lên thành phố tìm việc bị “cò” việc làm chăn dắt, lừa đảo.

Trong bốn năm qua chương trình đã thu hút hơn 55.000 lượt người đến tìm hiểu và giao dịch việc làm tại các văn phòng Tiếp sức người lao động, trong đó có 36.000 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp và 17.800 người nhận được việc làm ổn định.

Đây chỉ là những con số chúng tôi thống kê được ngay tại các văn phòng, tôi nghĩ con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi thông qua chương trình, nhiều bạn trẻ đã đến trực tiếp các doanh nghiệp để tìm việc làm.

Có nhiều người lao động sau khi được giới thiệu việc làm, doanh nghiệp tuyển người do chương trình giới thiệu... họ đã gọi điện đến cảm ơn làm chúng tôi rất cảm động.

Tiếp sức người lao động bị lừa

Nhóm lao động bị lừa khi đi xin việc gồm Hồ Văn Phát, Nguyễn Văn Út, Trần Văn Tha (từ trái qua) được tình nguyện viên chương trình “Tiếp sức người lao động” tư vấn về việc làm - Ảnh: Quang Phương

Trưa 6-3, chiếc xe buýt tuyến 33 vừa cập bến xe An Sương, lẫn trong dòng người xuống xe có ba thanh niên vai khoác balô với vẻ mặt ngơ ngác. Ngay lập tức các tình nguyện viên “Tiếp sức người lao động” đã tiến đến hỏi thăm.

Nhóm ba thanh niên này là Hồ Văn Phát (ngụ Bình Thạnh), Nguyễn Văn Út (Đồng Tháp) và Trần Văn Tha (Đắk Lắk), họ quen nhau khi cùng bị lừa đi làm bốc xếp ở Khu công nghiệp Sóng Thần.

Tiếp xúc với các tình nguyện viên, anh Trần Văn Tha nói: “Đi xin việc bị lừa hết tiền rồi. Lên đây đi tìm việc mới, không tìm được thì về quê thôi”.

Các tình nguyện viên đã đưa ba bạn trẻ này về văn phòng tiếp sức người lao động tại bến xe để tư vấn giới thiệu việc làm.

Tại văn phòng, anh Nguyễn Văn Út kể ngày 5-3 anh thấy thông tin tuyển dụng công nhân bốc xếp với mức lương 380.000 đồng/ngày, được bao ăn ở. Anh liên lạc và được yêu cầu đến một văn phòng giới thiệu việc làm tại khu vực ngã tư An Sương để làm hợp đồng nhận việc.

Tại đây, anh đã đóng 320.000 đồng tiền đồng phục. Sau đó họ cho xe ôm chở anh xuống Khu công nghiệp Sóng Thần để nhận việc.

“Họ bảo chở đi miễn phí nhưng khi đến nơi tôi phải trả cho xe ôm 100.000 đồng. Chưa hết, tui còn phải đóng 100.000 đồng cho người tiếp nhận. Họ bảo đó là đóng tiền làm thẻ ra vào”, anh Út kể lại. Tương tự anh Phát và anh Tha cũng mất hơn 500.000 đồng khi đi xin việc như anh Út.

Cả ba anh xuống đến nơi thì được đưa vào tổng kho S để làm bốc xếp. “Mỗi tấn hàng bốc được chỉ có giá 9.000 đồng. Đến bữa ăn chúng tôi phải góp 15.000 đồng/người để họ mua đồ ăn.

Quá bức xúc, nhóm chúng tôi có ý kiến nhưng họ bảo không làm thì về nơi giới thiệu mà trình bày. Chúng tôi đành nghỉ việc và chịu mất tiền”, anh Trần Văn Tha nói.

Sau khi nghe các anh kể lại sự việc, anh Nguyễn Tài Minh Nhật, phụ trách văn phòng Tiếp sức người lao động ở bến xe An Sương, đã tư vấn các công việc phù hợp với từng người.

Cả ba người đều đồng ý làm lao động phổ thông tại Công ty TNHH MTV dệt phụ liệu Nam Phong ở quận Tân Bình. Anh Minh Nhật liền liên lạc với công ty và cấp giấy giới thiệu để các anh đến nhận việc. Văn phòng tiếp sức còn hỗ trợ mỗi người 40.000 đồng tiền xe ôm.

Chương trình “Tiếp sức người lao động” năm 2015 đang diễn ra tại bốn bến xe: Miền Đông, Miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga. Đến đây người lao động có nhu cầu tìm việc làm sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, giới thiệu nhà trọ giá hợp lý...

Q.P.

 

QUANG PHƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên