14/06/2020 15:00 GMT+7

Tiếng vọng cổ ở… ủy ban phường

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Một cây ghita, một cây đàn sến, thêm bộ gõ nhịp, bình trà ngon, mấy chai nước suối bày gọn trên bộ bàn ghế đá trước trụ sở UBND phường. Và tiếng đờn, giọng hát vọng cổ cất lên...

Tiếng vọng cổ ở… ủy ban phường - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại sân trụ sở UBND phường 9, quận 6, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Không phải ở đất cải lương Tây Nam Bộ, câu lạc bộ (CLB) này định kỳ quây quần trong khuôn viên trụ sở UBND phường 9, quận 6, TP.HCM.

Câu vọng cổ giữa phố thị

"Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy/Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào/Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào..." - ông Ba Xuân đang ngồi dợt lại bản Tình anh bán chiếu.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Nam Xuân, ngoài 60, dáng gầy, hàm răng rụng gần hết. Quê ở Bến Tre, gia cảnh khó khăn, vợ mất, ông lên Sài Gòn làm bảo vệ cho một công ty ở quận Tân Phú.

Thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tạm đủ cho ông thuê phòng trọ, trang trải cuộc sống thị thành. Hễ tới chủ nhật, ông lại theo CLB đờn ca tài tử để được ca vọng cổ cho thỏa đam mê, cũng để đỡ nhớ quê nhà.

"Tui từ nhỏ mê cải lương, nghe người ta ca rồi ca theo. Bây giờ ba nam, sáu bắc tui đều ca được. Sinh hoạt ở CLB có thầy sửa cho cách hát, cách lấy hơi, mình cũng tiến bộ nhiều" - ông Ba Xuân móm mém cười khoe.

Còn chị Quỳnh Châu Pha, sinh sống tại phường 9, quận 6, kể từ hồi 9-10 tuổi đã mê cải lương dữ lắm mà ba chị không cho theo nghiệp này. Chị rẽ hướng học thanh nhạc nhưng vẫn còn vương vấn cải lương nên tự tìm thầy học ca.

Mê ca, ai mời thì chị đến hát. Rồi những lần được mời đi hát cải lương tại các tụ điểm, đám tiệc ở thành phố này ngày một thưa dần. Khi rảnh rỗi, chị Châu Pha tìm đến CLB đờn ca tài tử của phường để nghe đờn, nghe ca và được ca, sẵn dợt thêm bản mới.

Ở CLB đờn ca tài tử này còn có một người đàn ông luống tuổi ngồi xe lăn. Đó là ông Văn Thái. Ngồi trên xe lăn, so từng phím đàn, ông vừa đàn vừa đánh nhịp cho hết người này đến người kia ca theo yêu cầu.

Ông Thái từng được học hành bài bản về đờn ca, hiện ông cũng đang duy trì một lớp dạy đờn ca tại nhà ở khu vực Bến Phú Lâm. Tuy sức khỏe hạn chế, đi lại khó khăn nhưng khi nghe phường 9, quận 6 mở CLB, ông nhiệt tình tham gia bởi ông muốn góp phần nuôi dưỡng bộ môn truyền thống này.

"Người ta nói vọng cổ, cải lương đang chết ở đất Sài Gòn, nhưng tôi thấy vẫn còn những người yêu bộ môn này. Lớp học nhỏ của tôi có người đang làm công nhân, đi phụ bán cửa hàng cũng tranh thủ nhín thì giờ học ca" - ông Thái kể.

Sân chơi bình dân cho vọng cổ

Phường 9, quận 6 đã có một tham luận rất đặc biệt tại hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND TP.HCM với chủ tịch 322 phường, xã, thị trấn toàn TP đầu năm nay. "Năm 2020, phường chúng tôi sẽ chú trọng phát triển phong trào ca vọng cổ, cải lương Nam Bộ" - chủ tịch phường 9, quận 6 khẳng định trước lãnh đạo TP như vậy.

Ông Phạm Nguyễn Trí Hòa, phó chủ tịch UBND phường, chia sẻ những thuận lợi để phường đầu tư cho phong trào này: phường có khá nhiều người yêu thích ca vọng cổ, cải lương Nam Bộ.

Nhiều năm qua phường đã tổ chức và tham gia các hội thi, hội diễn với nhiều tiết mục đạt thành tích tốt. Ngoài những soạn giả, dạy đàn, ca cổ nhạc tại chỗ, phường có thể mời được các nghệ sĩ có uy tín, tên tuổi về tham gia.

Đặc biệt, phường còn có địa điểm lý tưởng là đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, sau khi tuyến kênh được cải tạo đã trở thành địa điểm thuận lợi cho sinh hoạt, giao lưu biểu diễn văn nghệ. "Tới đây, chúng tôi sẽ cho ráp dựng sân khấu di động để đưa hoạt động đờn ca tài tử, vọng cổ cải lương xuống tận địa bàn dân cư.

Ban đầu có thể là những buổi tập dợt với ban nhạc của những nhân tố nòng cốt. Bà con ai thích ra nghe thì ra, ai muốn thử giọng, ca với đờn, ráp với thầy đờn thì được hướng dẫn. Dần dần sẽ thành một thói quen sinh hoạt văn hóa thường xuyên" - ông Hòa nói.

Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải chia sẻ để những buổi sinh hoạt chất lượng, ông sẽ phối hợp tư vấn để phường có kế hoạch làm theo từng chuyên đề, chẳng hạn như chuyên đề về các làn điệu, chuyên đề về chặp cải lương, ca ra bộ...

Khi đưa xuống khu phố thì nên kết hợp những buổi ca hát, sinh hoạt với việc thông tin tình hình địa phương, biểu dương người tốt việc tốt, trao quà, học bổng cho trẻ em nghèo, học sinh giỏi...

"Những bài ca, chặp cải lương, tiểu phẩm cũng cần chăm chút, lựa chọn tác phẩm có tính thời sự, lên án những thói hư tật xấu như xả rác, nhậu nhẹt, bạo hành gia đình..., cổ xúy cho lối sống văn minh thì phong trào mới bổ ích và có sức sống" - ông Huỳnh Khải nói.

Phải có sân chơi mới mong duy trì

Những lúc giải lao, "cố vấn nghệ thuật" tại CLB - nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải kể thêm những chuyện lý thú về ca tuồng. Góp mặt trong CLB còn có những diễn viên, nghệ sĩ chuyên và không chuyên.

Diễn viên Quang Đáng chia sẻ: "Tôi thấy tình cảm của khán giả với vọng cổ chưa phải đã phai lạt, bằng chứng là khi tôi ca trên sân khấu vẫn bắt gặp những khán giả còn rất trẻ đến xem. Quan trọng là phải có sân chơi, ở đó người biết ca dạy cho người chưa biết, người ca giỏi dìu dắt người ca chưa hay".

Nhạc trẻ, nhạc thiếu nhi đến vọng cổ và bolero cùng hát lên thời COVID-19 Nhạc trẻ, nhạc thiếu nhi đến vọng cổ và bolero cùng hát lên thời COVID-19

TTO - Những thanh âm cuộc sống từ nhạc trẻ, nhạc thiếu nhi đến vọng cổ và bolero góp sức tạo nên sắc màu cho đời sống giải trí những ngày COVID-19.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên