30/09/2018 16:11 GMT+7

Về đâu những giọng ca vọng cổ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Mỗi năm, lượng thí sinh đăng ký tham gia các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hay ngày càng giảm.

Về đâu những giọng ca vọng cổ - Ảnh 1.

Từ trái qua: thí sinh Kim Cương, Ngọc Quyền và Văn Nguyên - Ảnh: LINH ĐOAN

Nếu như năm 2006 giải Chuông vàng vọng cổ mùa đầu tiên (với tên gọi Ngôi sao vọng cổ truyền hình) thu hút tới 1.500 thí sinh đăng ký dự thi, thì những năm gần đây chỉ chừng khoảng 300.

Và năm nay, 3 thí sinh xuất sắc nhất gồm Lâm Thị Kim Cương (Sóc Trăng), Phạm Văn Nguyên (Đồng Tháp) và Võ Thị Ngọc Quyền (TP.HCM) đã vượt qua hơn 200 thí sinh dự thi để bước vào vòng chung kết tối 30-9 (truyền hình trực tiếp lúc 21h trên kênh HTV9) đều là các "cựu binh".

12 năm trôi qua, đã xuất hiện quá nhiều loại hình giải trí hiện đại và nghệ thuật truyền thống khó mà cạnh tranh lại. Và vì thế duy trì một cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hay ngày càng khó khăn. Không ít người thực hiện trong tâm thế năm nay làm được, năm sau chẳng biết thế nào. Đường đến danh ca vọng cổ xuất hiện và tạo ấn tượng trong hai mùa rồi cũng ngậm ngùi chia tay vì thực hiện một chương trình cho hấp dẫn nào phải dễ với bài toán về kinh phí đầu tư nhưng khó thu hút quảng cáo vì các nhãn hàng không mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Chuông vàng vọng cổ với hơn chục năm có bạn đồng hành là một công ty chuyên nghiệp, năm nay là năm đầu tiên phải ra quân "mình ên". Rồi một số cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương lâu năm giai đoạn này cũng gặp khó khăn, kinh phí bị cắt giảm...

Chưa kể, nếu tổ chức được thì số thí sinh chất lượng ngày càng ít. Nhân tố mới ngày càng ít, tình trạng vét thí sinh là có thật, những gương mặt quen thuộc chạy từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, từ mùa này sang mùa khác. Sàn diễn đìu hiu nên có chọn được chuông vàng hay bông lúa vàng thì cơ hội làm nghề cho các thí sinh cũng quá ít ỏi. Vậy là chúng ta lại tiếp tục lãng phí những giọng ca tốt hiếm hoi vào những sô tiệc tùng, những không gian không thuộc về nghệ thuật.

Thực tế cho thấy có những bạn từng đoạt giải cao đã bị hư giọng, hát ngày càng thiếu tinh tế, điêu luyện (trong môi trường ồn ào phải hát thật to, dùng bia rượu để làm đẹp lòng gia chủ) vì phải chạy sô mưu sinh như thế.

Vậy đó, cứ tới mỗi mùa giải, dù hết sức trân trọng nỗ lực của những người thực hiện để duy trì những cuộc thi tìm kiếm giọng ca hay và lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống, nhưng người làm nghề vẫn không khỏi chạnh lòng bởi trăn trở hoài: Rồi những cuộc thi như thế này, những giọng ca hay hiếm hoi sẽ đi về đâu?

Ai sẽ là Chuông vàng 2018?

Chuông vàng năm nay là ba gương mặt đã từng chinh chiến ở giải Chuông vàng vọng cổ các mùa trước.

Nổi trội nhất là Võ Thị Ngọc Quyền. Cô là thí sinh duy nhất trong ba đêm thi chung kết luôn dẫn đầu với số điểm vượt trội so với các thí sinh khác từ 1-2 điểm. Giám khảo Thanh Tuấn khen Quyền có giọng kim vô vọng cổ cao vút và xuống vẫn đầy hơi, ca rất bản lĩnh, tự tin và nhịp nhàng rất chắc. Trong ba thí sinh, Quyền cũng là thí sinh có khả năng diễn xuất tốt nhất. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Quyền là giọng ca còn thiếu cảm xúc.

Lâm Thị Kim Cương - thí sinh nhỏ tuổi nhất (sinh năm 1998) trong ba thí sinh sở hữu giọng ca cao vút, ngọt ngào. Có làn hơi ấn tượng nhất nhưng kỹ thuật ca của Kim Cương vẫn cần hoàn thiện hơn. Diễn xuất của em cũng còn khá non so với Ngọc Quyền và Văn Nguyên.

Văn Nguyên là cái tên quen thuộc ở giải Chuông vàng vọng cổ lẫn Đường đến danh ca vọng cổ. Nguyên có chất giọng khá mùi với những luyến láy dễ tạo cảm tình ở người nghe. Tuy nhiên, trong kỹ thuật ca, thỉnh thoảng Nguyên vẫn còn chưa biết tiết chế khiến câu vọng cổ đôi lúc xuống bị đuối, bị gấp. Cách thể hiện của Nguyên vẫn còn an toàn, chưa có nhiều bứt phá.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên