Cảnh trong phim Tiếng sét trong mưa - Ảnh: ĐPCC
Không hiếm phim truyền hình khai thác đề tài về nông thôn miền Tây Nam Bộ vào những năm 1930, nhưng Tiếng sét trong mưa cuốn hút người xem bởi được chuyển thể từ tác phẩm Lôi vũ nổi tiếng.
Càng dài càng loãng
Thoát khỏi bối cảnh bốn bức tường gò bó với những lời thoại dài dòng thường thấy trong các phim Việt, với Tiếng sét trong mưa, khán giả màn ảnh nhỏ được phóng rộng tầm mắt ngắm nhìn cảnh miền quê sông nước yên bình. Đặc biệt, dàn diễn viên như Cao Minh Đạt, Nhật Kim Anh, Hứa Minh Đạt, Lê Bê La... hóa thân vào nhân vật rất xuất sắc.
Tiếng sét trong mưa đã nhanh chóng trở thành hiện tượng của phim truyền hình Việt. Rating của phim ngày càng tăng, có tập đạt được mốc 26.0, cao nhất trong khung giờ phát sóng của truyền hình Vĩnh Long.
Giá mỗi spot quảng cáo trong khung giờ này là 48 triệu đồng/5 giây cho đến 120 triệu/30 giây - mức ngang ngửa, thậm chí còn cao hơn so với spot quảng cáo giờ phát sóng game show.
Trailer Tiếng sét trong mưa
Tuy nhiên, nếu như hơn 20 tập đầu, Tiếng sét trong mưa khai thác mối tình đẹp giữa cậu Ba và cô người hầu Thị Bình rất tốt, được khán giả khen nức nở, thì ở những tập cuối này đã bắt đầu lộ ra "căn bệnh" thường thấy của phim Việt: càng dài càng... mất hay.
Biên kịch dường như không thành công lắm khi đưa vào những nhân vật mới không đáng có làm loãng câu chuyện.
Cuộc gặp gỡ định mệnh sau mấy chục năm của Thị Bình với cậu Ba đã không được như kỳ vọng khi cậu Ba không nhận ra được Thị Bình. Ngoài ra, "ở phần sau, phim nhiều bi kịch quá, cảnh bạo lực đánh đấm nhiều nên đôi khi người xem cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng" - anh Thanh, nhà ở Q.Bình Tân (TP.HCM), nhận xét.
Cảnh phim Tiếng sét trong mưa
Giá như bớt đi số tập
Phim càng nhiều tập thì khả năng thu tiền từ quảng cáo trong giờ phát sóng ngày càng nhiều. Với những bộ phim đang thu hút khán giả, việc kéo dài tập phim theo cách "vừa phát sóng vừa sản xuất" đang được nhiều nhà sản xuất áp dụng. Nó đòi hỏi năng lực viết kịch bản và sản xuất của êkip sản xuất phim rất lớn.
Còn có một thực tế là trong quá trình sản xuất phim, khi quay bị dư so với số tập ban đầu, đạo diễn tiếc công sức nên khi dựng phim lại tăng thêm một số tập. Theo một số người sản xuất phim, nếu số tập dư dưới năm thì chất lượng tạm ổn, còn dư trên 10 tập thì chắc chắn nội dung sẽ bị loãng ngay.
"Chuyện này xảy ra nhiều lắm. Tôi biết trường hợp một bộ phim ban đầu có số tập là 34, cuối cùng thành phẩm là 49 tập, dôi ra đến 15 tập.
Khi đưa duyệt, nhà đài không đồng ý vì quá dài dòng, bị cắt xuống còn 40 tập. Bộ phim cuối cùng không được như ý muốn bởi người cắt thường không phải là người trực tiếp sản xuất phim. Rất đáng tiếc!" - một đạo diễn giấu tên cho biết. Anh cho rằng: "Giá như nhà sản xuất, nhà đài, đạo diễn chặt chẽ trong tất cả các khâu sản xuất thì sẽ tránh được nhược điểm này".
"Giá như...", hẳn nhiều đạo diễn, diễn viên cũng suy nghĩ nhiều đến từ "giá như..." khi xem lại tác phẩm của mình. Cũng như với Tiếng sét trong mưa, giá như bộ phim này bớt đi số tập, chắt chiu hơn trong từng chi tiết thì sẽ không có những hạt sạn đáng tiếc.
Càng dài càng... mất hay - căn bệnh này không chỉ thấy trong Tiếng sét trong mưa mà còn ở nhiều phim truyền hình khác.
Hồ sơ lửa - dự án phim từng được xem là dài tập nhất trong năm 2017 đã phải chết yểu khi chỉ mới đi được 1/10 đoạn đường, 280 tập, kéo theo đó là lùm xùm thiếu tiền lương cho anh em các đoàn phim.
Một số người trong cuộc cho biết ngay từ khâu đầu tiên là kịch bản đã không được chăm chút, phim đã khởi quay mà kịch bản vẫn chưa hoàn tất.
Cách đây không lâu, Gạo nếp gạo tẻ khi được nâng số tập dự định ban đầu từ 80 lên 109 đã vấp phải "phản ứng" khá dữ dội từ phía khán giả bởi câu chuyện về sau không thuyết phục, tình huống nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn dù các tập trước được khen nức nở...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận