02/12/2015 08:20 GMT+7

Tiếng lóng Sài Gòn xưa nhận giải “Làm báo cùng Tuổi Trẻ”

Đ.QUYÊN - T.B.DŨNG - T.TÂN
Đ.QUYÊN - T.B.DŨNG - T.TÂN

TT - “Một giọt tinh chất pha thành một ly cà phê?”, “Đòi 15.000 USD mới có giấy phép” và “Một cảnh sát mật phục việc ném đá bị đánh tử nạn” là ba câu chuyện đã góp phần làm nóng trang báo Tuổi Trẻ trong tháng 10-2015.

Nhân viên một quán tạp hóa giới thiệu “tinh chất” cà phê bán cho khách hàng - Ảnh: Trung Tân

Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” đã trân trọng trao đến ba bạn đọc báo các thông tin trên như lời cảm ơn của Tuổi Trẻ với những người luôn đồng hành và dành tình cảm cho tờ báo.

Mong “làm sạch” môi trường đầu tư

Đêm 21-10, người dân ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) hoảng hốt trước tin trong lúc đi làm nhiệm vụ, hai cảnh sát hình sự Công an huyện Krông Pa gặp nạn, một cán bộ hi sinh, người còn lại bị thương phải nhập viện cấp cứu. '

Là người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực báo chí, sống tại huyện Krông Pa, anh Ngô Đức Mạo - phó trưởng Đài PTTH huyện Krông Pa - đã được người dân báo tin khi xảy ra vụ việc. '

Sau khi gọi điện xác minh lại thông tin, anh liền báo tin cho phóng viên Tuổi Trẻ thường trú tại Gia Lai. Và Tuổi Trẻ đã nhanh chóng đến hiện trường ghi nhận sự việc, thu thập thông tin...

Ngày hôm sau, những dòng thông tin nóng hổi, gây chú ý đối với dư luận tại địa phương nói về những mất mát, hi sinh của cán bộ Công an huyện Krông Pa xuất hiện đầy đặn, đa chiều trên mặt báo Tuổi Trẻ.

“tôi báo tin cho Tuổi Trẻ trước hết là để đồng nghiệp có được thông tin kịp thời, hỗ trợ nhau làm việc, sau nữa là muốn tờ báo mình yêu thích có được tin sớm”, anh Ngô Đức Mạo bày tỏ.

Với ông Trần Thanh Thành, người đã cung cấp thông tin về vụ vòi vĩnh 15.000 USD mới được cấp giấy phép đầu tư (Tuổi Trẻ ngày 26-10), thì: “Quá bức xúc nên tôi mang hồ sơ đến nhờ Tuổi Trẻ lên tiếng”.

Ông Thành kể từng làm việc cho một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giúp những nhà đầu tư này làm thủ tục và biết là nhiều lúc phải “bôi trơn” mới được cấp giấy phép nhanh chóng.

Tuy nhiên lần này, khi cùng sếp của mình là ông Peng Jung Min (Đài Loan) đã đi lên đi xuống Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM hơn 20 lần nhưng vẫn không xong, cứ bị Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư (thuộc Sở KH-ĐT) yêu cầu bổ sung hồ sơ liên tục rồi ra giá 15.000 USD mới giúp “chạy” dự án - một số tiền quá lớn, ông thấy không thể chấp nhận được.

Ông Thành chia sẻ khi bài báo đăng lên, có nhiều báo khác gọi điện cho ông để khai thác thêm và chính lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở KH-ĐT kiểm tra, báo cáo trước ngày 5-11-2015. Thế nhưng đến nay đã hơn một tháng sau ngày bài báo xuất bản, ông vẫn chưa nhận được động thái tích cực nào từ phía Sở KH-ĐT.

“Tôi chỉ mong sao công an sớm vào cuộc để làm rõ có hay không đường dây chạy dự án. Nếu không xử lý triệt để việc này thì môi trường đầu tư của TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng rất lớn” - ông Thành bày tỏ.

Không chấp nhận kiểu làm ăn gian dối

Bài điều tra “Một giọt tinh chất pha thành một ly cà phê?” (Tuổi Trẻ ngày 23-10) được thực hiện từ nguồn thông tin của một chủ quán cà phê ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk (bạn đọc đề nghị giấu tên).

Anh kể nhiều lần được chào hàng các sản phẩm “tinh chất” cà phê, chè xanh với giới thiệu chỉ một giọt, một viên “tinh chất” sẽ thành một ly cà phê, ấm chè xanh thơm phức để bán cho khách hàng.

Thấy việc kinh doanh như vậy (bán “tinh chất”) rất bất công với những người làm ăn đàng hoàng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng, anh đề nghị phóng viên phải vạch trần kiểu làm ăn này. Anh còn nhắn một số địa chỉ những nơi có bán “tinh chất” cà phê tại TP Buôn Ma Thuột để phóng viên thâm nhập, lấy chứng cứ.

Ngày 23-10, bài báo đăng trên nhật báo Tuổi Trẻ và đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ của bạn đọc trước kiểu làm ăn, kiếm lời vô lương tâm này.

Ngay sau đó, nhiều chủ quán cà phê làm ăn chân chính tại TP Buôn Ma Thuột đã bày tỏ sự ủng hộ bài điều tra của Tuổi Trẻ vì “bán cà phê thật vẫn lời, đâu cần kinh doanh gian dối như vậy”. Nhiều người am hiểu về cà phê cũng hướng dẫn cách phân biệt cà phê thật và cà phê hóa chất...

“Thật may là tờ báo đã tổ chức một bài điều tra đa chiều, có bằng chứng cụ thể về việc bán “tinh chất” cà phê tại một số nơi ở phố núi. Tôi cũng khá bất ngờ vì bài báo được thực hiện nhanh và có hiệu quả dư luận đến vậy. Tôi thấy mình cũng đã góp được vào sự công bằng trong việc kinh doanh cà phê cũng như bảo vệ sức khỏe người dân” - anh tâm sự.

Góp sức để thay đổi việc dạy học

Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 10-2015 cũng trân trọng trao đến hai tác giả có bài viết tạo được nhiều quan tâm từ bạn đọc.

Bác sĩ Phan Quốc Bảo (TP.HCM), tác giả bài viết “Giải mã thứ bậc thầy Hai, con Tám... của Sài Gòn xưa” (Tuổi Trẻ Online ngày 7-10), đã bày tỏ “thật bất ngờ” khi một bài viết vui của mình được rất nhiều bạn đọc ủng hộ và xem đó như một cách xả stress sau những tin tức thời sự nặng nề.

Chợ Bến Thành năm 1949 với bến xe ngựa - Ảnh tư liệu

Và từ bài viết của vị bác sĩ thích tìm đọc những giá trị xưa này, bạn đọc lại tiếp nối, góp cho Tuổi Trẻ những bài viết rất hay về các phương ngữ của người Sài Gòn xưa như: “Người Sài Gòn giờ không thấy xài mấy tiếng lóng này nữa” (Tuổi Trẻ Online ngày 7-11), “Dân Sài Gòn còn chơi “mút mùa Lệ Thủy”” (Tuổi Trẻ Online ngày 21-11)...

Bài viết “Xin lỗi các em, thầy cũng bất lực” (Tuổi Trẻ ngày 6-10) của tác giả Yến Nguyệt (Hà Nội) nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn đọc bởi áp lực học thêm của các em học sinh cũng khiến các thầy cô giáo bất lực.

Chị Yến Nguyệt chia sẻ sau khi nghe tâm tư từ những người bạn, chị đã viết bài để mong muốn nhận được chia sẻ của mọi người và góp phần thay đổi việc học, việc dạy sao cho phù hợp ở VN hiện nay.

Đ.QUYÊN - Q.THẾ

Đ.QUYÊN - T.B.DŨNG - T.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên