29/07/2015 07:53 GMT+7

Mong lấy lại thiện cảm từ du khách

ĐỖ QUYÊN - QUANG THẾ
ĐỖ QUYÊN - QUANG THẾ

TT - Hai trong số bốn bạn đọc nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 6-2015 đã báo hai thông tin liên quan đến mặt chưa được của du lịch Việt Nam với mong mỏi sẽ có những chấn chỉnh kịp thời để lấy lại thiện cảm từ du khách.

Minh “đen” “chặt chém”  một du khách người Đài Loan - Ảnh: Đức Phú
Minh “đen” “chặt chém” một du khách người Đài Loan - Ảnh: Đức Phú

Đó là ông Nguyễn Văn Huỳnh báo tin “Phản ảnh cân thiếu hải sản, nữ du khách bị đánh rách mặt” (Tuổi Trẻ Online ngày 27-6) và một bạn đọc (chúng tôi xin giấu tên) báo tin “Xích lô “dù” trấn lột du khách” (Tuổi Trẻ ngày 29-6).

Bất bình chuyện du khách bị “chặt chém”

Ông Nguyễn Văn Huỳnh (TP.HCM) nhớ lại: “Hôm đó tôi đưa gia đình đi du lịch ở dinh Thầy Thím (thị xã La Gi, Bình Thuận) thì nhìn thấy một đám đông hơn chục người cả nam lẫn nữ bán hải sản xông vào đánh một nữ du khách quá dã man. Tôi nhìn thấy mà kinh hãi”.

Hỏi han sự tình, ông Huỳnh mới biết nữ du khách này cùng hai phụ nữ khác từ Đồng Nai đi La Gi chơi cuối tuần và mua hải sản của những người dân bán tại khu vực ven biển xã Tân Tiến. Khi phát hiện hải sản mình mua bị cân thiếu, có người bị cân thiếu từ 4kg còn 2kg, họ phản ảnh với những phụ nữ bán hàng. Kết quả là nữ du khách ấy bị những người bán hàng và nhiều người khác xông vào đánh tới tấp.

“Tôi bất bình thay cho cô gái này nên gọi điện cho đường dây nóng báo Tuổi Trẻ để báo tin. Tôi mong muốn khi Tuổi Trẻ có mặt thì địa phương sẽ xử lý việc này tốt hơn, dẹp đi nạn cân gian, bán thiếu, gây mất thiện cảm của du khách” - ông Huỳnh bày tỏ. Ông cũng cho biết mình là độc giả của báo Tuổi Trẻ hơn 20 năm nay, thấy điều gì trái tai gai mắt đều gọi cho Tuổi Trẻ.

Cũng với mong muốn lấy lại chút thiện cảm của du khách, bạn đọc báo tin “Xích lô “dù” trấn lột du khách” đã bỏ công sức theo dõi hoạt động của nhóm chạy xe xích lô khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) chuyên “chặt chém”, thậm chí giật tiền trên tay, trong túi của du khách nước ngoài.

Sau khi báo tin cho Tuổi Trẻ, anh tiếp tục âm thầm theo dõi nhóm này và báo liền cho phóng viên mỗi khi xảy ra việc “chặt chém”. Chính nhờ việc liên tục thông tin của anh, phóng viên Tuổi Trẻ đã có được bài phản ánh với những hình ảnh chân thực về tình trạng này, khiến dư luận hết sức bất bình và lên tiếng đòi hỏi công an phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.

“Người ta nói “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Hằng ngày chứng kiến cảnh này tôi cứ tự hỏi làm sao những du khách bị trấn lột kia có thể quay lại Việt Nam lần nữa khi họ đã trải qua những bức xúc như vậy? Rồi họ sẽ kể với bạn bè và khuyên đừng đến Việt Nam thì còn nỗi xấu hổ nào hơn? Tôi cũng nghèo khó nhưng không vì thế mà đồng tình với hành vi “cướp cạn” như vậy. Tôi báo tin cho Tuổi Trẻ chỉ mong góp thêm tiếng nói, lấy lại chút thiện cảm của khách khi đến thăm “nhà” mình mà thôi” - bạn đọc này bày tỏ.

Bức xúc với lãng phí tiền tỉ

Sau khi Tuổi Trẻ (ngày 8-6) đăng bài “Xây Văn Miếu 271 tỉ ở tỉnh, có lãng phí quá không?”, ông Nguyễn Đình Lộc (ở Q.Hà Đông, Hà Nội) đã gửi ý kiến bình luận, cung cấp thông tin về vụ huyện Đan Phượng (Hà Nội) xây nhà hát trăm tỉ đồng rồi bỏ không.

Từ thông tin này, Tuổi Trẻ (ngày 13-6) triển khai thêm bài “ Nhà hát trăm tỉ xây dở dang” đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Ông Lộc tâm sự ông thường xuyên đi qua “nhà hát trăm tỉ xây dở dang” nên thấy thiết kế thiếu hợp lý, xây dựng quá lâu, nền nhà xây mãi không xong và không có đường vào.

“Trong khi nhiều nhà hát trong nội thành vắng khách thì lại tiếp tục xây dựng nhà hát, tôi thấy đây là một điều bất hợp lý. Nếu có nhiều tiền thì nên đầu tư xây nhà văn hóa ở các thôn xã, nếu nơi nào có nhà văn hóa rồi thì đầu tư thêm trang thiết bị cũng như hỗ trợ thêm kinh phí để hoạt động hiệu quả hơn” - ông Lộc chia sẻ.

Nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ”, ông Lộc nói mình là bạn đọc của báo Tuổi Trẻ từ nhiều năm nay vì báo cập nhật nhanh, đưa tin khách quan, đa chiều, do đó khi có những vấn đề bức xúc ông đã nghĩ ngay đến Tuổi Trẻ để phản ảnh.

“Tôi thấy bây giờ nhiều báo đưa tin rất giật gân, trong khi nhiều việc xã hội cần phản ánh thì không làm. Tôi mong Tuổi Trẻ tiếp tục có nhiều bài báo hay, phanh phui những vụ tiêu cực, mang lại lợi ích cho số đông người dân như đã làm trong nhiều năm qua” - ông Lộc tâm sự.

Tìm công bằng cho người nuôi cá

Giải thưởng tháng 6-2015 cũng được trân trọng trao đến một bạn đọc ở Bình Dương - người đã cung cấp thông tin một số hộ dân ở Dĩ An nuôi cá bị chết hàng loạt vì kênh rạch bị lấn chiếm.

Phóng viên vào cuộc tìm hiểu và đã làm rõ được những ấm ức, thiệt thòi của các hộ dân này suốt một năm qua trong loạt bài “Doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ, lấn rạch” (Tuổi Trẻ 8, 9 và 10-6-2015).

Sau đó, ngày 16-6, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương (ở P.Bình Thắng, thị xã Dĩ An) đã tiến hành việc nạo vét đất và hứa sẽ đặt thêm cống hộp để đảm bảo việc tiêu thoát nước của rạch Bà Khâm, đồng thời thống nhất về phương án khắc phục cũng như việc đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Đ.Q.

ĐỖ QUYÊN - QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên