Nhiều người trong số họ không chắc mình có “ngựa quen đường cũ” hay không khi trở về.
Phóng to |
Các nữ học viên học tập để thay đổi cuộc sống - Ảnh: MINH ĐỨC |
Chị L. ở trung tâm đã hơn 17 tháng (mỗi học viên ở trung tâm 18 tháng). Không một cuộc thăm nom, không ai gọi điện thoại. Ngày tháng cứ thế trôi. Mỗi lần các học viên khác có gia đình lên thăm hoặc ai đó vô tình hỏi sao không thấy người nhà lên, chị L. lại tủi thân.
Những gương mặt đời
Chị cũng không tâm sự chuyện của mình với ai. Năm 25 tuổi, chị lỡ mang thai rồi bị người yêu phụ bạc. Xấu hổ, chị không dám về nhà cho đến khi mẹ mất. Trong thời gian đó, chị đi bán khoai lang ở khu vực chợ Bến Thành, TP.HCM. Mấy lần những người bán chung rủ chị “làm thêm” kiếm chút đỉnh. Làm riết rồi quen, chị không thấy ngại ngùng nữa, “chứ bán khoai lang ngày chẳng đủ tiền ăn cơm”. Rồi một lần đi khách chị bị bắt. 45 tuổi, chị chưa một lần được ai yêu thương thiệt tình. Những ngày tháng đó chị chỉ nhận sự khinh khi và tủi nhục với những đồng tiền vứt xuống sàn sau khi “xong việc”. “Chỉ cần được về, dù có bán vé số, đi phụ hồ hay giúp việc nhà... gì gì tôi cũng làm hết” - chị nói.
Trong khi đó N.T.T.T. chỉ mới 16 tuổi. Nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Lên trung tâm từ tháng 6-2012, T. rất nhớ nhà, nhớ ba. Mẹ T. đã bỏ đi từ hồi mới sinh em. Ba T. khó tính và đi làm suốt ngày nên ở nhà em chẳng biết tâm sự với ai. T. học tới lớp 7 thì chán, nghỉ học. Rồi T. học nghề cắt tóc. Có lần T. chat trên một trang web, mấy người đàn ông kết bạn rồi dụ em đi chơi.
“Đêm đó em đi tới 4g sáng. Về nhà, ba đánh em một trận. Em nghĩ ba không thương em nên tiếp tục dấn sâu vào tội lỗi. T. từng qua Singapore “đi khách” cả tháng, bị cảnh sát bên đó bắt giam cả tuần. Về lại Việt Nam, T. tiếp tục làm nghề. Ngày bị đưa lên trung tâm, T. chỉ muốn làm sao ra khỏi đây thật nhanh. Cô bé tuổi “teen” già đi bởi: “Em rất muốn về lại thành phố, nhưng về rồi không biết ba có tha thứ cho em không. Giờ thì cả xóm ai cũng biết chuyện em, mẹ em cũng biết. Em sợ mình lại tiếp tục con đường cũ”.
Sáng tối phận người
Dù biết bà V.T.T.N. đã 52 tuổi và có thâm niên 11 năm làm nghề nhưng tôi không tin nổi có phận người khắc nghiệt như thế. Người đàn bà trải đời, vẻ mặt lạnh nhạt với cặp lông mày xếch ngược khó gây cảm tình cho người đối diện, lại thêm giọng nói cứ “kênh kênh” và nhắc tới tiền quá nhiều trong những câu nói; nhưng càng nói chuyện, người ta càng thấy sợ sức chịu đựng khủng khiếp của bà. Tất cả vì hai đứa con trai nay đã lớn, hiện sống tại một căn nhà khá khang trang ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Khi con trai út được 1 tuổi, bà bắt đầu làm nghề. Buổi tối trong căn nhà trọ chừng 12m2, bà lấy mền đắp kín hai đứa con rồi đưa khách vào hành sự. Không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi cho đến năm 2002 bà mua được căn nhà nhỏ ở Q.Tân Phú. Từ đó, bà chuyển về làm tại nhà cho đến khi bị đưa lên trung tâm. “Nhiều lúc tôi nằm ngủ không muốn dậy nhưng nghĩ đến hai con, tôi lại tiếp tục” - bà nói.
Khi bà bị bắt, con trai út chỉ còn nửa tháng nữa là thi đại học. Con bà đành bỏ dở vì không ai lo. “Còn một tháng nữa tôi được về, sẽ đưa con đi học ôn để năm sau nó thi đại học. Thằng lớn đã có gia đình và sống riêng. Tôi về nghỉ ngơi tuổi già và dùng số tiền dành dụm còn lại để lo cho con đi học” - bà nói mà đôi mắt sáng lên. “Tuy hàng xóm khinh khi, tuy họ hàng xa lánh, nhưng con tôi thương tôi là được. Tôi sẽ vẽ lông mày thấp xuống cho hiền bớt, sẽ nấu nướng lo lắng cho con trọn vẹn những ngày tháng còn lại. Còn ai nghĩ gì kệ họ” - bà nói.
Còn rất nhiều số phận nữa mà tôi tiếp xúc trong cái trại này. Những câu chuyện mà họ kể khiến người nghe dễ nghĩ rằng cuộc đời quá nghiệt ngã và họ chỉ là nạn nhân của sự hi sinh vì người khác, do người khác. Họ bày tỏ ước ao về một ngày trở về, về một sự hoàn lương. Ai cũng có giấc mơ về mái ấm. Như chị N.T.T., 32 tuổi, quê ở An Giang, cho biết: “Tui nhớ con tui quá. Bữa tựu trường chẳng ai mua sách vở gửi về cho nó. Tui nhớ mấy lúc tết về thăm nhà. Ba bà cháu cùng nhau cày ruộng, nấu nướng ăn uống, cực mà vui”. Còn đây là giấc mơ của chị Đ.T.T.T., 30 tuổi, quê ở Trà Vinh: “Tôi mơ mình kiếm dư dả để mua được căn nhà nho nhỏ trên này, cho chồng tôi lên sum vầy chứ dưới quê khổ quá. Con tôi đang ở Sài Gòn với ông bà ngoại. Chồng thì ở Trà Vinh. Không biết chồng tôi có tha thứ hay không nhưng ảnh có nhắn nhủ là ráng ở đây cho tốt rồi về quê mần ruộng với ảnh!” - chị nói mà gương mặt đầy nét phân vân.
Viết tiếp cuộc đời
Hầu hết học viên mại dâm của trung tâm đều không dám xét nghiệm máu, nên chuyện nhiễm HIV hay không họ không biết được. Nhưng họ cũng mong ngóng ngày về để thực hiện những dự định mà trước đây khi sa chân vào con đường này họ tạm thời quên đi. Chị N.T.O., 33 tuổi, nhiễm HIV đã 10 năm nay, nói nếu được trả về chị sẽ xin vô Trung tâm Ánh Dương (trung tâm tham vấn sức khỏe và hỗ trợ cộng đồng cho phụ nữ) để làm giáo dục viên đồng đẳng, chuyên tuyên truyền về HIV/AIDS. Chị nói: “Tôi thích công việc này lâu lắm rồi, với lại tôi nghĩ sau khi ra khỏi đây mình phải có cuộc sống khác. Những tiếng kẻng đầu giờ dậy, giờ ăn, giờ ngủ ở trung tâm đã luôn nhắc tôi điều đó. Đời tôi có còn gì đâu, phải làm cái gì có ích chứ!”.
Chiều. Tiếng kẻng vang lên năm lần, nhắc nhở các học viên đã tới giờ ăn và tắm rửa. Sau đó họ sẽ về phòng coi tivi, kết thúc một ngày. Đây sẽ là những học viên cuối cùng của trung tâm, sau khi nghị quyết 24/2012 của Quốc hội về việc xử lý vi phạm hành chính đối với gái mại dâm có hiệu lực vào ngày 1-7-2013 tới đây. Từ nay đến đó, tiếng kẻng nơi đây sẽ còn tiếp tục vang lên để thức tỉnh tâm hồn của những phận người trót đã lấm lem trong cuộc mưu sinh ở cuộc đời này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận