21/07/2016 12:30 GMT+7

Tiếng hát Ánh Tuyết - Kỳ 4: Nhiều nghệ sĩ mắc bệnh sĩ

TRÀ MY - MAI NGUYỄN
TRÀ MY - MAI NGUYỄN

TTO - Nhạc sĩ Tô Vũ lúc sinh thời từng bức xúc nói với Ánh Tuyết rằng có nhiều ca sĩ "hát sai cả ngữ cảnh trong bài hát của tôi, họ hát sai điều tôi khao khát trình bày. Nỗi buồn này tôi cũng chẳng biết nói với ai".

Ca sĩ Ánh Tuyết trình diễn trong chương trình Con đường âm nhạc do VTV tổ chức dành riêng cho chị mang tên
Ca sĩ Ánh Tuyết trình diễn trong chương trình Con đường âm nhạc do VTV tổ chức dành riêng cho chị mang tên "Ánh Tuyết - Hát như cuộc đời" tại TP.HCM ngày 12-6-2011 - Ảnh: Gia Tiến

Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết chị thấy buồn vì hiện nay nhiều nghệ sĩ đặt cái tôi của mình cao hơn tác phẩm. 

Vì nhiều lý do, nhiều ca sĩ cứ mặc định hát sai lời mà không biết rằng điều đó làm những người nhạc sĩ buồn lòng biết bao nhiêu. 

Ca sĩ Ánh Tuyết trải lòng:

Nhiều bạn trẻ bây giờ cầm bản nhạc là hát, không dành thời gian tìm hiểu bối cảnh và thẩm thấu ca từ, gia điệu. Sự vội vàng, không trau chuốt sẽ dẫn đến những lỗi sai hoàn toàn có thể tránh được nếu người nghệ sĩ nghiêm túc hơn với công việc của mình ngay từ đầu. 

Như chuyện nhiều ca sĩ hát sai lời, đó là một thực tế. Có thể vì họ không được tiếp cận với bản gốc của tác phẩm, chỉ hát theo những bản truyền miệng hoặc lưu truyền trên mạng. Có khi còn do yếu tố vùng miền.

Ví dụ như trong bài hát Em đến thăm anh một chiều mưa của nhạc sĩ Tô Vũ có câu: "Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lời nghẹn lời, hồn anh như say như ngây, vì đâu? Gió đưa cánh chim trời, đó đây cách xa vời... Chiều nào thôi xa anh. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về".

Nguyên văn câu hát là “lời nghẹn lời” nhưng hầu hết các ca sĩ đều hát là “lời nghẹn ngào”. 

“Lời nghẹn lời” nghĩa là cả hai người cùng muốn nói, nhưng nói không được, trong khi “lời nghẹn ngào” thì ý định tỏ bày chỉ đến từ một phía. Chỉ một chữ thôi nhưng ý nghĩa của câu hát đã sai lệch đi gần như hoàn toàn. 

Cũng giống như câu "Chiều nào thôi xa anh" mà nhiều người hát sai thành "chiều nào em xa anh". "Chiều nào thôi xa anh" nghĩa là khát khao một chiều không xa anh nữa. Bởi vậy mới có câu cuối là: "Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về".

Việc hát sai lời tai hại vô cùng, không chỉ có ca sĩ trẻ thời nay mà ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng thời xưa cũng mắc phải. 

Nhạc sĩ Tô Vũ và ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh: ATB
Nhạc sĩ Tô Vũ (1923-2014) và ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh: ATB

Lúc đầu, tôi cũng không biết điều này, nhưng sau khi gặp nhạc sĩ Tô Vũ (trước khi ông qua đời ngày 13-5-2014) thì nghe ông dứt ruột dứt gan bảo: 

"Tôi rất buồn. Nhưng nói mãi mọi người không nghe. Họ hát sai cả ngữ cảnh trong bài hát của tôi, họ hát sai điều tôi khao khát trình bày. Họ chủ quan hát theo thói quen. Nỗi buồn này tôi cũng chẳng biết nói với ai". 

Bây giờ, các bạn ca sĩ trẻ hát sai lời nhiều lắm. Các bạn cứ căn cứ theo bản nhạc ở trên mạng mà hát. Khổ nỗi có khi người đăng tải văn bản trên mạng họ cũng chỉ nghe và ghi lại từ một nguồn nào đó có khi thiếu chính xác. 

Tôi không hiểu sao nhiều ca sĩ trẻ ngày nay khi được người khác chỉ ra cái sai thì tìm đủ mọi lý do để lấp liếm, bao biện và bảo vệ cái tôi của mình. 

Có người còn cãi lại và tận dụng nó để làm thành scandal giúp tên tuổi của mình “hot” trên mặt báo. Tại sao không biết nhận lỗi khi đó là sự thiếu kiến thức của chính mình?

Ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Đình Văn, diễn viên Quý Bình
Ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Đình Văn, diễn viên Quý Bình - Ảnh: NVCC

Đừng xem mình lớn hơn tác phẩm

Tôi thường nghĩ mối quan hệ giữa nhạc sĩ và ca sĩ giống như một “cặp vợ chồng” trong nghệ thuật vậy. 

Một sáng tác sẽ là đôi cánh chắp cho người ca sĩ bay cao. Ngược lại, nếu không có ca sĩ thể hiện tác phẩm thì nhạc sĩ cũng thiếu cầu nối để chuyển tải tâm tình, câu chuyện của mình đến khán giả. 

Nền tảng của mối quan hệ này chính là sự tôn trọng lẫn nhau để cùng tôn vinh một tác phẩm. 

Hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ mắc bệnh sĩ và thể hiện sự thái quá khi bảo vệ cái tên của mình bằng mọi giá. 

Các bạn quên rằng các bạn chẳng to lớn lớn ai và càng không thể nào lớn hơn một tác phẩm của công chúng. 

Khi người nghệ sĩ đem cái tôi của mình áp đặt lên tác phẩm của người khác, không xem tác phẩm đó là của mọi người thì dù tên tuổi của anh có lớn đến mấy cũng thất bại thôi. 

Nếu không hiểu được rằng tác phẩm lớn hơn cái tôi của người nghệ sĩ thì đừng làm nghệ thuật.

Bạn có tán thành những tâm tư "tận đáy lòng" của những người nghệ sĩ như Tô Vũ, Ánh Tuyết về chuyện ca sĩ hát sai lời, chuyện "nhiều nghệ sĩ trẻ mắc bệnh sĩ và thể hiện sự thái quá khi bảo vệ cái tên của mình bằng mọi giá, đem cái tôi của mình áp đặt lên tác phẩm của người khác"? Xin mời bạn để lại ý kiến ở phần Bình luận ngay bên dưới.
TRÀ MY - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên