13/11/2018 16:51 GMT+7

Tiếng Anh của người Việt cỡ nào ở châu Á?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ở khu vực châu Á, năng lực tiếng Anh của người Việt xếp thứ 7, sau Singapore, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hong Kong, Hàn Quốc.

Tiếng Anh của người Việt cỡ nào ở châu Á? - Ảnh 1.

Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG

Tổ chức giáo dục Education First của Thụy Sĩ mới đây công bố bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh EF English Proficiency Index 2018, theo đó Việt Nam xếp thứ 41, nằm trong nhóm thông thạo tiếng Anh trung bình.

Những năm trước, thứ hạng của Việt Nam lần lượt là 34 trên tổng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2017) và 31 trên tổng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2016).

Năm nay, bảng xếp hạng được thực hiện dựa trên dữ liệu từ 1,3 triệu người tại 88 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tính riêng ở khu vực châu Á, năm 2018, Việt Nam xếp thứ 7, sau Singapore, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hong Kong, Hàn Quốc. Một số nước châu Á nằm trong nhóm sử dụng tiếng Anh ít thông thạo như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc.

Tuy nhiên đánh giá chung của EF về châu Á cho thấy mức độ thông thạo tiếng Anh của khu vực này không cải thiện dù sự đầu tư vào ngôn ngữ này rất cao. Khoảng cách giữa các nước có mức độ thông thạo cao nhất và thấp nhất ngày càng gia tăng.

Theo đó, trong khi Singapore ngày càng cải thiện thì Nhật Bản, Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ còn các nước Trung Á nằm ở những vị trí thấp nhất.

Vấn đề của một số quốc gia châu Á là việc dạy tiếng Anh còn quá chú trọng vào học thuộc lòng. Ngoài ra, ở một số nước, các vấn đề trong đào tạo tiếng Anh phản ánh những vấn đề mang tính hệ thống lớn hơn nhiều.

Chẳng hạn Myanmar chỉ có 2% GDP được chi cho ngành giáo dục và một phần ba giáo viên ở Bangladesh không có chứng chỉ giảng dạy.

Đối với các lao động không chính thức hay lao động tạm thời, cơ hội để được học tiếng Anh cũng rất ít.Ở những nước có dân số lão hóa, "trình độ tiếng Anh sẽ không phát triển nếu không giúp người trưởng thành học tiếng Anh", theo báo cáo.

Dù Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc giảng dạy tiếng Anh, như trình độ giáo viên, các lớp học quá đông và thiếu cơ hội để học sinh thực hành... nhà sáng lập Mark Ashwill của công ty tư vấn Capstone Vietnam cho rằng công nghệ sẽ mở ra giải pháp.

"Người trẻ ở Việt Nam đang bắt đầu hòa vào cách mạng học tập kỹ thuật số trong đó bao gồm cả việc dạy ngoại ngữ. Với tỉ lệ sử dụng Internet hơn 50%, mạng di động được nâng cấp lên 4G và kết nối wifi ở khắp nơi... cơ hội tiếp cận các khóa học ngoại ngữ trực tuyến và vô số các môn khác của người trẻ Việt nhiều chưa từng có", ông Ashwill đánh giá trên tờ Pie News.

Yếu tố quan trọng thu hút nhân tài

Theo báo cáo của Education First, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai khu vực có trình độ tiếng Anh tốt nhất, tiếp theo là Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, Bắc Trung bộ , Đông Bắc bộ.

Các thành phố thông thạo tiếng Anh nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Khả năng tiếng Anh của nữ giới cũng nhỉnh hơn nam giới, giống xu hướng chung toàn cầu.

"Có mối tương quan giữa trình độ thông thạo tiếng Anh và Chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu. Sự thông thạo tiếng Anh cho phép các tài năng địa phương tham gia vào các cuộc đối thoại toàn cầu và cũng rất quan trọng để thu hút các tài năng nước ngoài", báo cáo của Education First viết.

Học tiếng Anh từ lớp 6, sao sinh viên vẫn không giao tiếp được? Học tiếng Anh từ lớp 6, sao sinh viên vẫn không giao tiếp được?

TTO - Đó là trăn trở của TS Nguyễn Tuyết Phương - Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM về năng lực ngoại ngữ của nhiều sinh viên hiện nay.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên