16/06/2020 13:54 GMT+7

Tiền tỉ "chôn" ở bến lúa biên giới

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Những bến lúa đầu tư hàng chục tỉ đồng đang ngưng hoạt động vì nằm ở bờ sông biên giới phía Campuchia, doanh nghiệp kêu cứu trước nguy cơ phá sản.

Tiền tỉ chôn ở bến lúa biên giới - Ảnh 1.

Bến lúa hàng chục tỉ đồng đìu hiu bên kia biên giới - Ảnh: AN LONG

Phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ, chị Ngũ Bạch Huệ - giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Chiến Thắng (Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, An Giang) - cho biết mình chuyên kinh doanh lúa gạo từ hơn hai mươi năm qua, nay đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không thể làm thủ tục nhập khẩu lúa.

Năm 2012, vì nhu cầu nhập khẩu gạo từ Campuchia về Việt Nam ngày càng cao, chị đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng lập bến lúa trung chuyển ở bờ sông Sở Hạ, biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, Tân Hồng, Đồng Tháp). "Lúc đó có 4 bến lúa của 4 doanh nghiệp hoạt động bình thường nên tôi mới mạnh dạn đầu tư như vậy", chị Huệ cho biết.

Các xe tải chở lúa từ nội địa Campuchia về sẽ ghé vào đây, rồi các ghe lúa ở Việt Nam sẽ đi theo sông biên giới Sở Hạ đến tấp vào, chuyển xuống ghe những số lượng lúa đã được kê khai theo thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà (trụ sở ở phía bờ Việt Nam) và được lực lượng hải quan giám sát.

Năm 2017, 1 trong 4 doanh nghiệp cũng có bến lúa hoạt động phía bờ Campuchia xin mở được bến lúa phía bờ Việt Nam. Những xe lúa từ phía Campuchia sẽ theo cầu biên giới đi qua sông và tấp vào bến này để bốc xếp lúa xuống ghe. 

Nhưng từ năm 2018, những bến lúa phía bờ Campuchia rất vất vả trong việc xin mở tờ khai, làm thủ tục nhập khẩu lúa gạo. Và đến mùa dịch COVID-19 vừa qua, tất cả ngừng hoạt động theo chủ trương chung. 

Cuối tháng 5-2020, khi bến lúa phía bờ Việt Nam bắt đầu hoạt động trở lại, những doanh nghiệp có bến lúa phía Campuchia cũng đi xin được mở tờ khai để hoạt động nhập khẩu lúa gạo trở lại nhưng không được đồng ý. Ghe lúa khi đi theo sông Sở Hạ đến khu vực cặp bờ phía Campuchia đều bị chặn lại.

Sông Sở Hạ chỉ rộng khoảng 100m. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại khu vực cửa khẩu Dinh Bà, từ hai tuần qua, mỗi ngày đều có hàng trăm xe tải chở 30-35 tấn lúa mỗi xe nối đuôi nhau qua cầu biên giới cửa khẩu Dinh Bà, chạy qua trạm cửa khẩu để xuống bến lúa phía bờ Việt Nam. Nhiều ghe lớn, sà lan đậu tấp nập để vận chuyển lúa xuống từ bến lúa này. Trong khi đó, ba bến lúa ở phía bờ Campuchia vắng lặng vì đã ngừng hoạt động nhiều tháng nay. 

Doanh nghiệp rầu rĩ vì thiệt hại (chịu lãi suất ngân hàng, mất mối làm ăn), hàng trăm người lao động trước đây sống nhờ vào hoạt động của các bến lúa phía bờ Campuchia cũng đang thất nghiệp.

"Chúng tôi đã tìm thuê phía bờ Việt Nam nhưng không có chỗ cho thuê làm bến, mong được tạo điều kiện để chúng tôi làm ăn đúng quy định pháp luật, tránh chuyện phá sản vì nợ nần chồng chất" - chị Huệ bày tỏ.

Đồng Tháp: tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Phạm Thiện Nghĩa, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện tại, vì đang phải đảm bảo các công tác chống dịch COVID-19 nên các vấn đề liên quan đến giao dịch hàng hóa biên giới vẫn phải được đảm bảo.

"Về lâu dài, việc các doanh nghiệp hoạt động phía bờ bên kia biên giới là ngoài tầm quản lý của tỉnh. Tuy nhiên, mỗi năm tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Pray Vieng vẫn có những họp bàn chung để tạo mối liên kết, hỗ trợ nhân dân hai địa bàn cùng thuận lợi trong việc giao lưu, phát triển.

Đối với các trường hợp bến lúa phía bên kia bờ sông Sở Hạ ở khu vực cửa khẩu Dinh Bà, tỉnh sẽ ghi nhận để đưa ra bàn thảo thêm các giải pháp với tỉnh Pray Vieng. Nếu thỏa thuận được thì tỉnh Pray Vieng có thể sẽ đề xuất lên chính phủ hai nước để có những giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động", ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện phía bờ Việt Nam ở khu vực cửa khẩu Dinh Bà đang có một khu vực phát triển kinh tế do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp quản lý. Nếu doanh nghiệp muốn đầu tư lâu dài các bến bãi sang phía Việt Nam có thể liên hệ với Ban quản lý khu kinh tế để tìm hiểu các cơ hội cũng như thủ tục đầu tư theo quy định.

Nhập khẩu lúa: chỉ qua cửa khẩu đường bộ

Trả lời báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Đặng Văn Tiến - chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà - cho biết: "Vừa qua, Bộ Công thương có một văn bản trả lời cho Cục Hải quan Đồng Tháp, theo đó cửa khẩu Dinh Bà hiện tại là cửa khẩu quốc tế đường bộ.

Theo Hiệp ước bổ sung năm 2019 vừa qua giữa Việt Nam và Campuchia, sông Sở Hạ bây giờ là dòng sông chung. Đường biên giới quốc gia bây giờ nằm giữa lòng sông nơi sâu nhất. Thành ra phương tiện đường thủy nếu đi qua phía bờ bên kia xem như xuất cảnh, không như trước đây biên giới nằm phía bờ bên kia và toàn bộ sông Sở Hạ thuộc Việt Nam.

Hiện tại, giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa ký kết hiệp định vận tải đường thủy nội địa qua cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Do đó hiện tại hải quan không thể thực hiện thủ tục được đối với các ghe lấy hàng ở phía bờ bên kia biên giới. Việc nhập khẩu lúa hiện nay đều phải làm thủ tục nhập khẩu qua đường bộ".

Ông Trần Văn Sơn - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà - cũng cho biết hiện nay, vì mục tiêu chống dịch bệnh COVID-19 nên việc kiểm tra chặt chẽ các đường mòn, lối mở và vận chuyển trên các sông đều được thực hiện thường xuyên. Hàng hóa nhập về Việt Nam đều phải đảm bảo các khâu chống dịch và chỉ thực hiện được khi đi qua cửa khẩu, làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

Chính sách trợ giá lúa gạo của Thái có ảnh hưởng đến Việt Nam? Chính sách trợ giá lúa gạo của Thái có ảnh hưởng đến Việt Nam?

TTO - Giữa tháng 10 tới, chính sách trợ giá lúa gạo cho nông dân của Thái Lan sẽ có hiệu lực, liệu điều này có ảnh hưởng gì đến VN?

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: lúa gạo bến lúa