Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa đông xuân - Ảnh: THÀNH NHƠN
Chương trình tạm trữ lúa gạo đầu tiên được triển khai vào năm 2008 và được thực hiện khá thường xuyên cho đến vụ đông xuân 2014-2015.
Có một sự trùng hợp là khi Trung Quốc vươn lên trở thành nhà nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam (VN) cũng là thời điểm mà ngành lúa gạo ít phải mua tạm trữ nhất. Sau hơn 30 năm xuất khẩu gạo ra thế giới, các thị trường truyền thống của VN chủ yếu vẫn là khu vực Đông Nam Á (Philippines, Malaysia, Indonesia) và châu Phi.
Vào năm 2012, Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh nhập gạo VN, trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất của VN và duy trì vị trí đó cho đến nay với trên 30% tổng lượng gạo xuất khẩu (năm 2016 là 36% và 2017 là 39%), chưa kể lượng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.
Nhưng khi trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất, Trung Quốc cũng đã bắt đầu có những biện pháp thiết lập luật chơi. Đầu tiên là việc chỉ định các đơn vị kiểm định và xông trùng gạo năm 2016. Sau đó là việc cấp giấy phép các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VN, làm giảm mạnh số đầu mối xuất khẩu sang thị trường này. Trong số 152 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là thành viên của VFA, mới chỉ có 21 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu.
Đặc biệt, từ tháng 6-2018, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo VN lên mức 50%, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nửa cuối năm 2018 gần như tê liệt, cả năm chỉ còn 1,3 triệu tấn, giảm đến 41% so với năm trước đó, thấp nhất kể từ năm 2012. Hậu quả là vụ đông xuân 2019, VN phải giải cứu giá lúa. Chưa hết, từ giữa năm 2019, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt hơn với việc nhập khẩu gạo từ VN và các nước ASEAN.
Theo đó, gạo Việt muốn vào thị trường Trung Quốc phải đảm bảo các quy định về truy xuất nguồn gốc, mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu...
Các biện pháp mà Trung Quốc đưa ra cũng là thông lệ đang được nhiều thị trường khác áp dụng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính trong nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, với một thị trường khổng lồ ngay bên cạnh, VN cần phải tận dụng để xuất khẩu. Nhưng thay vì tập trung vào lượng, doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng tiêu chuẩn toàn cầu. Bởi có như vậy, gạo Việt mới không bị lệ thuộc bởi một thị trường nào.
Doanh nghiệp mua cầm chừng do... thiếu tiền
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Kiên - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết sau chỉ đạo của Thủ tướng, hầu hết các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa gạo thành viên VFA đã được các ngân hàng thương mại giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký trước đó để thu mua lúa cho dân.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, các DN đang mua rất hạn chế, nông dân nhiều vùng sâu, vùng xa vẫn chưa bán được lúa do DN đã cạn vốn vì chưa được ngân hàng giải ngân cho vay thêm hạn mức tín dụng mới.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Sóc Trăng trong ngày 25-2, một số ghe tàu đã vào vùng sâu, vùng xa nhưng thương lái mua cầm chừng, giá lúa giống OM 6967 không những không tăng mà còn giảm 50 đồng/kg so với mức giá bán ra cuối tuần trước.
Một số DN cho biết sau gần một tháng mua, kho trữ của DN gần đầy, vốn lưu động cũng cạn nên mua chậm lại. Tương tự, tại một số huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu... nông dân vẫn chưa bán được lúa do thương lái ngại mua vì chi phí vận chuyển cao.
H.T.DŨNG - K.TÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận