23/09/2011 02:30 GMT+7

Tiến sĩ mê... rác!

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

TT - Ngày 26-9, tên của tiến sĩ Nguyễn Như Sang (giảng viên Viện Môi trường và tài nguyên - ĐHQG TP.HCM) sẽ vinh dự được xướng lên trong lễ trao giải Nhà công nghệ sinh học trẻ châu Á 2011 của Hội Công nghệ sinh học Nhật Bản.

6cNpLgPn.jpgPhóng to

Nguyễn Như Sang (trái) và giáo sư Michihiko Ike trong buổi lễ tốt nghiệp của tiến sĩ Sang năm 2008 - Ảnh nhân vật cung cấp

Giải thưởng Nhà công nghệ sinh học trẻ châu Á của Hội Công nghệ sinh học Nhật Bản (SBJ) được trao hằng năm (bắt đầu từ năm 2002) nhằm khích lệ tinh thần nghiên cứu và tôn vinh những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ sinh học của những nhà khoa học trẻ châu Á ngoài Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành kỹ thuật môi trường (ĐH Bách khoa TP.HCM) năm 1995, Nguyễn Như Sang về công tác ở Viện Môi trường và tài nguyên. Năm 2005, Sang trúng tuyển học bổng tiến sĩ của Bộ Giáo dục trước khi bắt đầu ba năm “vật lộn” với đề tài “Ổn định nhanh chất thải rắn và giám sát vi sinh vật trong mô hình bãi rác” tại Trường ĐH Osaka (Nhật Bản) với sự hướng dẫn của giáo sư Michihiko Ike.

Sang bảo rác thải và nước thải là “nghề của mình”, vì đề tài cao học vào năm 2001 của anh là “Nghiên cứu xử lý nước thải ngành thuộc da TP.HCM”.

Nghiên cứu về ô nhiễm ở các bãi rác luôn là đam mê hàng đầu của tiến sĩ Sang từ khi còn là chàng sinh viên Bình Thuận vào TP.HCM học, cho đến bây giờ - sau 16 năm gắn bó với Viện Môi trường và tài nguyên. Hướng nghiên cứu của tiến sĩ Sang là làm sao sử dụng các vi sinh vật để phân hủy nhanh chất thải ở các bãi rác.

Khi làm luận án tiến sĩ ở Nhật, mỗi lúc vào phòng thí nghiệm, chỉ vô tình nói chuyện hay một cái hắt hơi nhẹ cũng làm cho công sức của cả một ngày trở thành công cốc vì các mẫu phẩm đã bị nhiễm bẩn, phải bắt đầu lại từ số không. Tiến sĩ Sang chia sẻ: “Nhiều lúc thấy cũng nản, nhưng đã là nghề ruột của mình rồi thì sống chết gì cũng phải theo”.

Sang cho biết giáo sư Michihiko Ike - người hướng dẫn Sang thực hiện đề tài - có lúc đã hoài nghi, liệu Sang có thể lấy được tấm bằng tiến sĩ trong thời gian ba năm. Nhưng những nỗ lực của Sang đã cho giáo sư câu trả lời.

“Mỗi ngày anh ấy ở trong phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến tận nửa đêm và từng bước tiến bộ rất nhiều. Sang là con người của nỗ lực”, giáo sư Michihiko Ike nhận xét về Sang. Suốt thời gian ở Nhật, các bãi rác ở đây cũng là nơi lui tới... yêu thích của anh chàng người Việt.

Và “con người của nỗ lực” ấy đã được đền đáp xứng đáng! Năm 2008, Nguyễn Như Sang đã hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ với kết quả xuất sắc, cùng với bốn bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học nổi tiếng.

Trong đó, bài viết “Ảnh hưởng của cung cấp khí gián đoạn và liên tục đến sự ổn định và sự phát triển vi sinh vật trong mô hình bãi rác” trên tạp chí Journal of Bioscience and Bioengineering số tháng 10-2009 đã mang về cho Sang giải thưởng Nhà công nghệ sinh học trẻ châu Á 2011.

Đánh giá cao nghiên cứu và tinh thần làm việc của tiến sĩ Sang, giáo sư Michihiko Ike đã bí mật đề cử anh với Hội Công nghệ sinh học Nhật Bản cho giải thưởng này.

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên