PGS.TS Lê Anh Vinh dạy toán cho các học sinh tiểu học - Ảnh: Nam Trần |
“Trẻ giải được một bài toán hay, toán khó, thể hiện bản thân tốt hơn chính các em đã phải ghi nhận là thành tích rồi, chứ không phải chỉ chăm chăm so sánh với người này, người kia. Tôi luôn tâm niệm phải làm sao để trẻ ham học bắt nguồn từ tình yêu toán học, chứ không phải vì điểm số”. |
“Những chiếc khuy áo xinh này, chúng mình có thể phân loại thế nào?”. “Có màu xanh, đỏ, tím, vàng, thưa thầy”. “Có ba nhóm khuy chứ, khuy to, khuy bé và khuy vừa”. “Ơ, có khuy hai lỗ, khuy bốn lỗ, khuy không có lỗ”...
Những cánh tay nhỏ bé giơ lên đầy hào hứng. Những cô bé, cậu bé 5 tuổi đã bắt đầu bước vào buổi học về một khái niệm có vẻ cao siêu, trừu tượng “sơ đồ Venn” (Venn Diagram) một cách đơn giản như thế.
Dạy trẻ... nghĩ chậm lại
Cách dạy toán “học mà nhẹ như chơi, tưởng chơi mà học được bao nhiêu thứ”, đã được PGS.TS Lê Anh Vinh nhen lửa từ lý do khởi thủy rất đơn giản: muốn tổ chức một lớp học cho cô con gái nhỏ 5 tuổi Jenny và các bé cùng độ tuổi, khơi dậy và kích thích khả năng tư duy, niềm yêu thích toán học của trẻ.
Từ những mô hình dạy toán tiên tiến của nước Nga, Hoa Kỳ, Singapore..., PGS Vinh nghiền ngẫm nghiên cứu tìm ra phương pháp và tài liệu tốt nhất để “vận hành” cho các lớp học của câu lạc bộ “Học toán cùng Jenny”.
Cách thức học toán tư duy rất đặc biệt qua trò chơi, qua các câu chuyện, chỉ cho trẻ thấy những ứng dụng thực tế của toán trong đời sống từ phụ huynh này “mách nhỏ” đến phụ huynh kia đang “gây sốt” với nhiều gia đình Hà Nội có con ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.
Bùi Hiếu - người từng đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn toán - cũng vì hấp lực đặc biệt của cách dạy toán tư duy mà tự nguyện dành toàn bộ thời gian hai ngày nghỉ mỗi tuần để đứng lớp.
“Thú thật, ban đầu đơn giản mình chỉ là phụ huynh đưa đón con đi học. Nhưng ngồi nghe giảng cùng các con, xem cách khơi gợi tư duy trẻ của anh Vinh, niềm đam mê toán của dân chuyên toán như mình tự nhiên trỗi dậy. Học ngành không liên quan, làm việc ở một nơi không dính dáng gì đến chuyên môn sư phạm, nên mình đã phải mày mò cách dạy, cách học của những nước tiên tiến để được đồng hành cùng anh Vinh truyền dạy tình yêu toán đến các em nhỏ” - anh Hiếu tâm sự.
Còn với PGS Lê Anh Vinh, đưa toán đến trẻ bằng cách dạy mới mẻ, anh muốn “nhiều khi trẻ phải biết nghĩ chậm lại”.
“Trẻ con bây giờ nghĩ rất nhanh, người lớn đôi khi mặc định trẻ nhanh là thông minh. Nhưng nhiều em nhanh, giỏi hồi tiểu học, lên cấp II đã bớt giỏi đi, lên cấp III, rồi đại học lại càng hao hụt. Lối dạy theo kiểu rập khuôn dễ làm tư duy các em mòn đi.
Nhiều trẻ khi tôi đưa bài toán, nhìn thấy lạ là vội xua tay “em không làm được”, trong khi nếu quyết làm thì chỉ sau vài phút suy nghĩ là ra đáp án.
Nhiều trẻ khi được hỏi “trong các bài toán đã học, em thích bài nào?”, “có bài nào em không làm được mà cứ muốn làm mãi?”, chỉ lắc đầu “không làm được thì bỏ qua thôi”. Không thấy toán đẹp, toán hay thì làm sao thích được?” - PGS Vinh trăn trở.
Đến nay, mô hình câu lạc bộ toán học mà PGS Vinh khởi xướng đang được đưa vào triển khai tại một trường tiểu học chất lượng cao, đồng thời còn được tích hợp với chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT để triển khai áp dụng tại một trường tiểu học quốc tế ở Hà Nội.
“Từ thiết kế chương trình này, mình đang ấp ủ dự định xây dựng một bộ sách - không nhất thiết là sách giáo khoa - nhưng có thể giúp học sinh tham khảo để thấy yêu toán, say toán hơn” - PGS Vinh tâm sự.
Không chỉ “đem chuông đi đánh xứ người”
Trong lịch sử 40 năm Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic toán quốc tế IMO, PGS Lê Anh Vinh không chỉ ghi danh với tấm huy chương bạc thời còn là học sinh chuyên toán mà còn gắn bó và ghi dấu đậm nét ở vai trò huấn luyện viên đội tuyển toán Việt Nam.
Những người yêu toán không thể quên giai đoạn trầm của toán học Việt Nam tại các kỳ IMO vài năm trước. Từng liên tục đạt thành tích cao, có năm xếp hạng 3 trên 90 nước dự thi, nhưng đột ngột từ năm 2008, Việt Nam không còn “trụ hạng” trong tốp 10. Đỉnh điểm năm 2011, Việt Nam còn bị đẩy bật xuống tận hàng 31 trên 90 nước dự thi.
Một loạt giải pháp được đưa ra để vực dậy thành tích như Việt Nam đã từng có. Năm 2012, Việt Nam giành lại vị trí thứ 9. Đến năm 2013, khi PGS Lê Anh Vinh được giao đảm nhiệm vị trí phó đoàn Việt Nam tham dự kỳ IMO thứ 54, đội tuyển Việt Nam đã thắng lớn với 6/6 thí sinh tham dự đều đoạt huy chương, trong đó có ba huy chương vàng, đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 7/97 nước tham dự.
Từ thành tích của Việt Nam, người phụ trách đội tuyển Saudi Arabia đã ngỏ ý được sang Việt Nam học hỏi cách gây dựng phong trào học toán, đề nghị PGS Vinh hỗ trợ tham gia dẫn dắt đội tuyển toán của Saudi Arabia. Không chỉ dành tâm huyết cá nhân, PGS còn mời thêm nhiều “cao thủ” toán học của Việt Nam sang đào tạo cho học sinh Saudi Arabia. Đặc biệt, Saudi Arabia còn đưa học sinh giỏi sang tận Việt Nam để theo các buổi học đặc biệt do các thầy giáo Việt Nam đứng lớp.
Sau khoảng thời gian được giảng viên Việt Nam dẫn dắt, học sinh chuyên toán của Saudi Arabia đã bước vào nhiều cuộc thi quốc tế như Olympic toán vùng Vịnh, Olympic toán châu Á - Thái Bình Dương, Olympic toán vùng Balkan... với kết quả cao hơn các năm trước.
Năm 2015, cả đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia đều đạt thành tích ấn tượng tại IMO: Việt Nam đứng thứ 5 trong hơn 100 nước tham dự với 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, còn Saudi Arabia cũng có 1 huy chương bạc (là huy chương bạc thứ ba kể từ khi tham gia IMO) và 3 huy chương đồng.
Dạy trẻ là trách nhiệm khoa học
Nhìn lý lịch khoa học của PGS Vinh, nhiều người không lý giải nổi tại sao một người sở hữu bảng vàng thành tích hiếm có ấy lại đi dạy trẻ mầm non, lại có lựa chọn “có vẻ hơi lãng phí chất xám”.
22 tuổi tốt nghiệp ĐH New South Wales (Úc) với thành tích được xem là cao nhất trong suốt 15 năm của ĐH này với luận văn được đánh giá tương đương một luận án tiến sĩ, Lê Anh Vinh cùng lúc nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần của nhiều trường ĐH danh tiếng hàng đầu thế giới: MIT, Stanford, Yale, Harvard, Cambridge, Oxford... Lựa chọn cuối cùng của Vinh là ĐH Harvard (Mỹ) và sau đó nhận bằng tiến sĩ của trường này.
Nhiều cơ sở nghiên cứu uy tín trên thế giới chào mời vị tiến sĩ trẻ ở lại, Lê Anh Vinh cũng thử sức làm nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu toán - lý Erwin Schrodinger (Vienna, Áo), rồi giảng viên tại khoa toán ĐH Rochester (Hoa Kỳ)... Nhưng rồi điểm đến cuối cùng bất ngờ lại là một cơ sở đào tạo trong nước.
Năm 2011, Vinh trở về Việt Nam và công tác tại Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội. 30 tuổi, Vinh trở thành PGS trẻ nhất của Việt Nam năm 2013.
Cuối năm 2016, PGS Lê Anh Vinh được bổ nhiệm vị trí chủ nhiệm khoa sư phạm - một trong những khoa nòng cốt của Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.
Một giảng viên ĐH đi dạy trẻ mầm non đã kỳ lạ, đằng này là nhà khoa học có tới hơn 40 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín lại mày mò cách dạy toán cho trẻ từ 5-6 tuổi liệu có... không bình thường?
Đáp lại băn khoăn này, PGS Vinh chỉ cười hiền: “Tôi chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Nga. Tại sao nước Nga có nền giáo dục tốt? Đó là vì nhiều giáo sư, viện sĩ Nga trực tiếp dạy cho học sinh tiểu học, coi việc dạy trẻ con là trách nhiệm khoa học của mình”.
PGS Vinh cùng Trường ĐH Giáo dục nơi anh đang công tác đem những kỳ thi toán đại chúng từ các nước đưa về Việt Nam để tất cả học sinh đều có thể tham gia, chứ không chỉ giới hạn cho những học sinh phải “vượt vũ môn” đủ vòng tuyển chọn mới có cơ hội thử sức.
Không phải toán đỉnh cao để ghi giành thành tích quốc gia, kỳ thi toán quốc tế giữa các thành phố dành cho học sinh THCS và THPT, kỳ thi đánh giá năng lực tư duy toán quốc tế IMAS và kỳ thi toán quốc tế Kangaroo dành cho học sinh tiểu học và THCS... đã thu hút hàng nghìn thí sinh ở khắp mọi miền đất nước tham gia với niềm hứng khởi chưa từng có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận