05/01/2019 12:42 GMT+7

“Tiến ở đây một năm cũng được...”

HÀ THANH thực hiện
HÀ THANH thực hiện

TTO - Daniel Hoài Nguyễn, 30 tuổi, sinh ra tại California, Mỹ, nói thích được gọi bằng tên Việt Nam là Tiến. Anh đang làm dự án giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế.

“Tiến ở đây một năm cũng được...” - Ảnh 1.

Về Việt Nam, anh lựa chọn đến với bà con dân tộc vùng núi phía Bắc - Ảnh: NVCC

Sinh ra tại California, Mỹ, Daniel lại nói thích được gọi bằng tên Việt Nam là Tiến. Một năm trước, Tiến xin lỗi và từ chối phỏng vấn vì "nói tiếng Việt chưa sõi". 

Sau ba năm sống ở Việt Nam, nay anh tự tin trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt về dự án giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế.

"Tôi đang xây dựng chuỗi sản phẩm của bà con nông dân ở miền núi, tìm cách vận chuyển xuống Hà Nội chế biến, đóng bao bì và đưa ra thị trường. Từ 6h sáng, nhiều khi đến 23h đêm cứ làm việc thôi, không bao giờ nghỉ. Tôi còn trẻ, khi còn có sức thì nên chiến đấu để đạt được công việc nhất định", Tiến chia sẻ.

Thương lái mua 4.000, tôi mua 15.000 đồng/kg

* Quay về Việt Nam là bắt tay ngay vào công việc, lộ trình của bạn là gì?

- Năm 2012, lần đầu tiên tôi được mời về Việt Nam tư vấn định hướng phát triển bền vững cho ĐBSCL, việc chính là làm sao tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nông dân. Từ câu chuyện đó, tôi bắt đầu xây dựng mạng lưới quan hệ với các giáo sư, các trường đại học, cơ quan nhà nước, sinh viên, nông dân... để hiểu hơn về bối cảnh Việt Nam. Khi có hiểu biết đầy đủ, năm 2014 tôi quyết định quay về Việt Nam.

* Dự án của Tiến giúp đỡ bà con dân tộc ở vùng núi phía Bắc còn khó khăn. Vì sao những nơi đó thu hút bạn đến vậy?

- Tôi chọn đến vùng sâu vùng xa, đến với bà con dân tộc vì từ bé tôi thích đi núi, đi rừng. Cũng từ trải nghiệm của bản thân, tôi có cảm giác gần gũi và tình cảm hơn với đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi có công ty mẹ ở Singapore, ở Mỹ, "đẻ" ra công ty, quỹ đầu tư ở Việt Nam. Bà con canh tác trên nương rẫy để có ngũ cốc, lương thực, thảo quả, hạt, kể cả dệt vải. Tôi xây dựng thương hiệu, phân phối ra thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay các sản phẩm tôi đang tập trung vào là đồ uống có cồn, rượu Tây, rượu dân tộc, sản phẩm vải thô và phát triển du lịch cộng đồng cho người dân tộc.

Tôi giúp bà con thành lập hợp tác xã ở hai huyện Si Ma Cai, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thu mua ngô, thóc, thảo mộc, gia vị... tùy theo mùa. Thương lái thu mua ngô với giá 4.000 đồng/kg, tôi mua 15.000 đồng/kg. Thay vì bà con phải đoán giá, có được giá hay không, tôi cam kết với bà con đây là giá sản phẩm, bà con không phải lo nữa. Bây giờ bà con không bỏ mình để chạy đi với các thương lái nữa. Ở Việt Nam tình cảm là trên hết, để có đủ tình cảm làm việc với bà con đến mức này cũng mất rất nhiều thời gian. Lên ở đó tôi hay bị mắng vì có thói quen xin phép: "Tiến ở đây tầm bốn đêm được không?". Bà con quát lại: "Chú ở đây một năm cũng được, tôi không bao giờ lấy tiền".

* Bạn có gặp khó khăn gì khi làm việc ở Việt Nam?

- Có (cười lớn). Nói thật, quy định nhà nước nhiều khi chưa rõ ràng, không rõ ràng thì luôn dẫn đến có "phức tạp". Phải rõ ràng mới giúp tiến lên. Tôi sẽ đưa ra sản phẩm rượu Tây làm từ nguyên liệu vùng núi để đưa ra thế giới. Tôi cũng muốn hoàn thiện sản phẩm rượu dân tộc Dao Đỏ làm từ nguyên liệu thóc. Tôi cũng mong được hợp tác với Bảo tàng Dân tộc học và nhiều nơi khác làm gian trưng bày, dữ liệu hóa tất cả thông tin về truyền thống văn hóa của bà con dân tộc một số vùng.

Mất đi ngôn ngữ là mất đi nguồn gốc

* Ở tuổi của Tiến, nhiều bạn trẻ Việt Nam đi du học và chọn định cư luôn ở nước ngoài. Bạn đã sống ở Mỹ nhưng chọn quay về với cội nguồn của mình. Có khi nào bạn cảm thấy hối hận về quyết định đó?

- Tôi không bao giờ hối hận. Mình không phát triển quê hương của mình thì ai là người làm điều đó? Dù tôi không phải là người sinh ra ở đây, nhưng tôi thấy ở đây có rất nhiều tiềm năng, bạn trẻ rất ham học hỏi, bà con rất chịu khó. Tôi là người Việt Nam mất gốc, thực ra sinh ra ở bên kia thì không có gốc đâu đúng không? (cười). Đó là điều tôi thấy tiếc. Các bạn trẻ Việt Nam nhanh, ham học hỏi, nhiệt tình, tôi chỉ khuyên các bạn cân nhắc một điều: là người Việt Nam, sang nước ngoài thì người nước ngoài luôn nhìn mình là người Việt Nam, không bao giờ nhìn mình là người Tây hết.

Tôi thấy các bạn Việt Nam còn trẻ mà không đánh vần tiếng Việt chuẩn, sai chính tả, nói tiếng Anh còn sõi hơn tiếng Việt. Tôi cũng rất khó chịu khi nhiều bạn cứ chê Việt Nam thế này thế khác. Các bạn phải tự tin về con người, văn hóa của mình trước đã, có như thế mình mới tự tin để đối thoại với người nước ngoài.

* Tôi thấy Tiến đối thoại với người Việt rất sõi. Bạn học tiếng Việt như thế nào?

- Quá trình học tiếng Việt của tôi khá dài. Tôi học tiếng Việt từ nhiều năm trước nhưng đều thất bại hết, lần này có thể nói tương đối thành công. Năm 2012, có một bạn du học sinh là người Hà Nội sang Mỹ làm đề án tiến sĩ có làm việc với cơ quan tôi. Tôi dạy bạn ấy tiếng Anh, ngược lại bạn ấy dạy tôi tiếng Việt, từ đấy tôi cố gắng học hỏi hơn. Tôi phải nắm bắt dấu của tiếng Việt, ngữ pháp cơ bản, nhờ dịch đối thoại hằng ngày, mở rộng chủ đề phức tạp hơn như chính trị, xã hội... để dần mở rộng vốn từ. Tôi cũng học qua phim, nhạc, đọc báo chí, nghe đài truyền hình Việt Nam. Một yếu tố rất lớn là vì đam mê, tôi nói đây là điều giúp mình tìm hiểu hơn, kết nối với cội nguồn hơn. Muốn như thế tôi phải nắm bắt được ngôn ngữ của mình, mất đi ngôn ngữ là mất đi nguồn gốc của mình.

* Đến hôm nay, bạn có thấy hạnh phúc với quyết định của mình?

- Tôi rất hạnh phúc với quyết định xin visa 5 năm. Tôi cũng muốn nhập quốc tịch. Tôi hay đi cùng với đồng bào dân tộc thiểu số nên rất thích. Nếu được mang quốc tịch Việt Nam là điều tôi cảm thấy tự hào.

* Nếu một ngày ở nơi rẻo cao, bà con dân tộc không còn nghèo nữa, khi đó Tiến cũng hoàn thành xong công việc của mình. Liệu bạn có tiếp tục ở lại Việt Nam không hay sẽ quay về Mỹ?

- Nếu không phải bà con ở vùng này thì có bà con vùng khác, không bà con vùng núi thì có bà con vùng biển. Tôi có một phần thích khám phá, nếu không làm việc với bà con tôi sẽ đi khám phá. Ở Việt Nam càng đi nhiều, tôi càng cảm thấy mình còn hiểu biết ít, có thêm một điều níu giữ mình ở Việt Nam.

HÀ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên