25/09/2012 12:09 GMT+7

Tiền nào cũng từ túi người hâm mộ

TS TRẦN ĐĂNG TUẤN
TS TRẦN ĐĂNG TUẤN

TT - Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn hiện là tổng giám đốc Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Ông Tuấn đã nhiều năm là phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN (VTV) và trực tiếp phụ trách việc đàm phán mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế và quốc gia châu Âu.

Vai trò của đài truyền hình quốc gia hết sức quan trọng trong việc kềm giá bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế...

Kỳ cuối:

TT - Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn hiện là tổng giám đốc Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Ông Tuấn đã nhiều năm là phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN (VTV) và trực tiếp phụ trách việc đàm phán mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế và quốc gia châu Âu.

Kỳ 1:

Tuổi Trẻ phỏng vấn ông với tư cách một chuyên gia giàu kinh nghiệm về thị trường truyền hình trả tiền, xoay quanh câu chuyện giá bản quyền truyền hình bóng đá tăng chóng mặt...

Vai trò quan trọng của VTV

* Theo ông, nên bắt đầu từ đâu và động thái cụ thể nhất có thể làm ngay là gì để ngăn chặn tình trạng giá bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế tăng chóng mặt?

- Trước hết, phải xác định là không có nhiều đài có nhu cầu tham gia cuộc chơi mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế như ngoại hạng Anh hay World Cup hoặc Euro. Đài nhỏ lại càng không. Vậy thì cuộc chơi này chỉ liên quan đến vài đài lớn như VTV, hai đài HTV (Hà Nội và TP.HCM), VTC, các đơn vị pay TV (truyền hình trả tiền) của các đài này hoặc có cổ phần của các đài này, các doanh nghiệp làm pay TV khác, trong đó có AVG. Do vậy mọi cái bắt đầu từ chính mấy đơn vị lớn này.

* Nếu VTV, với 80% thị phần (thông qua hai đơn vị kinh doanh pay TV mà họ có vốn chi phối là VCTV và SCTV) vẫn không muốn ngồi lại cùng các đơn vị kinh doanh pay TV  khác bàn bạc và đàm phán với đối tác nước ngoài để mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế với mức giá hợp lý hơn, liệu các đơn vị còn lại có thể liên kết với nhau để tự đàm phán được không?

"Đâu có thiếu giải pháp, đâu có thiếu cách làm, nếu cơ quan quản lý và các đơn vị truyền hình chủ chốt ở VN có quyết tâm đoàn kết một lòng để đồng tiền làm ra ở VN không bị phí phạm"

TS TRẦN ĐĂNG TUẤN

- Tôi không muốn tin là lãnh đạo VTV sẽ nghĩ theo hướng đó. Thật ra VTV là đơn vị đầu tiên từng khởi xướng việc liên kết với các đài khác nhằm chống lại sự ép giá của người bán bản quyền. Trước đây, khi còn làm ở VTV, chính tôi là người thay mặt VTV ký với HTV của TP.HCM một bản thỏa thuận với tất cả các giải thể thao lớn của thế giới, hai bên không mua riêng rẽ mà chỉ VTV mua và HTV sẽ chia sẻ lại nếu có nhu cầu (khi đó chỉ có VTV và HTV thật sự có khả năng mua bản quyền giải quốc tế lớn). Sau khi có cuộc nâng giá World Cup 2006 do FPT nhảy vào cuộc, VTV đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị có cơ chế để VTV hoặc một đài khác thay mặt các đài truyền hình mua bản quyền truyền hình World Cup. Và Thủ tướng đã chấp thuận.

Nếu VTV kiên quyết đi theo hướng đó, tình hình sẽ khác, đương nhiên khác. Vấn đề là giờ đây các đơn vị pay TV cạnh tranh nhau, nên muốn phát triển thuê bao dựa vào “hàng độc”, VTV nếu giữ ngọn cờ đầu đàn thì phải hướng kinh doanh của K+ hay bất cứ đơn vị nào khác mình đang sở hữu cổ phần áp đảo hoặc ngang bằng đi theo hướng hợp tác với các đơn vị pay TV khác vì lợi ích chung của người xem và cũng vì lợi ích của chính mình. Tôi tin là VTV sẽ chứng tỏ vai trò của mình.

Không thiếu giải pháp

* Trước mắt, theo ông, cách thức mua bản quyền Giải ngoại hạng Anh khả dĩ có thể chấp nhận được cho tất cả các bên là gì?

- Cho đến nay, ở VN chưa có đài truyền hình tư nhân. Các đơn vị kinh doanh pay TV dù là tư nhân, liên doanh với nước ngoài... đều không có quyền tự phát cái gì cả. Các đài nhà nước mới quyết định. Và sẽ là vô lý nếu với cơ chế như vậy mà các đài VN vẫn lao vào cuộc chiến với nhau để phía nước ngoài ép giá. Nếu các đài truyền hình trong nước liên kết lại (và cũng là mấy đài lớn thôi), cử một đài đại diện mua bản quyền rồi chia sẻ với nhau, thì dẫu thua trong đấu thầu, đấu giá, phải mua lại của ai thì kẻ bán cũng làm sao ép giá được! Cơ quan quản lý nhà nước không chỉ đạo việc kinh doanh của công ty, nhưng hoàn toàn có thể chỉ đạo các đài truyền hình nhà nước để tránh thiệt hại.

Người xem truyền hình VN muốn được xem giải bóng đá Anh, nhưng người xem cũng không muốn chứng kiến sự đấu đá của gà cùng mẹ. Tôi tin điều này, vì chính tôi là người được thay mặt VTV kiên quyết từ chối bóng đá Anh trong một mùa bóng khi công ty giữ bản quyền có dấu hiệu ép về các điều kiện. Hai tháng đầu mùa người hâm mộ không được xem bóng đá Anh trên VTV. VTV đã nói công khai trên báo chí về lý do VTV không nhượng bộ. Tôi nhớ chính trên báo Tuổi Trẻ đã đăng các ý kiến khán giả gửi về ủng hộ lập trường của VTV. Sau đó chính đối tác lại phải chạy theo nài nỉ VTV để bán bản quyền.

* Nếu được quyền đề xuất và tổ chức một chiến lược mua bán bản quyền cùng các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, chiến lược của ông sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ ai đó, có thể ở VTV, có thể ở hội truyền hình trả tiền, hoặc là Bộ Thông tin - truyền thông... sẽ là người có tư cách và sức nặng để nói về chiến lược này. Và họ nên lên tiếng. Tôi tin họ sẽ có ý kiến. Còn về cá nhân tôi, tôi nghĩ đâu có thiếu giải pháp, đâu có thiếu cách làm, nếu cơ quan quản lý và các đơn vị truyền hình chủ chốt ở VN có quyết tâm đoàn kết một lòng để đồng tiền làm ra ở VN không bị phí phạm. Tiền của đơn vị nào, đài nào, xét cho cùng không lấy từ túi người xem thì lấy ở đâu? AVG, nơi tôi đang làm việc, đang soạn thảo một đề xuất với các đơn vị pay TV và các cơ quan quản lý những lựa chọn để hợp tác mua bản quyền. Nhưng đó là đề xuất của công ty, không phải của cá nhân tôi.

THU HÀ thực hiện

* Ông VŨ QUANG HUY (phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC):

“Không điều tiết, còn phức tạp”

Gần ba năm qua, vấn đề bản quyền truyền hình thể thao đã thật sự lên đến đỉnh điểm của sự điên rồ. Với VTC, chúng tôi đã xác định sẽ không lao theo cơn điên loạn của bản quyền truyền hình nữa. VTC tự tin với năng lực của mình sẽ cạnh tranh với các đài còn lại bằng chất xám trong mỗi chương trình để thu hút người xem. VTC cũng không bỏ tiền để mua bản quyền truyền hình các giải đấu bằng mọi giá, chỉ mua nếu giá cả hợp lý và theo nhu cầu thực tế của đài.

Vấn đề bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh đang nóng trở lại khi ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh bắt đầu phát hồ sơ mời thầu cho ba mùa 2013-2016. Hiện nay các đài rất mong muốn cơ quan quản lý nhà nước quyết liệt để đưa ra thiết chế cho vấn đề bản quyền truyền hình thể thao. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước phải được thể hiện nếu muốn lập lại trật tự trong vấn đề bản quyền, không để tiền của Nhà nước, nhân dân chảy vào túi người ngoài. Nếu cơ quan quản lý nhà nước đứng ngoài cuộc chơi này, trong tương lai tôi khẳng định sẽ có thêm Z+, L+... xuất hiện. Giới làm truyền hình hiện nay đều biết hai tập đoàn rất hùng mạnh trong nước chuẩn bị ra đời kênh truyền hình và chắc chắn khi ra đời thể thao sẽ là hướng ưu tiên để họ quảng bá thương hiệu, tăng số lượng thuê bao. Và ai cũng nhìn thấy cứ mỗi khi có một đài truyền hình mới xuất hiện tại VN, giá bản quyền truyền hình lại tăng theo cấp số nhân. Do vậy, nếu không có bàn tay Nhà nước điều tiết thì chắc chắn việc mua bán bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh 2013-2016 sẽ vô cùng phức tạp.

K.XUÂN ghi

* Ông LƯU VŨ HẢI (cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình & thông tin điện tử):

“Không thể dùng mệnh lệnh hành chính...”

Hai năm trước, sau những lùm xùm về chuyện K+ độc quyền gói chủ nhật Giải ngoại hạng Anh và phản ứng gay gắt của các đài, nhất là của công luận về việc giá bản quyền bị đẩy lên quá cao, chúng tôi đã rất cố gắng để các bên ngồi lại được với nhau, bàn phương thức mua bán và phân phối sao cho hợp lý nhất.

Cũng vì tính đến phương án “đường dài” cho việc mua bán bản quyền truyền hình nói chung, mà Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã được thành lập với hi vọng sẽ là một đầu mối đàm phán mua bán bản quyền có lợi nhất cho ngành truyền hình và cho chi phí xã hội nói chung. Nhưng thật đáng buồn là vai trò của Hiệp hội Truyền hình trả tiền quá mờ nhạt, không có động thái gì để vận động phối hợp các đơn vị thành viên hiệp hội tham gia công cuộc này.

Rất nhiều người cũng sốt ruột, hỏi sao Cục Quản lý phát thanh truyền hình & thông tin điện tử không có biện pháp gì để buộc các đài truyền hình không được phép “xé lẻ”, “đi đêm” tranh mua với giá cao, để bán lại cho người xem VN với giá trên trời, trong khi mặt bằng sống của nước ta còn khá thấp. Nhưng thật sự hoạt động mua bán bản quyền là hoạt động kinh doanh, nó đã chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại, Luật bản quyền, Luật sở hữu trí tuệ... và theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Vì thế, cục và bộ cũng chỉ có thể khuyến cáo các đài không nên lao vào cuộc đua giá cả và trông chờ vào tinh thần hợp tác, xây dựng và chia sẻ giữa các đài. Hơn nữa, thẳng thắn mà nói, vẫn chỉ có thể hi vọng vào tinh thần phối hợp của VTV mà thôi. Vì hiện tại, bằng nhiều pháp nhân khác nhau: VCTV, VSTV, SCTV (tất cả đều có cổ phần chi phối của VTV), VTV vừa là đài truyền hình quốc gia có diện phủ sóng rộng lớn, vừa có thị phần truyền hình trả tiền chiếm đến 80%. Hiện tại, chỉ cần VCTV và VSTV bắt tay nhau đại diện cho các đài VN đứng ra đàm phán thẳng với ban tổ chức giải ngoại hạng, chắc chắn giá bản quyền sẽ không thể cao vô lý như đã diễn ra.

TH.H. ghi

TS TRẦN ĐĂNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên