Tại VN, về căn bệnh này có ba điểm “xấu”: tốc độ phát triển đái tháo đường nhanh nhất thế giới, bệnh nhân đái tháo đường đang “trẻ hóa” và nhận thức cộng đồng về căn bệnh thế kỷ này còn khá thấp. Đáng lưu ý là tiền đái tháo đường, trung gian giữa bình thường và bệnh lý nặng, từ ngữ y học là người “nhiều nguy cơ” đã tăng từ 7,7% lên đến 12,8%, hãn hữu có địa phương tiền đái tháo đường lên đến 20% dân số trong thời gian gần đây.
Ai cần và tầm soát đái tháo đường như thế nào?
Giai đoạn tiền đái tháo đường hầu như diễn tiến âm thầm không có triệu chứng, chỉ phát hiện được qua các xét nghiệm sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hội Nghiên cứu đái tháo đường châu Âu (EASD) đều đưa ra khuyến cáo những người có nguy cơ cần kiểm tra tầm soát mỗi sáu tháng/lần.
Nếu rơi vào một trong chín lý do sau cần đi tầm soát đái tháo đường gồm: (1) chỉ số khối cơ thể BMI ≥ 23 kg/m2, (2) ít vận động, già, (3) gia đình trực hệ (ba, mẹ, anh chị em ruột) bị đái tháo đường, (4) sinh con nặng từ 4kg trở lên hoặc bị đái tháo đường, thai kỳ, (5) tăng huyết áp, (6) béo phì/rối loạn lipid (mỡ) máu, (7) có vòng eo bụng lớn (nam ≥ 90cm, nữ ≥ 80cm), (8) phụ nữ bị buồng trứng đa nang, (9) tiền căn có bệnh mạch vành.
Tháo ngòi “bom” tiền đái tháo đường
Giai đoạn tiền đái tháo đường kéo dài âm thầm nhiều năm mới trở thành bệnh đái tháo đường thật sự. Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc, dài hơi cho thấy: tiền đái tháo đường nếu được chỉnh lý kịp thời, cơ may trở lại người bình thường rất cao và khả năng kéo dài thời gian trước phát bệnh rất lớn.
Thật ra, việc tháo ngòi quả “bom” tiền đái tháo đường này lại vô cùng dễ dàng, đơn giản và ai cũng thực hiện được: điều chỉnh lối sống bằng cách theo đúng chế độ ăn và chế độ vận động.
* Chế độ ăn gồm bảy quy tắc: (1) tỉ lệ 15% chất đạm, 35% chất béo, 50% chất đường bột (tinh bột), (2) ngưng (cấm) thức ăn, nước uống có đường ngọt (sugary carbohydrate), (3) chất bột nên chia nhỏ vào ba bữa ăn, (4) giảm thức ăn chứa nhiều chất béo động vật, (5) nên ăn cá 2-3 lần trong tuần, (6) hạn chế tối đa rượu, bia và (7) ăn thêm các thức ăn có các chất xơ như rau, củ, trái cây “không ngọt”...
* Chế độ vận động theo nguyên tắc: (1) luyện tập dần dần và thích hợp, (2) không ráng tập quá sức hoặc tập thể lực khi đang có bệnh cấp tính, (3) chế độ tập luyện khác nhau tùy theo người, (4) cần duy trì nhẹ nhàng, vừa sức nhưng ổn định có thời khóa biểu hợp lý cho công việc và tuổi tác.
Cuối cùng, cần tư vấn thêm bác sĩ chuyên khoa để có được những lời khuyên thích hợp cho từng cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận