"Để đấng trên cho em sống vì người muốn nghe phần kết bản nhạc ấy". Còn về phần Josef Mysliveček, ông bảo rằng mình soạn nhạc cả đêm.
Bây giờ, chúng ta chỉ biết Mozart. Phần lớn không còn nhớ Mysliveček là ai nữa.
Nhưng khi cuộc chuyện trò này diễn ra trong phim tiểu sử về nhà soạn nhạc người Czech thế kỷ 18 Mysliveček, Il Boemo (đạo diễn Petr Václav) đang chiếu trong Liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam (từ ngày 14 đến 28-11) thì Mozart mới chỉ là một cậu bé có tài năng thiên bẩm, còn Mysliveček đã là một nhà soạn nhạc vang danh. Vương tôn hoàng tộc lúc đó còn đọc sai tên Mozart.
Không lâu trước đó, các nhà làm phim cũng lật lại cuộc đời về Chevalier - một nhà soạn nhạc cùng thời với Mozart, lúc sinh thời cũng rất mực thành công nhưng sau chìm vào quên lãng, rồi dựng nên một cuộc đọ sức giữa Chevalier trong đó Mozart cũng phải lép vế.
IL BOEMO (THE BOHEMIAN) - Trailer - European Film Festival 2023
Nhưng sự ganh ghét của Mozart với Chevalier chỉ đến từ trí tưởng tượng của giới điện ảnh. Còn lòng ngưỡng mộ của Mozart với Mysliveček được ghi nhận trong lịch sử.
Khác với Mozart là con nhà nòi, có cha là nhà soạn nhạc tiếng tăm ngay từ buổi đầu đã chịu khó lăng xê con trai, Mysliveček là con một ông chủ xưởng bột ở Prague.
Il Boemo không kể mấy về quá khứ của ông, ngay khi bước vào phim, ta đã thấy ông trên tư cách một giáo viên dạy nhạc. Chỉ mãi sau ta mới biết sơ qua về xuất thân của ông cũng như mối quan hệ căng thẳng với gia đình vì ông mải đeo đuổi âm nhạc.
Bộ phim tạo nên một thế giới rất nhiều vinh quang mà cũng thật lắm ê chề, thật nhiều lạc thú mà cũng không thiếu day dứt.
Trên sân khấu, âm nhạc thăng hoa; sau sân khấu, niềm khoái lạc và sự suy đồi của giới quý tộc lại chiếm đóng.
Còn giới nghệ sĩ sống bấp bênh giữa một bên là bờ nghệ thuật rực rỡ, một bên là mép của ô nhục.
Một danh ca opera có thể khinh mạn cả đức vua, nhưng vẫn bị tất cả coi thường như gái điếm. Đức vua thì vừa ngồi bô đi tiểu, vừa bàn âm nhạc, vừa nói chuyện dung tục gạ gẫm vị nhạc sư.
Tác phẩm chao qua chao lại giữa hai mảng màu: những buổi diễn nghệ thuật phim mang ánh vàng cam - lộng lẫy mà nhuốm màu u tối; những giây phút thường nhật phim lại mang sắc trắng xanh - lạnh lẽo nhưng cũng có phần yên ả.
Sự tương phản ấy cũng như cuộc đời của nhà soạn nhạc người Czech: được tung hô rồi bị gạt bỏ, hiến dâng tất cả cho âm nhạc để đổi lấy cái gì?
Đổi lấy những mối tình nồng nàn bất thành? Những cuộc phân ly mãi mãi? Đổi lấy căn bệnh lậu vì đời sống hỗn loạn? Hay đổi lấy danh vọng chốc lát và sự lãng quên trường thiên?
Những người thân từng ngăn cản Mysliveček đến với âm nhạc có khi tiếc nuối cho ông đã uổng một đời. Thế nhưng, người ta tìm tới âm nhạc có phải để được bất tử chăng?
Có lẽ cảnh đẹp nhất của Mysliveček chẳng phải là lúc ông khoẻ mạnh, làm chủ sân khấu như một vị thần.
Cảnh đẹp nhất của Mysliveček, mà cũng là cảnh đẹp nhất của âm nhạc trong phim, phải là khi gương mặt Mysliveček đã tan nát vì lậu, phải quấn băng và đeo mặt nạ như một quái nhân, ngồi trước cây harpsichord đệm đàn cho người bạn tri kỷ năm xưa.
Danh ca Caterina Gabrielli, lúc này cũng đã già, không còn theo kịp trào lưu âm nhạc, cũng chẳng còn dáng vẻ của một diva, bản aria Il Caro Mio (Người thương mến của tôi) ông viết riêng cho giọng bà.
Hai người bạn lọt thỏm trong cả căn phòng rộng lớn gần như trống không, cũng như cả cuộc đời sau rốt cũng chỉ là khoảng hư vô.
Vậy mà giữa trống trơn ấy vẫn có một điều gì sáng lên dịu dàng, như một giai điệu đẹp, một giọng hát hay, và một tình bạn cũ.
Có câu: Vinh hoa đông lưu thủy/ Vạn sự giai ba lan (Vinh hoa như nước chảy về đông/ Muôn sự xem như làn sóng gợn). Theo đuổi vinh hoa là lầm lạc. Người ta theo đến cùng với nghệ thuật cũng chỉ nên vì một khoảnh khắc tạm bợ thế này thôi.
Chính Mysliveček là người dẫn dắt Mozart tới truyền thống opera Ý.
Dấu ấn ấy còn vọng lại mãi trong cách Mozart viết những bản aria và overture, cả cách ông xây dựng nhân vật trong những vở opera của mình về sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận