GS Trần Văn Khê và con trai trưởng GS Trần Quang Hải hòa tấu tùy hứng đàn kìm và muỗng - Ảnh: D.K.THOA
Đã có lúc mọi người tưởng ông vượt qua được số phận trong ngày 29-12 khi ca sĩ Bạch Yến, vợ GS Trần Quang Hải, đính chính một thông tin trước đó nói rằng ông đã mất.
Nhưng rồi phép mầu đã không đến. Ở tuổi 78, ông về trời sau một hành trình nghệ thuật dài với nhiều say sưa, tâm huyết ngày 30-12 tại Paris (Pháp).
Nếu còn gì tiếc nuối ở ông đó hẳn là những dự án nghiên cứu, quảng bá văn hóa dân tộc, nhất là âm nhạc truyền thống của Việt Nam, những điều ông đã tận tâm săn sóc để tiếp nối di nguyện của cha - cố GS.TS Trần Văn Khê - vẫn còn dang dở.
Đặng Văn Khai Nguyên, người được GS Trần Quang Hải coi như "đệ tử chân truyền" của ông về đàn môi, đã lặng người khi nghe tin thầy mất. Chỉ vài ngày trước anh còn nhắn tin trò chuyện với thầy giống như bao lâu nay khi muốn báo cho thầy một thành công, kể một nỗi buồn, hay đôi khi chỉ là muốn biết thầy có khỏe không.
"Thầy là một người đặc biệt trong cuộc sống của tôi, vì trước đây tôi không nghĩ mình có thể tiếp cận với thế giới nghệ thuật nói chung, cũng như âm nhạc dân tộc nói riêng. Thầy đã nhiệt tình và đặt niềm tin vào tôi, truyền lửa và dẫn đường cho tôi vào môi trường nghệ thuật, giúp tôi nuôi dưỡng đam mê.
Cuộc sống của tôi, được biết và làm học trò của thầy là một niềm hạnh phúc" - Khai Nguyên chia sẻ.
Cộng đồng văn nghệ sĩ người gốc Việt tại Paris, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực cổ nhạc, dường như ai cũng biết nhau, quý nhau và luôn ủng hộ nhau khi chia sẻ một tâm huyết và sứ mệnh lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc.
Ca sĩ Hương Thanh, người được mệnh danh là "sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Âu châu", đã rất bất ngờ khi nghe tin người anh quý, người luôn coi chị như đứa em trong nhà đã ra đi sớm quá dù biết anh có vấn đề sức khỏe.
"Không biết bao giờ sẽ lại có một người như bác (Trần Văn) Khê hay anh (Trần Quang) Hải để nối tiếp con đường gìn giữ văn hóa Việt Nam và giới thiệu ra thế giới" - chị nói.
Với những nghệ sĩ lứa sau như chị Trúc Tiên, người được bạn bè yêu mến gọi là "cô Kiều" mê đờn ca tài tử tại Paris, GS Trần Quang Hải là một tấm gương về lao động nghệ thuật và truyền cảm hứng để các đàn em như chị noi theo.
"Trúc Tiên rất kính anh Hải, một người luôn hết mình với âm nhạc cổ truyền Việt Nam, anh không những đã gìn giữ di sản nghệ thuật cha ông mình để lại, mà còn giới thiệu và quảng bá với các bạn nước ngoài. Anh đã đi khắp thế giới nghiên cứu nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau và tạo cho mình một nét đặc trưng riêng" - nghệ sĩ Trúc Tiên nói.
Hơn bốn mươi năm anh em biết nhau, chị Trúc Tiên không quên mỗi lần có dịp gặp, bao giờ GS Hải cũng nhắc và động viên chị: "Trúc Tiên cố gắng tiếp tục phát huy đờn ca tài tử ở Paris".
Người anh lớn đã ra đi, nhưng lời dặn đó sẽ còn ở lại với chị.
Hoàn thành tâm nguyện của cha
Tháng 5-2014, lần đầu tiên sau 36 năm, hai cha con GS Trần Văn Khê và GS Trần Quang Hải đã có một buổi hòa đàn với nhau tại tư gia của GS Khê ở TP.HCM.
Tiếp nối những đóng góp to lớn của cha, ông Hải đã tham gia xây dựng hồ sơ của Việt Nam trình lên UNESCO để 4 loại hình nghệ thuật truyền thống là ca trù, quan họ Bắc Ninh, hát xoan, đờn ca tài tử trở thành các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2002 GS Trần Quang Hải được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những đóng góp trong nghiên cứu âm nhạc. Người ta gọi ông là "vua muỗng" vì ông có tài gõ muỗng (thìa) thành nhạc có một không hai.
Ông là nghệ sĩ đàn môi bậc thầy của thế giới, từng tham gia biểu diễn trong không ít sự kiện âm nhạc quốc tế. Ông cũng là thầy của khoảng 8.000 học trò trên bảy mươi quốc gia.
Ông cũng là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất đã trình diễn trên 3.000 buổi giới thiệu nhạc Việt tại 65 quốc gia từ năm 1966.
Người truyền cảm hứng đầy tâm huyết
Có thể nói nếu như cuộc đời GS.TS Trần Văn Khê được ví như "dòng suối chảy ra biển rồi ngược về nguồn, đã đậm đà vị mặn nhưng không hề bớt trong lành" (Văn Khê có nghĩa là một con suối đẹp, trong lành và thanh khiết), thì GS Trần Quang Hải được xem như một mạch nguồn tiếp nối trọn vẹn nét tài hoa, sự uyên bác, khoa học, là một hành giả chân chính đưa tinh hoa văn hóa âm nhạc dân tộc vươn ra biển lớn và làm rạng danh nước Việt, như chính tên của thầy - "Quang Hải".
GS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến chụp ảnh cùng Tổng thống Pháp Jacques Chirac năm 2002 - Ảnh: Blog Trần Quang Hải 1944
Còn nhớ tháng 8-2021, chúng tôi có duyên may được tham gia ban tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu về giáo sư Trần Văn Khê và âm nhạc truyền thống dân tộc", nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Khê. May mắn hơn, chúng tôi được giao lưu trực tuyến, học tập từ GS Trần Quang Hải (với tư cách là giám khảo chính của cuộc thi).
Lúc bấy giờ ông đang bệnh, nhưng chúng tôi không hay biết, bởi chất giọng hào sảng và sự chân thành chia sẻ kiến thức âm nhạc dân tộc của ông luôn dâng trào, truyền cảm hứng một cách đầy nội lực, tâm huyết và hấp dẫn.
Được nghe ông chia sẻ, mới hiểu được, dù bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, ông cũng luôn tìm thấy niềm vui. Đó là người luôn tràn đầy năng lượng cuộc sống. Có được điều này một phần do thiên hướng. Nhưng để duy trì suối nguồn tình yêu cuộc sống, quê hương trong cả cuộc đời, cần phải có tri thức văn hóa và sự thấu hiểu.
Những câu chuyện ông chia sẻ có chiều sâu khoa học và sự sâu sắc, tinh tế... được gói ghém bởi nét giản dị, gần gũi.
Ở ông, sự dịu dàng, trìu mến luôn tỏa sáng.
Với tài năng được xây cất trên nền tảng triết học Đông - Tây, cái tình đậm đà, sắt son, thủy chung với đạo lý và văn hóa dân tộc, ông trở thành một "đại thụ" trong mảnh đất linh thiêng âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Tuy ông đã thong dong trời phương ngoại, nhưng tình thương đó luôn ở lại bên đời để thắp sáng những di sản văn hóa Việt. Trân quý và thành kính đưa tiễn ông.
Từ trái qua: GS Trần Văn Khê, GS Trần Quang Hải và NSƯT Hải Phượng - Ảnh: NVCC
Nguyễn Hiếu Tín (Đại học Tôn Đức Thắng)
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng: Người thầy dễ thương và phóng khoáng
Mẹ tôi, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, là học trò của thầy Trần Văn Khê nên thầy Trần Quang Hải biết gia đình chúng tôi từ hồi tôi mới sinh ra đời. Thầy Hải không dạy tôi nhưng vì mối thâm tình đó nên tôi có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với thầy.
Tính thầy rất cởi mở, rộng rãi, dễ thương và phóng khoáng. Chỉ cần mình muốn biết điều gì mà thuộc sở trường của thầy là thầy ngồi giảng giải cặn kẽ, từng li từng tí.
Ở Bảo tàng Musée de l'Homme của Pháp, thầy có một phòng để làm việc, nghiên cứu. Thầy đi về con đường đồng song thanh, còn nghiên cứu máy tách được 2 bè, rồi phát triển những máy móc chia giọng con người...
Mỗi khi về Việt Nam, thầy còn dành thời gian đến dạy gõ muỗng cho Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương. Tiếp bước con đường nghiên cứu âm nhạc dân tộc của GS.TS Trần Văn Khê nhưng thầy cũng có hướng riêng là sự kết hợp âm nhạc các nước, chơi theo lối tự do, ngẫu hứng, từ gõ muỗng đến đàn môi.
LINH ĐOAN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận