Đề phòng dịch bệnh mùa xuânDịch sởi trở lại do ngại tiêm chủng?Dịch sởi tiếp tục lan rộng
Đầu năm, nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì bệnh sởi - Ảnh: Dương Ngọc |
- Về mặt dịch tễ học, với đặc tính của bệnh sởi là lây lan nhanh, dễ dàng, thời gian gần đây khu vực có xảy ra lẻ tẻ các ca mắc sởi chứ không bùng phát thành ổ dịch lớn. Điều này cho thấy miễn dịch cộng đồng tốt, hoạt động tiêm ngừa sởi đạt hiệu quả. Tại VN, để phòng bệnh sởi, trẻ em được tiêm văcxin sởi lúc trẻ được 9 tháng và 18 tháng tuổi. Sởi cho miễn dịch bền vững và lâu dài, tuy nhiên tùy theo độ tuổi tiêm, với 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95-99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỉ lệ miễn dịch cộng đồng.
* Thưa PGS, việc tiêm ngừa sởi cho trẻ khu vực phía Nam vừa qua thế nào? Vì sao có trẻ tiêm đủ hai mũi vẫn bị sởi?
- Thời gian qua tỉ lệ tiêm văcxin sởi mũi 1 ở mức cao, tuy nhiên từ cuối năm 2013, nhiều tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng giảm. Thậm chí TP.HCM ở thời điểm tháng 11, 12-2013, tỉ lệ tiêm ngừa sởi chỉ bằng 50% so với các năm trước. Đặc biệt tỉ lệ tiêm văcxin mũi 2 ở TP.HCM rất thấp, chỉ đạt 37,3%, do đó làm gia tăng số người cảm nhiễm với sởi. Đây là chỉ số cảnh báo lỗ hổng về miễn dịch cộng đồng. Khi lỗ hổng này hình thành và càng lớn, cộng với việc giao thông đi lại thuận lợi sẽ kéo theo việc lây lan sởi do bệnh có đặc tính lây lan rất nhanh và mạnh. Nhìn trên bình diện cộng đồng và thực tế, các ca mắc sởi thời gian qua ở khu vực phía Nam cho thấy 83,8% bệnh nhân bị sởi đều chưa tiêm văcxin ngừa sởi, 13,1% mới tiêm mũi 1 và 3,1% tiêm hai mũi.
Như trên đã nói, nếu tiêm hai mũi thì hiệu quả bảo vệ đạt 95-99%. Như vậy vẫn còn 1-5% trẻ không đáp ứng miễn dịch dù đã tiêm hai mũi. Như vậy nếu tỉ lệ tiêm chủng đạt khoảng 90% thì sau mũi 1, miễn dịch cộng đồng chỉ đạt 76,5% (85% x 90%). Vì vậy, cần phải tăng tỉ lệ tiêm chủng và tiêm đủ hai mũi để đảm bảo miễn dịch cho cộng đồng trên 95% trong giai đoạn loại trừ sởi.
Từ cuối năm 2013, nhiều tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng giảm. Tại TP.HCM, thời điểm tháng 11 và 12-2013, tỉ lệ tiêm ngừa sởi chỉ bằng 50% so với các năm trước. Đặc biệt tỉ lệ tiêm văcxin mũi 2 ở TP.HCM rất thấp, chỉ đạt 37,3%. |
* Theo PGS, hệ thống y tế dự phòng cơ sở đã làm tốt việc vận động, tuyên truyền người dân đưa trẻ đi tiêm ngừa sởi chưa?
- Việc vận động tuyên truyền để tăng tỉ lệ tiêm chủng được thực hiện đồng bộ giữa ngành y tế, các tổ chức, đoàn thể, phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là nhận thức của người dân.
Trước tình hình trẻ tiêm sởi mũi 2 giảm mạnh, tôi cho rằng nhận thức của từng người mẹ đối với sức khỏe con mình rất quan trọng. Chúng ta phải khách quan nhìn nhận khi tiêm văcxin nói chung, từng cá thể có thể có rủi ro nhưng đối với cộng đồng thì tiêm văcxin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm (có văcxin dự phòng). Văcxin phòng bệnh là tiến bộ của khoa học mang lại lợi ích sức khỏe cho cộng đồng vô cùng to lớn, cần được phát huy và ứng dụng. Trước đây số ca mắc sởi tại VN lên đến hàng chục nghìn trường hợp mỗi năm, nhưng hiện nay rất nhỏ là nhờ có văcxin sởi. Tôi cho rằng khi dịch sởi xảy ra, không có vũ khí nào tốt nhất để bảo vệ trẻ bằng việc tiêm ngừa văcxin. Thực tế cho thấy nếu lơ là tiêm chủng, bệnh sởi (cũng như bệnh dịch khác) sẽ quay lại ngay.
* Thưa PGS, có nên đưa trẻ đi tiêm ngừa văcxin sởi khi đang có dịch hay không?
- Tiêm chủng không thể dập tắt ngay được dịch sởi nhưng giúp các đối tượng cảm nhiễm được bảo vệ miễn dịch trong thời gian gần cũng như lâu dài, không chỉ bảo vệ cho cá nhân mà còn cho cả cộng đồng. Do đó nếu trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm ngừa ngay. Có thể có cá thể nào đấy do đặc thù miễn dịch nên dù tiêm hai mũi vẫn bị sởi nhưng đây là số rất hạn hữu.
Cần lưu ý với trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa có chỉ định tiêm văcxin ngừa sởi, trẻ dưới 18 tháng tuổi sống trong vùng dịch hoặc vùng có nguy cơ cao, phụ huynh nên áp dụng biện pháp phòng bệnh truyền thống tốt nhất là cách ly trẻ khỏi nguồn lây nhiễm; không để trẻ tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi ngờ có bệnh trước lúc có biểu hiện lâm sàng (trước bốn ngày khi chưa phát ban và sau bốn ngày đã phát ban). Việc cách ly cần thực hiện trong hai tuần, hạn chế tiếp xúc tối đa. Không chỉ người có bệnh, đang mang mầm bệnh mà cả những người tiếp xúc với ca mắc sởi cũng phải tự cách ly, phòng bệnh cho người khác bằng việc đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nói chuyện gần (giữ khoảng cách tiếp xúc 1,2-1,5m) với người xung quanh trong vòng 14 ngày để dịch không lây lan rộng. Khi có các biểu hiện của sởi cũng như sống trong vùng có ca mắc sởi và yếu tố dịch tễ liên quan cần thông báo cho cơ sở y tế để được tư vấn, phòng và điều trị kịp thời không để biến chứng xảy ra. Ngoài ra, cần thực hiện việc rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho.
Tuy nhiên, đây là biện pháp trước mắt, lâu dài vẫn là tiêm chủng.
* PGS đánh giá thế nào về tình hình dịch sởi thời gian tới ở khu vực phía Nam?
- Dịch sởi tại VN trong thời gian qua diễn ra theo chu kỳ ba năm, hơn nữa cuối năm 2013, đầu năm 2014, khí hậu khu vực phía Nam có lạnh hơn, tạo điều kiện cho virút sởi phát triển. Do đó trước mắt có thể xảy ra các ổ dịch lẻ tẻ. Cần lưu ý con người là nguồn lây bệnh duy nhất và không có người lành mang trùng, nên xử lý ổ dịch triệt để là không còn nguồn bệnh. Tuy nhiên với tỉ lệ tiêm ngừa sởi, đặc biệt mũi 2 ở nhiều địa phương trong khu vực thấp như vừa qua đã tạo ra lỗ hổng miễn dịch cộng đồng với sởi. Nếu tỉ lệ này tiếp tục giảm sẽ làm gia tăng người cảm nhiễm với sởi và khi việc đi lại từ nước này sang nước khác, khu vực này sang khu vực khác ngày càng tăng và nhanh chóng thì nguồn bệnh khó kiểm soát, dịch bùng phát có thể xảy ra. Khi số lượng mắc sởi cao, chắc chắn vấn đề biến chứng sẽ xảy ra nhiều hơn, đặc biệt trên những đối tượng nguy cơ cao cũng như dễ biến chứng là trẻ dưới 5 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS, trẻ suy dinh dưỡng...
Do vậy, những người sống trong vùng dịch tễ lưu hành bệnh sởi, người có biểu hiện sốt cao, ho, chảy nước mũi, nước mắt, đỏ mắt... phải đến bác sĩ khám bệnh để phát hiện kịp thời, không để xảy ra các biến chứng.
* Xin cảm ơn PGS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận