15/08/2015 05:22 GMT+7

Tiếc cho Hoàng Quý Phước

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Kình ngư Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng) tiếp tục rơi vào những tháng ngày khó khăn khi đang dính chấn thương, phải hủy kế hoạch tập huấn tại Nhật Bản giữa chừng và chưa biết tương lai ra sao.

Ngày 11-8, sau khi kết thúc giải bơi vô địch thế giới tại Nga, Hoàng Quý Phước đã bay thẳng về Đà Nẵng và kết thúc sớm chương trình tập huấn tại Nhật Bản bốn tháng vì chấn thương lưng.

Bốn năm lận đận

Nổi tiếng trước Ánh Viên, Quý Phước từng được nhiều HLV, chuyên gia bơi lội kỳ vọng bởi ở anh quy tụ nhiều điểm mà chỉ có người “sinh ra để bơi” mới có được. Thế nhưng sự nghiệp của Quý Phước đã lận đận ngay khi anh vừa tỏa sáng.

Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010 ở Đà Nẵng, Quý Phước gây ấn tượng mạnh khi đoạt 9 HCV và phá 9 kỷ lục quốc gia. Một năm sau, tại SEA Games 26, Quý Phước tỏa sáng rực rỡ khi đoạt 2 HCV ở nội dung 100m tự do và 100m bướm. Trong đó, với thành tích 53 giây 07, Quý Phước phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 100m bướm và đạt chuẩn đến Olympic London 2012. Đây là kỳ tích lần đầu tiên trong lịch sử bơi lội VN đạt được. Ngoài ra, ở nội dung 100m bướm tại SEA Games 26, kình ngư Joseph Schooling (Singapore) năm đó đã bị Phước đánh bại.

Sau SEA Games 26, thấy được tiềm năng của Quý Phước, Tổng cục TDTT và TP Đà Nẵng đã thống nhất đưa Quý Phước sang Mỹ tập huấn vào đầu năm 2012. Cùng đi với Phước còn có bốn VĐV khác là Ánh Viên, Võ Thái Nguyên, Phạm Thành Nguyện, Nguyễn Thị Kim Tuyến. Nhưng ngay sau khi đến Mỹ với điều kiện tập huấn không tốt, mâu thuẫn nội bộ gay gắt giữa hai HLV dẫn quân đi lúc đó là HLV Đặng Anh Tuấn (HLV của Ánh Viên) và HLV Nguyễn Tấn Quảng (HLV của Quý Phước), Quý Phước đã phải rời Mỹ. Về VN, Quý Phước sau đó được đưa sang Trung Quốc tập huấn nhiều lần, lúc tập với chuyên gia Trung Quốc, khi với HLV của Úc, đầu năm 2015 Phước lại sang Nhật Bản.

Kết quả của quá trình thiếu nhất quán trong đầu tư cho Quý Phước đã khiến đỉnh cao của anh dừng lại. Cụ thể ở SEA Games 27, Quý Phước chỉ đoạt HCV nội dung 200m tự do nam với thành tích 1 phút 50 giây 64. SEA Games 28, Quý Phước tiếp tục đoạt HCV nội dung 200m tự do với thành tích 1 phút 48 giây 96 (phá kỷ lục SEA Games). Dù vậy, thành tích của Phước chỉ đóng khung ở đấu trường SEA Games và hi vọng vươn ra châu lục bị đóng sập.

Những cuộc “thí nghiệm” bất thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ của thể thao Đà Nẵng chua xót nói: “Chúng tôi quá thương Quý Phước và có cảm giác giờ Phước rất bơ vơ vì không biết ai là người có trách nhiệm cao nhất trong việc điều trị, đầu tư cho mình. Năm 2011, ở tuổi 18, Quý Phước là ngôi sao của bơi lội VN và Đông Nam Á. Với nhiều cuộc “thí nghiệm” địa điểm tập luyện, thí nghiệm HLV... giờ đây Phước thật sự đã tụt lùi”.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn thể thao VN ở nhiều đại hội, cho rằng những người có trách nhiệm của Tổng cục TDTT, thể thao Đà Nẵng đã để lỡ mất một tài năng hiếm có như Quý Phước. Ông Minh nói: “Tôi có thể khẳng định Quý Phước là tài năng hiếm có của bơi lội VN, hội đủ các yếu tố thể hình tốt, thể lực tốt, sải tay dài, ý chí vững vàng... Tài năng của Phước được bộc lộ cũng rất sớm ở cái tuổi 15-16, đã đóng góp rất lớn cho thể thao Đà Nẵng và bơi lội VN. Thế nhưng thất bại của Quý Phước hôm nay là do nhận thức của những nhà quản lý thể thao trung ương và địa phương thiếu thống nhất trong đầu tư cho VĐV. Thể thao đỉnh cao có một nguyên tắc quan trọng nhất là tính hệ thống. Quá trình huấn luyện của VĐV phải có hệ thống, nguyên tắc và sự kế tiếp lẫn nhau trong một kế hoạch dài hạn.

Giai đoạn Phước 18-22 tuổi là thời điểm vàng để đào tạo VĐV tài năng. Việc đổi địa điểm tập luyện, đổi HLV liên tục đã khiến mục tiêu phát triển tài năng của Quý Phước không đạt được. Có thể so sánh Quý Phước với Schooling. Nếu như năm 2011 Quý Phước còn vượt qua Schooling thì đến nay với sự đầu tư bài bản của Singapore, Schooling đã bỏ xa Quý Phước. Khi mà người ta không tin tưởng nhau, không tin tưởng vào khả năng của VĐV để quyết liệt đầu tư thì hệ quả là như vậy”.

Tương lai bất định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phúc Linh, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho rằng địa phương cũng rất khổ khi mỗi thời điểm lại phải đưa Quý Phước đến một nơi, tập với một HLV khác nhau. Ông Linh nói: “Địa phương chúng tôi không có các mối quan hệ quốc tế nên không biết địa điểm để đưa Quý Phước ra nước ngoài tập huấn, do đó phải dựa vào quan hệ của Tổng cục TDTT. Việc Quý Phước đi Nhật trong tám tháng vừa qua cũng do Tổng cục TDTT kết nối. Giờ Phước bị chấn thương, Đà Nẵng đã bàn với Tổng cục TDTT cho Phước về VN điều trị”.

Ngày 11-8, sau khi về Đà Nẵng, hiện Phước đang tập luyện tại Đà Nẵng cùng một quản lý người Nhật Bản. Trước đó ngày 5-8, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Tổng cục TDTT đưa Phước từ Nhật về VN trước thời hạn bốn tháng để điều trị chấn thương.

Nói với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “Chấn thương của Quý Phước có từ trước SEA Games 28, trong vài ngày tới Quý Phước sẽ được đưa ra Hà Nội để các bác sĩ tại Bệnh viện Thể thao VN khám và hội chẩn. Trước mắt phải điều trị dứt điểm chấn thương lưng của Quý Phước. Sau đó có thể đưa Quý Phước sang tập huấn tại Hungary. Việc đứt đoạn trong các kế hoạch đầu tư cho Quý Phước cũng là điều đáng tiếc đối với tài năng của anh”.

Chấn thương, thay đổi địa điểm tập luyện, thay HLV... chưa biết tương lai của Phước sẽ đi về đâu khi giờ anh đã 22 tuổi - cái tuổi không còn sớm với bơi lội.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên