
Ảnh do AI tạo
Phóng sự trên báo Ryukyu Shimpo (Okinawa) ngày 4-1-2025 về trường hợp thi đậu chứng chỉ hành nghề bác sĩ y khoa ở Slovakia sau 6 năm du học của tân bác sĩ Inafuku Yuki có viết: “Khoa y trong nước (Nhật) là cánh cửa hẹp, cần nhiều thời gian để học thi. Còn ở Đông Âu, độ khó khi vào khoa y thấp hơn so với Nhật”.
Trước khi đi du học, bác sĩ Inafuku là sinh viên năm 2 khoa y tá của một trường đại học công lập trong tỉnh nhà. Bài báo còn viết trường hợp này như một hình mẫu khai phá con đường cho các học sinh THPT có mơ ước làm bác sĩ nhưng không đủ sức cạnh tranh trong nước.
Những năm gần đây, hẳn bạn đọc báo Tuổi Trẻ từng biết đến bác sĩ Hattori Tadashi, vị bác sĩ nhãn khoa đến từ xứ sở hoa anh đào đã đem lại ánh sáng cho gần 20.000 người Việt Nam qua những chuyến khám chữa bệnh thiện nguyện. Bác sĩ vốn chọn ngành xã hội, nhưng đến năm ông học lớp 11, ba ông mất vì ung thư nên ông quyết chí đổi ngành học để thi vào y khoa.
Học tài thi phận, tuy được trung tâm luyện thi đánh giá khả năng đậu vào y khoa là 200% ngay năm thứ 2 thi lại qua kết quả thi thử, nhưng mãi 4 năm sau khi tốt nghiệp THPT ông mới đậu vào khoa y Đại học Y khoa tỉnh Kyoto (theo thông tin đăng trên trang Keio MCC ngày 31-7-2017).
Như vậy, chúng ta có thể thấy sức cạnh tranh của khoa y ở các trường đại học từ quốc lập đến tư lập Nhật Bản đều ở mức cao, đòi hỏi thí sinh không chỉ một sức học từ khá trở lên mà còn một tinh thần kiên trì, nỗ lực không ngừng.
Chiến thuật tăng tỉ lệ cạnh tranh để thành công
Theo số liệu thống kê trên trang web của Bộ Giáo dục Nhật Bản (Monbusho) về tình hình và kết quả thi đậu vào khoa y năm 2024, có 42 trường quốc lập, 8 trường công lập và 31 trường tư, tổng cộng 81/796 trường đại học ở Nhật có tuyển sinh bác sĩ y khoa. Mỗi trường chỉ tuyển khoảng 90~140 sinh viên cho các hình thức cả tiến cử, thông thường và đợt 2 (chỉ một số trường có tổ chức thi đợt 2).
Số lượng tuyển sinh có thay đổi tùy năm, và tùy vào nhu cầu của các địa phương trên cả nước.
Tỉ lệ cạnh tranh cũng theo đó mà thay đổi, nên thí sinh thường theo dõi cả điểm sàn của các trường, tự đánh giá khả năng của mình để tránh trường hợp bị “cắt chân (ashigiri)”, tức bị loại ngay vòng xét tuyển hồ sơ thông qua điểm của kỳ thi chung (tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực).
Hoặc cần biết tỉ lệ cạnh tranh ở đợt 2 có khi vọt lên đến 1:20, nhưng thực tế chỉ khoảng 1:9 do các thí sinh phải nộp đơn dự thi ngay từ khi chưa thi đợt 1 nên số thi đậu không phải thi nữa.
Tóm lại, tổng điểm kỳ thi chung của các thí sinh thi y phải từ 75% trở lên mới gọi là đủ sức cạnh tranh một chỗ… ngồi trong phòng thi cho vòng 2 sau đó. Và thậm chí 85% trở lên mới có tên trong danh sách thi đợt 2 nếu chẳng may trượt chân ở đợt 1.
Thi tiến cử, kỳ thi chung... ở Nhật là gì? Tìm hiểu thêm tại đây.
Hầu hết các thí sinh thi đại học ở Nhật đều tham gia các kỳ thi thử của các trung tâm luyện thi có hệ thống trên toàn quốc.
Từ học kỳ II năm lớp 12, gần như 2 tuần 1 lần, học sinh thi thử với thời gian biểu như kỳ thi chung để cơ thể làm quen với nhịp… thi, cũng như tập canh giờ cho từng môn thi.
Và quan trọng hơn cả là thông qua số liệu thống kê sau đó, học sinh tự đánh giá, xem xét lại khả năng của mình để cân nhắc trường nguyện vọng. Vì sau kỳ thi chung, thí sinh phải tập trung luyện thi cho trường mình muốn thi vào. Lúc này, xu hướng ra đề của các trường khác nhau hoàn toàn.
Các thí sinh phải tìm lại đề thi các năm trước để tham khảo và ôn thi.
Lúc này, “sách đỏ (akahon)” là không thể thiếu đối với các thí sinh. Đây là quyển sách đăng tải đề thi của 3 năm gần nhất, cùng các phân tích khuynh hướng, đối sách trước đề thi của trường đó.

“Sách đỏ” với đề thi 3 năm gần nhất cùng các phân tích khuynh hướng, đối sách trước đề thi của Trường đại học Ryukyu (Okinawa)
Kinh phí học ngành y ở Nhật là bao nhiêu?
Sau kỳ thi cam go với tỉ lệ chọi luôn ở hàng đầu trong kỳ thi tuyển sinh đại học như thế, thí sinh thi đậu sẽ nhận được giấy báo đậu và một loạt giấy tờ cần điền, và tiến hành một loạt thủ tục nhập học trong đó có bảo hiểm dành cho sinh viên khoa y, khai báo lịch sử tiêm chủng từ khi chào đời đến hiện tại, tiến hành xét nghiệm hiệu giá kháng thể (viêm gan B)...
Cũng xin được nhắc qua chi phí học tập của khoa y của các trường. Ở các trường quốc lập, công lập, học phí không khác với các khoa ngành khác nên khoảng 3.500.000 yen (khoảng 600 triệu đồng nếu tính theo tỉ giá 1 yen = 170 đồng) cho 6 năm học.
Còn học phí khoa y ở các trường tư thì dao động từ khoảng 20.000.000 ~ 45.000.000 yen (khoảng 3,4 ~ 7,65 tỉ đồng). Trường tư nào càng dễ vào thì học phí càng cao. Đương nhiên con số trên chưa tính đến các chi phí khác như mua sách vở, dụng cụ học tập, sinh hoạt ngoại khóa, bảo hiểm...
Đương nhiên, áp lực học y không chỉ dừng lại ở kỳ thi tuyển sinh. Áp lực này kéo dài ít nhất 6 năm cho đến khi thi đậu kỳ thi quốc gia để trở thành bác sĩ chính thức. Vì vậy, dù có lọt qua khe cửa hẹp tuyển sinh, các thí sinh chỉ mới gọi là đứng vào vạch xuất phát.
Mách bạn 2 quyển sách sinh viên y khoa Nhật phải đọc khi vào năm nhất
Trong buổi định hướng đầu năm dành cho các tân sinh viên đậu suất tiến cử khoa y trường Ryukyu, giáo sư bác sĩ phụ trách đã nhấn mạnh mục tiêu đào tạo của khoa là đào tạo những “bác sĩ tốt (good doctor)”. Chữ “tốt” ở đây không dừng ở tay nghề giỏi mà còn là tốt trong giao tiếp với bệnh nhân, tốt trong tinh thần cống hiến vì cộng đồng với tư cách một bác sĩ.
Và dù chưa làm lễ nhập học, tân sinh viên khoa y Trường đại học Quốc lập Ryukyu phải viết 2 bài tiểu luận sau khi đọc Peak: Giải mã bí mật của những thiên tài của Anders Ericsson & Robert Pool và Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl.
Giáo sư phụ trách khuyến khích sinh viên đọc cả bản tiếng Anh và so sánh với bản dịch tiếng Nhật. Cả hai tác phẩm này đều đã được dịch và phát hành tại Việt Nam.

Cuốn "Peak: Giải mã bí mật của những thiên tài" bản phát hành Việt Nam - Ảnh: Alpha Books
Peak: Giải mã bí mật của những thiên tài (tựa sách tiếng Nhật là Chou ichiryuu ni naru no wa sainou ka doryoku ka? - Trở thành người tài giỏi hàng đầu, tài năng hay nỗ lực?) cho ta biết những thành tựu mà các thiên tài đạt được đều xuất phát từ sự kiên trì luyện tập, tận dụng khả năng thích nghi của não bộ và cơ thể.
Anders Ericsson là giáo sư tâm lý học đại học Florida, còn Robert Pool cũng là một chuyên gia nghiên cứu tâm lý học. Hai nhà khoa học này đã dành suốt 30 năm để nghiên cứu và chứng minh rằng những người bình thường cũng có thể khai thác tiềm năng to lớn của chính mình bằng việc nghiêm túc dành thời gian cho lĩnh vực mà mình đã chọn, để trở thành những người tài giỏi.

Cuốn sách "Đi tìm lẽ sống" của tác giả Viktor Frankl - Ảnh: First News
Còn Đi tìm lẽ sống bản tiếng Nhật có tựa Yoru to Kiri (Đêm đen và Sương mù, xuất phát từ “Lệnh Đêm đen và Sương mù”, một chỉ thị do Hitler đưa ra năm 1941 nhắm vào các nhà hoạt động chính trị, những người giúp đỡ kháng chiến ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bởi Đức quốc xã trong chiến tranh Thế giới thứ II) được trang Amazon quảng bá là “được nhiều trường đại học chọn làm sách đọc chủ đề cho sinh viên”. Sách chiếm vị trí thứ ba cuốn sách nổi tiếng “muốn gửi đến bạn đọc thế kỷ XXI” trong cuộc khảo sát bạn đọc năm 2000 của báo Yomiuri.
Đây là quyển sách được tác giả hoàn thiện trong vỏn vẹn 9 ngày, sau khi chiến tranh kết thúc.
Đi tìm lẽ sống được xuất bản lần đầu vào năm 1946 bằng tiếng Đức, cho đến năm 2022 đã được bán ra 16 triệu bản và được dịch sang 52 ngôn ngữ.
Đi tìm lẽ sống gồm 2 phần với “Những trải nghiệm trong trại tập trung” mô tả quá trình diễn biến tâm lý của chính tác giả và bạn bè trong trại tập trung của Đức quốc xã, nửa sau là “Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa” với triết lý ai tìm được lý do để tồn tại thì sẽ chịu đựng được nghịch cảnh tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận