24/10/2022 08:42 GMT+7

Tỉ giá USD tăng tác động đến thị trường chứng khoán ra sao?

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch kém tích cực, khi chỉ số VN-Index bị giảm hơn 42 điểm (-4%), tạm thời lùi về mốc 1.019 điểm. Dòng tiền của nhà đầu tư ngoại đang chảy ra khỏi chứng khoán.

Tỉ giá USD tăng tác động đến thị trường chứng khoán ra sao? - Ảnh 1.

Khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt trong một tuần nay - Ảnh: B.MAI

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch với kết quả kém tích cực, khi chỉ số VN-Index bị giảm tổng cộng hơn 42 điểm (-4%), tạm thời lùi về mốc 1.019 điểm.

Khối ngoại bán ròng

Không chỉ chỉ số chứng khoán bị sụt giảm, thanh khoản giao dịch cũng lao dốc mạnh. Chỉ riêng trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE), nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu bán ròng 128 tỉ đồng trong tuần qua, sau khi mua ròng hơn 2.640 tỉ đồng trong tuần giao dịch trước đó.

"Việc tỉ giá căng thẳng đã khiến khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, kéo các chỉ số chứng khoán giảm điểm sâu", ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VNDirect - nhận định.

Theo ông Hinh, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nới biên độ dao động tỉ giá từ +/-3% lên +/-5%, song áp lực tỉ giá vẫn khá cao. Cụ thể, tỉ giá USD/VND tự do đã vượt mốc 25.000 đồng/USD trong khi tỉ giá ngân hàng cũng vượt mốc 24.700 - 24.800 đồng.

"Nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước. Trong trường hợp xấu hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế", bộ phận phân tích của VNDirect cho biết.

Tuy nhiên, với năm 2023, phía VNDirect kỳ vọng áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể, bởi các yếu tố như VND sẽ tăng giá 1-2% so với USD trong năm 2023 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa" và có khả năng giảm nhẹ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm.

VND vẫn ít mất giá so với nhiều đồng tiền khác

Có kinh nghiệm hơn 20 năm trong việc tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập kiêm giám đốc Công ty cổ phần FIDT - cho rằng việc tỉ giá bán USD trong hệ thống ngân hàng như được "cởi trói" (nới biên độ dao động) đã khiến các nhà đầu tư tính đến chuyện đồng VND mất giá và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Ông Tuấn cho biết khi FED bắt đầu nâng lãi suất đã gây sức ép lên lãi suất và tỉ giá toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều bên phân tích đều nhận định đồng USD là nơi trú ẩn an toàn duy nhất nên nhu cầu giữ USD gia tăng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra khi tỉ giá tăng và lãi suất huy động VND đang cao có thể giúp "khuyến khích" dòng kiều hối đổ về nước vào cuối năm.

Theo ông Tuấn, việc tỉ giá gia tăng sẽ có mức tác động rất khác nhau giữa các nhóm ngành và theo từng doanh nghiệp, dựa vào đó nhà đầu tư chứng khoán có thể đưa ra quyết định phù hợp.

Cụ thể, các nhóm hưởng lợi xu hướng này gồm: nhóm xuất khẩu sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước (như cá tra, photpho, cao su, một số doanh nghiệp xuất khẩu khác), nhóm bất động sản khu công nghiệp (hưởng lợi từ giá cho thuê thường tính theo USD nhưng không quá lớn). Ngoài ra, các doanh nghiệp có số dư tiền gửi ngân hàng lớn (do xu hướng lãi suất tiếp tục tăng).

Đối lập, các nhóm có nợ vay bằng USD chiếm tỉ trọng cao, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, các nhóm dùng đòn bẩy vay nợ cao (do lãi suất đang tăng)… sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Tuấn lưu ý rằng đây là xu hướng chung, còn quyết định đầu tư cần phân tích vào từng doanh nghiệp cụ thể.

Gánh nặng nợ vay bằng USD

Theo dữ liệu từ Chứng khoán VNDirect, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đang có cơ cấu nợ vay bằng USD tương đối cao, chịu áp lực lỗ tỉ giá.

Đáng chú ý, phía VNDirect cho biết Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí và nhiệt điện Hải Phòng có dư nợ vay 100% bằng USD, với lần lượt hơn 3.900 tỉ đồng và hơn 1.540 tỉ đồng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng có dư nợ vay bằng USD khá lớn như Vietnam Airlines (hơn 21.810 tỉ đồng), Tổng công ty Phát điện 2 (hơn 12.660 tỉ đồng), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (hơn 2.770 tỉ đồng), Tập đoàn thủy sản Minh Phú (hơn 3.890 tỉ đồng), Nhiệt điện Quảng Ninh (hơn 1.140 tỉ đồng)…

Doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn, vì ngoài chịu tác động về tỉ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng đồng USD tăng lên do FED thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới Chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới

TTO - Phiên giao dịch 21-10 chứng kiến thị trường chứng khoán chìm trong 'chảo lửa' với 884 mã rớt giá. Chỉ số VN-Index giảm hơn 38 điểm (-3,65%), khiến Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên