18/12/2006 05:10 GMT+7

Thùy và Đỗ Mộc

PHẠM MÙI
PHẠM MÙI

TT - Tháng 4-1967, tôi cùng Thùy (Đặng Thùy Trâm), bác sĩ Phượng, y sĩ Phục được tổ chức phân công về công tác tại Quảng Ngãi. Đêm ấy, bốn chúng tôi treo võng nằm bên nhau trong một căn nhà hầm nhỏ ở cơ quan tổ chức tỉnh Quảng Ngãi để chờ phân công tác. Lúc bấy giờ, các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ngãi đóng quân trong một khu rừng già rộng lớn cách xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa) hơn một ngày đường dốc.

Kỳ 1.Đặng Thùy Trâm - chuyện ngoài nhật ký

MREnu88i.jpgPhóng to
Ảnh: Nguyễn Văn Giá
TT - Tháng 4-1967, tôi cùng Thùy (Đặng Thùy Trâm), bác sĩ Phượng, y sĩ Phục được tổ chức phân công về công tác tại Quảng Ngãi. Đêm ấy, bốn chúng tôi treo võng nằm bên nhau trong một căn nhà hầm nhỏ ở cơ quan tổ chức tỉnh Quảng Ngãi để chờ phân công tác. Lúc bấy giờ, các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ngãi đóng quân trong một khu rừng già rộng lớn cách xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa) hơn một ngày đường dốc.

Mỗi lá thư ép một chiếc lá trâm

Thế là tôi đã về lại Quảng Ngãi quê hương thân yêu của tôi sau bao năm trời xa cách. Còn Thùy sau bốn tháng vượt Trường Sơn với bao gian khổ, nay sắp được gặp anh Khương Thế Hưng, người yêu thiết tha của Thùy (anh Khương Thế Hưng là người mà trong nhật ký Thùy đã ghi ký hiệu M. thay cho bút hiệu Đỗ Mộc của anh).

Trên đường hành quân trong một đêm mưa, tôi và Thùy cùng anh Phục xung phong xuống dốc đá dựng đứng phải leo cả một giờ để đến suối nước nấu cơm cho đoàn. Đêm ấy, sau khi cõng được cơm lên giao anh em mỗi người hai phần ăn tối và sáng, tôi và Thùy giăng tăng, treo võng gần nhau, vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Sau đó cả tôi và Thùy đều khó ngủ. Tôi trằn trọc, chập chờn trong cảm giác kinh sợ khi cả ba chúng tôi leo xuống dốc đá dựng đứng trơn như bôi mỡ, chỉ cần sơ sẩy một tí là cả ba có thể rơi ngay xuống vực thẳm đen ngòm.

Cũng như tôi, Thùy cứ trở mình không ngủ được. Hồi lâu bỗng Thùy lên tiếng: “Mùi ơi! Sao không ngủ đi?”. Tôi nói: “Còn Thùy, sao cũng không ngủ?”. Thùy nói: “Thùy đang nhớ về người thân”. Nói xong Thùy lặng thinh. Trong đêm tối mông lung, qua giọng nói của Thùy, tôi hình dung gương mặt Thùy giàn giụa nước mắt. Tôi hỏi: “Có phải Thùy chưa quên được cảm giác đáng sợ khi chúng mình leo xuống dốc đá?”. Thùy nghẹn lời: “Thùy bỗng nhớ thương vô cùng những người thân yêu của Thùy. Tất cả sẽ khổ đau đến nhường nào nếu như…”.

Hai chúng tôi lặng đi khá lâu. Đêm ấy, tôi đã thức gần trọn đêm để nghe Thùy kể về những người thân yêu nhất của Thùy. Đầu tiên Thùy vừa khóc vừa kể rất nhiều về mẹ, về cha của Thùy rồi những đứa em gái. Sau cùng, dường như không thể giữ riêng cho mình được, rất dè dặt Thùy kể về mối tình đầu của Thùy.

Gia đình Thùy và gia đình anh Khương Thế Hưng (Đỗ Mộc) đều là những gia đình trí thức ở Hà Nội. Cha anh Khương Thế Hưng là nhà thơ nhiều người biết tiếng và yêu mến Khương Hữu Dụng - tác giả bài thơ dài nổi tiếng Kinh nhật tụng, là một bài kinh nằm lòng có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, đã từng giúp nhiều chiến sĩ cách mạng rèn luyện trau mình tu dưỡng đạo đức, phẩm chất cách mạng trong các nhà tù cũng như trong những tình cảnh thử thách khốc liệt, hoặc khi đương đầu với sự phức tạp giữa đời thường. Anh Hưng yêu Thùy từ khi Thùy còn đeo khăn quàng đỏ, cắp sách đến trường trung học phổ thông.

Anh Hưng là một chàng trai toàn diện: đẹp trai, giỏi thơ văn, đàn hát, thông minh, kiến thức rộng, nhạy cảm và quyết đoán. Yêu Thùy tha thiết, nhưng anh đã chia ly Thùy và bao người thân yêu để theo tiếng gọi Tổ quốc xốc balô, mang súng lên đường ra trận. Trong những năm chia xa người yêu, từ Hà Nội Thùy đã thường xuyên đều đặn gửi thư cho anh Hưng. Trong mỗi lá thư Thùy đều ép một chiếc lá trâm bỏ vào trong (vì Thùy là Trâm mà). Thùy nói với tôi rằng Thùy tin chắc lá thư nào đã đến được tay anh Hưng thì Hưng sẽ mãi mãi còn giữ đủ cả từng lá thư với những dòng chữ nhỏ xinh nắn nót đều đặn cùng từng chiếc lá trâm xinh đẹp của Thùy.

Mối tình của sự hi sinh

VZXzKRMJ.jpgPhóng to
Khương Thế Hưng (Đỗ Mộc) - Ký họa: ĐỨC NHUẬN (Phạm Mùi)
Đêm Trường Sơn ấy tôi cũng đã hình dung sau khi Thùy và Hưng gặp lại nhau, hai người sẽ vui mừng hân hoan hạnh phúc như thế nào. Và rồi từ sau đêm ấy, càng đi gần về tỉnh Quảng Ngãi nơi anh Hưng chiến đấu, tôi càng mừng cho Thùy. Thế nhưng cuộc chiến khốc liệt đã tạo ra một khoảng xa trong cuộc tình giữa Thùy và Hưng. Anh Hưng trước sau vẫn là một người yêu lý tưởng, xứng đáng nhất của Thùy cho dù anh đã ứng xử thế nào đối với Thùy kể từ khi hai người gặp lại nhau. Cho dù vô tình anh đã trao cho Thùy những nỗi buồn để rồi từ trang nhật ký của Thùy có không ít nước mắt xót xa hờn trách Thùy khóc cho tình yêu của mình.

Sau vài ngày chờ đợi, Thùy được phân công về phụ trách trạm xá Đức Phổ, tôi về làm cán bộ tuyên truyền ở ban tuyên huấn tỉnh. Ngay trước khi về Đức Phổ, Thùy đã liên hệ được với anh Hưng. Hai người đã gặp được nhau. Sau lần gặp gỡ ấy, Thùy đã tìm gặp tôi kể lại chuyện của hai người. Thùy cho tôi biết anh Hưng không còn phụ trách đội văn nghệ xung kích của tỉnh đội nữa, mà hiện là chính trị viên của tiểu đoàn đặc công 48 (tiểu đoàn được phong danh hiệu anh hùng).

Anh Hưng giờ đây gầy hẳn và rắn rỏi hơn thời còn ở Hà Nội rất nhiều. Ngay trong lần gặp lại đầu tiên sau bao nhiêu năm xa cách này, anh đã nói với Thùy rằng: “Thùy ơi, trong cuộc chiến đấu ác liệt này anh đã hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, giờ đây anh đâu còn có gì nữa để dành cho em. Hơn thế nữa, tình hình này chắc chắn anh sẽ hi sinh trước ngày toàn thắng. Từ đây, giữa đôi ta chỉ nên là tình bạn, tình anh em mà thôi”. Thùy kể lại rằng Thùy đã điếng người, chết lặng rất lâu trước người yêu. Thùy đã không tin những gì diễn ra lại là sự thật. Thùy đã khóc rất lâu khi kể lại với tôi: “Anh ấy khó khăn lắm mới nói ra được với Thùy những lời ấy. Những lời mà Thùy tin là anh ấy đã nung nấu từ lâu. Chính vì thế Thùy không còn biết phải nói gì với anh ấy nữa”.

Từ sau lần đó cho đến khi Thùy hi sinh, trong suốt ba năm, khó khăn lắm Thùy mới gặp được anh Hưng đôi lần. Nói đúng hơn, anh Hưng đã cố tình tránh không muốn Thùy gặp. Anh không muốn Thùy phải khổ bởi có một người yêu với hơn 20 vết thương trên người cùng một tương lai ngắn ngủi (lúc bấy giờ có khi vết thương trên đầu làm anh loạn trí ôm súng định bắn cả vào đồng đội). Anh không muốn chỉ nay mai Thùy sẽ chịu nỗi khổ đến tột cùng khi được tin anh hi sinh. Anh muốn Thùy có thể tự do tìm cho mình một hạnh phúc khác tràn đầy.

Ít lâu sau, tôi có tìm gặp anh Hưng, tôi trách anh đã ứng xử sai lầm với Thùy khiến Thùy đau khổ. Anh Hưng còn trầm tĩnh nói với tôi rằng: “Anh không còn cách nào khác hơn. Anh thực lòng chỉ muốn Thùy không phải có ngày quá đau khổ vì anh”. Tôi nói với anh rằng tôi không hiểu vì sao một người thông minh, nhạy cảm như anh lại có cách ứng xử sai lầm trong tình yêu như thế. Anh bắt đầu nổi nóng với tôi. Tôi đành im lặng ra về, biết rằng trong anh cũng rất đau đớn.

Một lần, trong thư gửi cho tôi, Thùy có ý nghi ngờ rằng anh Hưng có yêu cô T. - một cô gái xinh đẹp trước đây anh Hưng đã đưa từ cơ sở lên đào tạo thành diễn viên đội văn nghệ xung kích tỉnh đội, và đó có thể là nguyên nhân trắc trở trong cuộc tình giữa Thùy và anh. Tôi có tìm hiểu thì biết rõ rằng trong thời gian phụ trách đội văn nghệ, anh Hưng đã được các em diễn viên đặc biệt quí mến. Về tình cảm riêng tư của T. đối với anh tôi không rõ, nhưng anh chỉ một mực xem các em như những đứa em ruột thịt của mình. Tôi liền viết thư kể điều này cho Thùy nhưng hình như Thùy vẫn nửa tin nửa ngờ, cho rằng tôi bênh vực anh Hưng. Về điều này, đến nay qua thư của anh Hưng gửi anh Thanh Tuyền là diễn viên trong đội và cũng là người em kết nghĩa của anh Hưng (hiện anh Tuyền còn giữ thư này), sự thật về tình cảm của anh Hưng là đúng như tôi đã tìm hiểu lúc đó.

Có lần anh Hưng bị thương nằm bệnh viện quân y tỉnh, tôi đến thăm và thấy anh đang khắc tên anh và Thùy trên chiếc bật lửa Zippo. Sau đó, trên đường đi công tác về Đức Phổ, tôi có ghé trạm xá thăm Thùy và kể lại chuyện này cho Thùy nghe. Thùy làm bộ tỉnh rụi: “Chiếc máy lửa ấy, anh Đáo huyện đội trưởng có đưa cho Thùy xem rồi”. Tôi hỏi Thùy có nghĩ gì về điều này không, Thùy nói: “Không nghĩ gì cả”. Thế nhưng nhìn vào mắt Thùy, tôi biết lâu nay Thùy vẫn hiểu được tấm lòng cao cả cùng tình yêu sâu sắc của anh Hưng dành cho Thùy (câu chuyện này tôi đã thể hiện trong vở kịch nói về Thùy - Ngọn lửa tuổi 20 - mà tôi viết cho Đài truyền hình Quảng Ngãi).

Thùy và anh Hưng đã yêu nhau theo kiểu riêng của hai người. Tâm hồn lớn lao, tình yêu sâu nặng cùng với sự ứng xử vụng về lẽ thường vẫn có của một cuộc tình chân thật trong một bối cảnh khắc nghiệt của vận mệnh đất nước đã tạo dựng nên một cuộc tình cao đẹp. Một mối tình của sự hi sinh, tất cả vì nhau.

___________________

Vì ngưỡng mộ, yêu quí chị Trâm nên nhiều nữ cán bộ, y tá ở Đức Phổ ngày đó đều tự thêm chữ Thùy vào trước tên của mình. Đó là Nguyễn Thị Thùy Đáng (y tá Phổ Cường), Ngô Thị Thùy Trâm (chị nuôi đại đội 120), Nguyễn Thị Thùy Lẽ, Nguyễn Thị Thùy Ngôn... Bao nhiêu năm qua, hình ảnh bác sĩ Thùy Trâm vẫn còn in sâu.

Kỳ tới:Sống trong lòng Đức Phổ

PHẠM MÙI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên