27/10/2011 08:01 GMT+7

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Cần dừng dự án để giữ hiện trạng rừng

Đ.TUYÊN - H.MI - D.THANH
Đ.TUYÊN - H.MI - D.THANH

TT - Ngày 26-10, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo để đánh giá về những tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A đối với vùng hạ lưu và tỉnh Đồng Nai.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tất Độ - phó ban tổ chức tuyên giáo Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai - nói người dân trong tỉnh đặc biệt lo lắng về việc hai dự án sẽ lấy đi diện tích rừng lớn, làm nguồn nước bị suy giảm, giao thông đường thủy ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng xâm nhập mặn tăng cao, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng.

“Người dân mong muốn và kiến nghị cần phải giữ nguyên hiện trạng rừng như hiện nay” - ông Độ nói.

Dẫn chứng về việc các nước quan tâm tới việc ảnh hưởng của các dự án thủy điện vườn quốc gia Cát Tiên, ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn, nêu ví dụ: dự án thủy điện Đồng Nai 5 nằm cách xa vườn quốc gia Cát Tiên 1km, thế nhưng một số ngân hàng các nước trên thế giới đã từ chối cho vay để thực hiện dự án này.

Trong khi đó, dự án này nằm ngay trong vườn quốc gia Cát Tiên nhưng lại được chủ trương cho phép xây dựng. Điều này trái ngược với tự nhiên và đi ngược lại với xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới.

PGS.TS Lê Huy Bá, viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), cảnh báo các đập thủy điện đang bắt sông Đồng Nai sống trái với quy luật tự nhiên của nó. “Việc cho làm hai thủy điện này trong vườn quốc gia Cát Tiên sẽ là một tiền lệ xấu cho các vườn quốc gia khác”.

Kết thúc hội nghị, ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, kết luận qua phân tích đánh giá của các nhà khoa học và cơ quan quản lý, qua thực tế khảo sát trên địa bàn cho thấy hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân.

Ngoài ra dự án còn ảnh hưởng lớn đến vườn quốc gia Cát Tiên. Từ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét duyệt của UNESCO công nhận vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới.

* Thủy điện Sông Ba Hạ (xây dựng trên địa bàn hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) hoạt động từ tháng 6-2009, nhưng đến nay gần 200 hộ dân ở vùng tái định canh định cư vẫn chưa ổn định cuộc sống. Ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), công trình trạm bơm điện buôn Lé và cánh đồng lúa trên 40ha đến nay vẫn chưa thấy gì vì chưa thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

“Sự chậm trễ này khiến 86 hộ dân ở xã không có đất đai canh tác nhiều năm qua và phải tiếp tục đối mặt với khó khăn”- ông Nay Hiếp, chủ tịch UBND xã Krông Pa, nói.

Ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), hơn một năm sau khi thủy điện hoạt động, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ mới triển khai xây dựng cống tưới tự chảy Suối Trai và cánh đồng lúa 31,3ha tại thôn Thống Nhất để đền bù cho 98 hộ dân bị mất đất sản xuất. Thế nhưng đến nay người dân vẫn không chịu nhận ruộng, vì như ông Ma Niếu - người dân ở xã - giãi bày: “Cánh đồng đó không có đường sá gì, làm sao máy cày vô được, thu hoạch thì làm sao đưa lúa ra đường để chở về nhà. Phía thủy điện làm chưa xong mà cứ đòi giao ruộng thì mình làm sao sản xuất được?”.

Ông Đào Duy Linh - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa - cho biết: “Trong thiết kế của công trình không có hạng mục làm đường nội vùng, ruộng bậc thang cao, mặt ruộng không bằng phẳng...”.

Về công trình trạm bơm điện buôn Lé và cánh đồng lúa trên 40ha ở xã Krông Pa chậm triển khai, ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - chỉ đạo trong tháng 10-2011 các cơ quan chức năng, địa phương và Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ phải giải phóng mặt bằng xây dựng trạm bơm buôn Lé.

* Bình Định: kiểm tra việc khắc phục sai phạm

Ngày 26-10, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài nguyên - môi trường, UBND huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra hiện trường việc triển khai thực hiện khắc phục các tồn tại, sai phạm trong quá trình thi công xây dựng các dự án thủy điện Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 5 và Trà Xom (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh).

Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thủy điện khẩn trương thực hiện nghiêm túc việc khắc phục, hốt dọn đất đá, xây dựng kè chống xói lở tại các khu vực đã đổ chất thải hai bên sông Kôn; lập phương án đánh giá hiện trạng ảnh hưởng đến dòng chảy, khả năng tiêu thoát lũ, mức độ ảnh hưởng ngập lũ vùng thượng và hạ lưu... và các thiệt hại khác có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31-10.

* Đắk Nông: dân chê không nhận nhà

Ông Nguyễn Ngọc Thoại - chủ tịch UBND xã Đắk P’Lao, huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) - cho biết trên địa bàn xã tại khu B có 42 căn nhà tái định cư thuộc dự án thủy điện Đồng Nai 3 di dời dân đang bị bỏ hoang, xuống cấp hơn một năm nay. Nguyên nhân là vị trí xây dựng nhà không phù hợp với nguyện vọng của người dân, nhà nằm trên dốc quá cao, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng... nên những hộ dân dù đã bốc số nhà nhưng lại tự làm nhà sống tại khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, nơi nước không bị ngập.

Đ.TUYÊN - H.MI - D.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên