Tốt nghiệp Học viện Hải quân, Nguyễn Đức Vinh về công tác tại Lữ đoàn 679 (Vùng 1 Hải quân) - đơn vị tên lửa phòng thủ bờ biển. Là gương mặt trẻ tiêu biểu của lữ đoàn, thượng úy Nguyễn Đức Vinh hiện đảm nhận vị trí ngành trưởng trạm kỹ thuật của lữ đoàn.
Một 9X sáng tạo của lữ đoàn tên lửa
Gặp Vinh trong cái nắng cuối hè, gương mặt nhễ nhại mồ hôi đang miệt mài làm nhiệm vụ tại trạm kỹ thuật của lữ đoàn tên lửa này. Nhiều cán bộ ở trạm đều dạn dày kinh nghiệm, nhưng khi nhắc đến Vinh, ai cũng quý mến anh thượng úy trẻ tuổi chăm chỉ, cần mẫn và nhiệt thành trong công việc.
Vinh kể những ngày đầu mới về lữ đoàn có quá nhiều cái mới cần học. Cùng với kiến thức đã có, anh chọn cách học hỏi từ chỉ huy và các đồng đội. "Chính nhờ các chú các anh với kiến thức, kinh nghiệm dạn dày sau nhiều năm gắn bó đã chia sẻ, định hướng và giúp tôi nhanh chóng nắm bắt ngay các nhiệm vụ được giao", Vinh bày tỏ.
Nhưng làm sao để phát huy tối đa tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí, trang bị kỹ thuật trong quá trình làm chủ, khai thác và sử dụng luôn là điều trăn trở của anh lính mới.
Đi tìm trả lời cho thắc mắc ấy, anh đã đăng ký ba mô hình trong ba năm liền: Mô phỏng hoạt động của xe Kíp trong quá trình kiểm tra tên lửa, Thiết bị kiểm tra khối con quay hướng trên tên lửa P-28, Mô phỏng hoạt động của hệ thống tự lái trên tên lửa P-28M.
Ngoài kiến thức chuyên ngành, Vinh vận dụng kỹ thuật vi điều khiển, lập trình để nghiên cứu sâu hơn về cơ sở lý thuyết của bộ khí tài và nội dung cần thực hiện. Vinh nói khó nhất là tìm kiếm tài liệu nghiên cứu. Nhờ vốn tiếng Anh và Nga khá tốt nên Vinh tự đào sâu, tìm được một số tài liệu liên quan. Qua nhiều lần thử nghiệm và điều chỉnh, đến nay mô hình đã hoàn thiện, được ứng dụng tại lữ đoàn.
"Là người mày mò nghiên cứu, dĩ nhiên tôi rất tự hào khi mô hình được thủ trưởng, đồng chí, đồng đội ủng hộ đưa vào ứng dụng. Từ niềm vui này, tôi có động lực để tiếp tục đăng ký thực hiện các mô hình khác, xem như cách mình cùng đóng góp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị", Vinh nói.
Cống hiến sức trẻ
Anh chàng quê ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) khoe từ nhỏ đã mê mẩn những bộ phim về tên lửa, vũ khí, khí tài quân sự. Thời điểm dư luận sục sôi vụ giàn khoan HD-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Vinh đang là học sinh lớp 12 và đã tự hỏi chính mình làm gì để góp sức mình cho đất nước?
Gia đình không ai theo quân đội nhưng cha mẹ rất ủng hộ nguyện vọng xét tuyển vào Học viện Hải quân của con trai, cả một chút tự hào vì "con biết suy nghĩ chuyện lớn". Vinh dí dỏm bảo có lẽ chất "khoa học tự nhiên" được phát huy, vì khi vào học viện, anh bị thôi thúc tìm hiểu sâu về ngành tên lửa, vũ khí quân sự, trang bị kỹ thuật.
Chính môi trường kỷ luật quân ngũ đã rèn cho chàng trai đất cảng ấy sức dẻo dai, tính tự lập để Vinh luôn tìm cách học hỏi bất cứ khi nào có cơ hội, tích lũy kỹ năng mềm, phát huy sở trường bản thân.
Được phân công về công tác tại Lữ đoàn 679, Vinh luôn chọn cho mình thái độ chủ động ngay từ ngày đầu về đơn vị. Mỗi khi có kế hoạch huấn luyện, anh nhanh chóng nghiên cứu giáo trình, tìm hiểu tài liệu để nắm chắc nội dung huấn luyện rồi chủ động soạn thảo giáo án cụ thể, tỉ mỉ theo đúng hướng dẫn của cấp trên.
Điều này giúp anh nắm bắt kịp thời nội dung, cách tổ chức, phương pháp huấn luyện, rèn luyện, giúp anh luyện tập thuần thục giáo án, chuẩn bị đội mẫu, thao trường bãi tập để huấn luyện đạt hiệu quả cao nhất.
Khá bất ngờ khi vốn tiếng Anh và Nga hiện có do Vinh tranh thủ thời gian tự trau dồi khá nhiều. Khi đơn vị thành lập các câu lạc bộ ngoại ngữ cho cán bộ chiến sĩ, Vinh đăng ký tham gia ngay để rèn luyện, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho mình. "Tôi coi đó như nhiệm vụ vì vừa phục vụ cho công tác chuyên môn, tra cứu tài liệu nghiên cứu sâu vừa tăng khả năng giao tiếp, hội nhập quốc tế cho mình", Vinh bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận