20/12/2023 07:55 GMT+7

Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt

Ga Đà Lạt là di sản có tính biểu tượng nhưng nhiều năm liền hoạt động du lịch tại đây rất lặng lẽ. Gần đây, nhà ga trở thành điểm đến di sản điển hình.

Ga Đà Lạt cùng nhà thờ Chánh Tòa (Con Gà), Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Grand Lycée Yersin) đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt - Ảnh: YIRU

Ga Đà Lạt cùng nhà thờ Chánh Tòa (Con Gà), Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Grand Lycée Yersin) đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt - Ảnh: YIRU

Và âm nhạc đang mang đến một không khí mới trên chuyến tàu cổ từ Ga Đà Lạt. Đây là một trong những lý do khiến ga Đà Lạt sống lại.

Âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt

Ga Đà Lạt quản lý và vận hành tuyến đường sắt ngắn nhất Việt Nam, hiện chỉ 7km. Tuyến đường này phục vụ du khách di chuyển từ trung tâm Đà Lạt đi Trại Mát. Đây cũng là đoạn đường sắt duy nhất còn sót lại từ tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang Tháp Chàm - Đà Lạt năm xưa.

Âm nhạc đang mang đến không khí mới trên chuyến tàu cổ từ Ga Đà Lạt

Ga Đà Lạt cùng với nhà thờ Chánh Tòa (Con Gà), Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Grand Lycée Yersin) đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt. Công trình gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư người Pháp Moncet. Năm 1932, kiến trúc sư cùng đồng nghiệp Reveron đã thiết kế và thi công ga hỏa xa Đà Lạt. Sau 5 năm thi công (vào năm 1936), nhà ga hoàn thành.

Dấu ấn di sản đã giúp ga Đà Lạt trở thành một viên ngọc sáng làm nên chất liệu du lịch của TP Đà Lạt. Tuy nhiên, trong rất nhiều năm, ga Đà Lạt không được du khách đón nhận. Du khách chỉ đến nhìn nhìn, chụp vài ba kiểu ảnh rồi rời đi. 

Ông Nguyễn Võ Minh Chánh, trưởng ga Đà Lạt, cho biết: “Một đơn vị vận tải nhưng có thêm trách nhiệm bảo tồn di sản và khai thác du lịch trên nền di sản nên có nhiều thứ lúng túng, không trọn vẹn. Chưa kể du khách trước kia cũng không mặn mà với việc tham quan công trình di sản”.

Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 2.
Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 3.
Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 4.

Phục vụ âm nhạc trên toa tàu cổ trong suốt hành trình tham quan - Ảnh: M.V.

Cuối tháng 10-2023, UNESCO công nhận Đà Lạt là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc đã gợi cho ga Đà Lạt một cách làm du lịch mới: kết hợp âm nhạc và di sản để tạo thành một sản phẩm du lịch. 

"Chúng tôi quyết định mời các nhóm nhạc để hòa tấu trên tàu suốt hành trình của du khách. Mới đầu chúng tôi run lắm, nhưng nếu không thử nghiệm sẽ không biết được hiệu quả để tính toán tiếp. Du lịch Đà Lạt đang sôi động lại sau đại dịch, do đó ga Đà Lạt cũng phải chuyển đổi để tương xứng", ông Chánh kể.

Toa tàu cổ được bảo quản để phục vụ du khách nhiều năm qua - Ảnh: YIRU

Toa tàu cổ được bảo quản để phục vụ du khách nhiều năm qua - Ảnh: YIRU

Cả đội ngũ vận hành ga Đà Lạt không ngờ được rằng khi âm nhạc lên tiếng trên các toa tàu cổ, một không khí khác hẳn bao nhiêu năm qua mở ra. Du khách vỗ tay, nhảy theo điệu nhạc và hành trình của họ càng thêm thú vị. 

Ông Chánh cười: “Chúng tôi thực sự bất ngờ vì hiệu ứng này. Chúng tôi nghe họ kể chuyện về ga Đà Lạt sau khi rời ga, điều mà trước đây không có. Và nhiều ý tưởng khác chợt nảy ra”.

Chuyến tàu đặc biệt từ ga Đà Lạt có gì?

Suốt một ngày hoạt động, nhà ga này không lúc nào thiếu âm nhạc. Những tiết tấu trầm bổng, có lúc sôi động liên tục được tấu lên bởi 2 ban nhạc trên tàu và dưới sân ga. Sắp tới, ở cổng cũng sẽ có một ban nhạc biểu diễn để phục vụ riêng du khách đi lang thang đi ngang ga Đà Lạt.

Hoa hậu Ngọc Hân trong lần đến Đà Lạt mới đây đã chọn ga Đà Lạt để chụp những bộ ảnh quảng bá cho Đà Lạt. Ngọc Hân nói: “Ga Đà Lạt khác biệt hoàn toàn với không gian xung quanh. Ga được bảo tồn từng chi tiết nhỏ từ cổng cho đến những tấm kính màu trên nóc nhà ga. Nhà ga có sức gợi một cách kỳ lạ vì sự nguyên bản của công trình này”.

Nữ du khách Hàn Quốc Shim Kyung Won chia sẻ: “Trong lịch trình của du khách Hàn Quốc khi đến Việt Nam có ga Đà Lạt. Chúng tôi được giới thiệu rằng đó là một dấu ấn văn hóa đáng tìm hiểu. Và tôi rất thích nhà ga này”. 

Theo ghi nhận của ga Đà Lạt, trước khi tổ chức âm nhạc trên tàu và sau khi tổ chức, du khách tăng lên đột biến. Lượng khách đến ga Đà Lạt tăng khoảng 20% so với năm ngoái dù du lịch của đa số tỉnh thành thất thu.

Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 6.

Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 7.
Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 8.

Không gian ga Đà Lạt khác biệt hoàn toàn với xung quanh - Ảnh: YIRU

Những ngày cuối năm, Đà Lạt vào mùa du lịch, 18h sân ga Đà Lạt vẫn còn những đoàn xe chờ du khách còn mải mê chụp ảnh nhà ga được thắp sáng bằng đèn LED. Du khách Trần Nguyên (TP.HCM) nói: “Mình tới ga Đà Lạt một lần rồi, lần này vào tham quan tiếp vì thấy nhà ga được chiếu sáng làm tôn lên các đường nét kiến trúc”.

Để thu hút khách tham quan ban đêm trong thời gian tới, ga Đà Lạt dùng đèn led định vị để tôn lên các nét kiến trúc của công trình - Ảnh: M.V.

Để thu hút khách tham quan ban đêm trong thời gian tới, ga Đà Lạt dùng đèn led định vị để tôn lên các nét kiến trúc của công trình - Ảnh: M.V.

Ông Nguyễn Võ Minh Chánh cho biết: “Nhân kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt đặt ra câu chuyện phát triển kinh tế đêm. Chúng tôi cũng sẵn sàng để tham gia vào câu chuyện này. Việc tính toán các không gian để du khách có thể sử dụng dịch vụ du lịch của ga Đà Lạt đang được xây dựng với sự đốc thúc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn. Chúng tôi cố gắng để di sản ga Đà Lạt tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước”. 

Theo đó, ga Đà Lạt dự định sẽ có những chuyến tàu đặc biệt vào chiều tối. Trên tàu có âm nhạc và một bữa ăn kiểu Pháp hoặc một cái gì đó thật đặc biệt. Để đi chuyến tàu này, du khách sẽ phải đặt chỗ trước. Những chuyến tàu đặc biệt sẽ được tổ chức vào mùa nắng, lúc Đà Lạt có tiết trời đẹp và lạnh nhất.

Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 10.
Thưởng thức âm nhạc trên chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt- Ảnh 11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nối lại tuyến "đường sắt nối biển và hoa" Đà Lạt - Phan Rang Tháp Chàm - Ảnh: M.V.

Hồi sinh đường sắt nối biển và hoa

Trong chuyến làm việc tại Lâm Đồng cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến ga Đà Lạt. Kiểm tra một đoạn đường sắt răng cưa còn lại, Thủ tướng nói: “Cần thiết có thể khôi phục”.

Ông nhận định: "Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới".

Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá khứ chúng ta đã không giữ các đầu máy hơi nước, đường sắt răng cưa. Đó là một điều đáng tiếc. Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và các bộ ngành: "Cần thiết có thể khôi phục".

Cuối tháng 11-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định đối với dự án khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm. Phó thủ tướng đề nghị sẽ có rất nhiều khó khăn nhưng phải khắc phục để hình thành dự án và triển khai.

Kiểm tra đường sắt răng cưa, Thủ tướng nói: Kiểm tra đường sắt răng cưa, Thủ tướng nói: 'Cần thiết thì có thể khôi phục'

TTO - Trong chuyến làm việc tại Lâm Đồng liên quan đến phát triển vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến ga Đà Lạt. Kiểm tra một đoạn đường sắt răng cưa còn lại, Thủ tướng nói: “Cần thiết có thể khôi phục”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên