15/01/2023 10:50 GMT+7

Thưởng Tết bao nhiêu, sinh con chưa..., xin thôi những câu hỏi kém duyên

Tiền lương bao nhiêu? Thưởng Tết bao nhiêu? Bao giờ lập gia đình, sanh con cho ông bà? Đã chốt được công việc mới sau thời gian thất nghiệp chưa? Toàn câu hỏi "nghẹn họng" mà lại đúng mấy ngày Tết.

Ngán ngại những câu hỏi kém duyên - Ảnh 1.

Hãy để những ngày Tết trọn vẹn với niềm vui sum họp và chúc nhau bình an - Ảnh: Q.L.

Hôm rồi ngồi cà phê với đứa bạn dân văn phòng mà đồng cảm hết sức. Nó kể cuối năm công việc chồng chất, báo cáo xếp hàng dài mà đến đâu họ cũng hỏi chuyện lập gia đình. 

Không trả lời thì bất lịch sự, không tôn trọng họ, nhưng hỏi toàn câu kiểu ép buộc vậy lại khiến bản thân không thoải mái. 

Còn những kế hoạch riêng, nhiều việc phải lo toan, thiệt sự việc lập gia đình chưa có trong dự tính của nó. Rồi nó hỏi hà cớ gì nhăm nhe hỏi mấy chuyện đó vào mấy ngày Tết!

Nhớ lúc chưa lập gia đình, tôi cũng bị y chang, cũng áp lực nhất khi gặp nhau ngày Tết bị hỏi khi nào lấy chồng. Tôi từng stress, chán nản với những câu hỏi về chuyện tình cảm hay lương thưởng. 

Thậm chí, có người họ hàng xa của mình còn rất vô tư kiểu: Con gái học nhiều làm gì rồi cũng ở nhà nuôi con cả thôi, sao thưởng Tết của cháu ít thế, con bác được tận trăm triệu cơ...

Tôi làm giáo viên, thưởng Tết gần như không có, nếu có cũng thường chỉ chút ít tùy tình hình tài chính của địa phương. 

Mỗi khi nghe ai đó hỏi thưởng Tết, tôi thấy chột dạ, mủi lòng nên khi nghe những con số vài chục hay vài trăm triệu lại thấy tủi thân. Nên tôi rất sợ ai đó đề cập chuyện lương thưởng mỗi khi giáp mặt nhau mấy ngày Tết.

Như đứa em tôi sinh viên ngành y cũng không thoát. Gặp cái hỏi tìm được chỗ thực tập chưa, ra trường tính làm ở đâu, có định hướng tương lai chưa... 

Chúng tôi cũng biết những câu hỏi đó xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng của mọi người dành cho mình nhưng thật sự khiến bản thân không thoải mái, còn hoang mang hơn.

Dù có không ít áp lực cận Tết, người trẻ như tôi vẫn mong mỏi Tết để được sắm quần áo mới sau một năm làm việc vất vả, được tân trang bản thân và trên hết là đoàn tụ, quây quần bên gia đình. 

Tôi luôn xem Tết là điều rất đỗi thân thuộc và thiêng liêng. Ấy là khoảng thời gian nhìn lại năm cũ đã qua xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để "xốc" lại tinh thần, sẵn sàng chiến đấu ở năm tiếp theo.

Niềm tin, sự động viên và tiếp sức từ gia đình, bạn bè, họ hàng trong ngày về đón Tết chính là nguồn động lực lớn trong cuộc sống năm mới. Vậy nên, đừng vì những câu hỏi bâng quơ, những kỳ vọng so đo mà đánh mất niềm vui quý báu phút sum vầy của chính mình và cả những người mà ta thương yêu.

Yêu quý nhau bằng nụ cười, bằng những cái ôm, sự sẻ chia rất đời rất người nhưng cũng đừng tò mò làm mất sự riêng tư, nhất là những câu hỏi kém duyên!

Bạn có cảm thấy ức chế khi "được" hỏi thăm những câu "nhạy cảm" dịp Tết? Theo bạn, có cần phản ứng gay gắt không, hay lựa chọn cách ứng xử như thế nào để giữ hòa khí và có một cái Tết trọn vẹn?

Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên ứng xử trong những tình huống này về địa chỉ email hongtuoi@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và số điện thoại để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Ứng xử sao với câu "tra hỏi" lấy chồng chưa, lương nhiêu ngày Tết? Ứng xử sao với câu 'tra hỏi' lấy chồng chưa, lương nhiêu ngày Tết?

Động cơ của người hỏi cũng chỉ là sự tò mò, đâu có ác ý gì. Hơn nữa, cũng chỉ là chuyện phiếm. Chính cách suy diễn và ứng xử của chúng ta khiến mình cảm thấy bị áp lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên