Ông Hai Bé kể chuyện 27 năm trong nghề lơ đò - bạch lô
Trăm công ngàn việc đổ đầu bạch lô
Ở ấp An Ninh (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), ông Võ Văn Bé (Hai Bé, sinh năm 1957) là người có thâm niên 27 năm làm bạch lô cho đò Vĩnh Thuận.
Năm 1995, với kinh nghiệm đầy mình và tay nghề lái đò khách cứng cáp, ông Hai Bé thi lấy bằng thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa hạng ba, chấm dứt chuỗi ngày làm bạch lô đầy gian nan, vất vả.
Trong 27 năm, ông Hai Bé chủ yếu làm bạch lô trên các tuyến đường thủy Cái Bè - Vĩnh Long, Cái Bè - Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), Chợ Lách - Mỹ Tho (Tiền Giang), Cái Bè - Mỹ Tho.
Ông Hai Bé bây giờ đi đứng khá khó khăn vì bị bệnh thần kinh tọa. Nhắc những ngày làm bạch lô - lơ đò khách, ông Hai cười nói: "Hồi đó tui làm vườn, làm ruộng đều dở nên xin theo đò làm bạch lô. Tui nhớ mình tập tành làm bạch lô đò từ năm 1968, lúc mới 11 tuổi. Tới lúc lấy vợ có con vẫn làm, chuyện nhà cửa đều giao hết một tay bà xã".
Theo ông Hai Bé, bạch lô là nghề rất cơ cực vì mọi chuyện lớn nhỏ trên đò khách đều do bạch lô đảm nhận, trừ việc lái đò của thuyền trưởng. Ông Hai kể, một ngày làm việc bắt đầu từ lúc sáng sớm. Lúc mọi người chưa dậy, bạch lô đã lo xem lại máy móc, dầu nhớt, sau đó dọn dẹp vệ sinh đò sạch sẽ để chuẩn bị đón khách.
Lúc đò đậu bến đón khách, bạch lô là người lo canh nước thủy triều lên xuống để nới dây cột mũi đò ra xa nếu nước ròng cạn và thu dây cột mũi vào nếu nước lớn đầy, bảo đảm con đò luôn an toàn, không bị mắc cạn trên bãi bùn hoặc trôi dạt.
Khách đến, bạch lô là người phải đưa khách xuống khoang đò và hướng dẫn chỗ ngồi, sắp xếp hàng hóa nếu khách có mang theo. Đối với bạn hàng và tiểu thương, bạch lô chịu trách nhiệm sắp xếp hàng hóa của họ từ dưới khoang đến trên mui cho gọn gàng, đúng trình tự món nào lên bến trước, món nào đến bến sau cùng để đỡ mất thời gian tìm kiếm.
Đò chạy, bạch lô có nhiệm vụ ngồi trước mũi quan sát hai bên bờ sông để phát hiện khách gọi đò, hướng dẫn tài công ghé vào đón. "Vũ khí" của bạch lô lúc này là một cây sào lớn, dài và chắc chắn, thường làm bằng thân tre đực.
Khi đò ghé vào bờ đón khách, bạch lô dùng cây sào để chống chịu giảm trớn đò. Đón khách xong, bạch lô phải dùng sào chống cho mũi đò dạt ra khỏi bờ sông. "Công việc này đòi hỏi bạch lô phải là người có sức vóc và nhanh nhẹn.
Nhưng khi đảm nhận việc đứng mũi chịu sào đón khách, bạch lô phải chấp nhận những rủi ro như bị cây, lá ven bờ quẹt vào mặt mũi, tay chân, thậm chí bị những con ong bầu chích đau điếng. Cho nên nói bạch lô là người đứng mũi chịu sào của con đò là hoàn toàn chính xác theo nghĩa đen", ông Hai Bé nhớ lại.
Ban ngày như vậy, khi đò chạy ban đêm thì công việc của bạch lô cực nhọc hơn vì cùng lúc phải làm hai việc. Bạch lô chính là người làm nhiệm vụ ngồi trên mui đò rọi đèn pha trên mặt sông để phát hiện các xuồng ghe khác hoặc chướng ngại vật, báo cho tài công kịp thời tránh né.
Vừa rọi đèn soi đường, bạch lô vừa phải căng mắt nhìn hai bên bờ sông tìm những ánh đuốc gọi đò của hành khách. Đến lúc đò về đậu bến, bạch lô là người phải giữ đò.
Ban đêm, việc giữ đò rất mệt mỏi vì giấc ngủ luôn chập chờn do phải canh thủy triều lên xuống làm đò xoay trở bất ngờ, lo chống đỡ tránh cho đò bị chìm. Ngoài những công việc thường xuyên hằng ngày, bạch lô là người chịu trách nhiệm lau rửa từng chi tiết máy đầy dầu nhớt, mỡ bò.
"Tui ngán nhất là lúc đang chạy đò bất ngờ bị... gãy bánh lái, chìm mất tăm dưới đáy sông. Nhảy xuống sông gỡ rác vướng chân vịt tui không ngán, nhưng nghe đò bị gãy bánh lái là tui rầu thúi ruột. Bởi lúc đó bạch lô bắt buộc phải lấy cây đòn bằng gỗ dài và nặng, thường dùng làm cầu dẫn từ mũi đò lên bờ để... làm bánh lái tạm.
Một đầu tấm gỗ được buộc vào đuôi đò, một đầu thả xuống sông, còn bạch lô ngồi ôm tấm ván bẻ qua bẻ lại theo tiếng la hét hướng dẫn của tài công, trời mưa hay nắng cũng phải chịu", ông nhắc nhớ chuyện xưa.
Bạch lô đò du lịch hiện nay khác hẳn đò dọc chở khách ngày xưa - Ảnh: H.ANH
Đời bạch lô buồn nhiều hơn vui
Ông Hai Bé cho biết nghề bạch lô nhiều cơ cực nhưng thu nhập khá, lương được trả hằng tháng ngang ngửa thuyền trưởng. Nhưng giờ nếu được chọn lại nghề, ông sẽ không chọn nghề này. "Trăm việc trên đò đổ đầu bạch lô, nhưng từ thuyền trưởng đến khách đi đò ai cũng có quyền mắng mỏ, buồn lắm.
Hồi xưa, người nào không có việc làm hay có chuyện gì buồn bực gia đình mới chọn theo nghề bạch lô", ông Hai Bé tâm sự và nói thêm nghề làm dâu trăm họ này thì bất cứ chuyện gì cũng có thể bị mắng.
Ghé bờ đón khách xuống đò mà không cẩn thận làm phật ý khách, bạch lô bị mắng; đò đông, khách ngồi chật chội, cũng bị mắng. Sắp xếp hàng hóa không cẩn thận, lỡ xảy ra trầy trụa hư dập (thường là trái cây, đồ rẫy), tiểu thương và bạn hàng sẽ mắng bạch lô như tát nước.
Nếu khách, bạn hàng, tiểu thương đi đò không vừa ý điều gì mà không thèm nói với bạch lô thì thế nào họ cũng "mắng vốn" thuyền trưởng và thuyền trưởng sẽ... mắng lại bạch lô.
Kể chuyện 27 năm nghề lơ đò, ông Hai Bé cho biết ngoài chuyện cực nhọc thì tai nạn lúc nào cũng rình rập. "Tui chứng kiến nhiều vụ bạch lô bị tai nạn. Nhưng có hai trường hợp khiến tui nhớ mãi đến giờ.
Đó là ông Ba Sầu Đời và của một người tên Trọng", ông Hai Bé nói. Ông kể Ba Sầu Đời là dân thị trấn Cái Bè, do trục trặc chuyện gia đình nên có cái biệt danh "sầu đời" gắn kèm với thứ ba của ông. Hồi đò Vĩnh Thuận còn chạy tuyến Cái Bè - Vĩnh Long, ông Ba Sầu Đời đi theo đò làm bạch lô.
Có lần đò xuất bến Cái Bè khoảng 4 giờ sáng, khi cập bến Vĩnh Long thì phát hiện... mất ông Ba Sầu Đời mà không biết lý do tại sao. Mãi đến khi ông Ba lò dò xuất hiện ở Vĩnh Long kể lại sự việc thì mọi người té ngửa.
Hóa ra, trong lúc đò chạy trên sông Tiền, ông Ba Sầu Đời ra phía đuôi tàu làm gì đó rồi... té luôn xuống sông mà không ai biết. May mà đò chạy gần bờ, ông Ba tự bơi vào, ngồi chờ tới sáng đón đò khác để qua Vĩnh Long rồi trở lại đò Vĩnh Thuận.
Lần khác, lúc đò Vĩnh Thuận chạy tuyến Cái Bè - Mỹ Tho, khi đến bến Mỹ Tho có nhiều đò cập bến đông san sát, loay hoay sao đó mà ông Ba Sầu Đời bị... kẹt cái lỗ tai giữa vách 2 con đò, suýt đứt tiện. Nhưng tai nạn thương tâm nhất mà ông Hai Bé chứng kiến là vụ bạch lô tên Trọng bị chết ngạt hồi năm 1993 tại Bến Tre.
"Chiều hôm đó tui và nhiều người, trong đó có Trọng, rủ nhau đi nhậu. Tui say nên về trước, còn Trọng tiếp tục nhậu. Đến sáng lúc nước ròng, người ta phát hiện Trọng nằm chết dưới mũi tàu. Hỏi bạn nhậu, ai cũng nói Trọng nhậu xong hơn 22 giờ, ra về bình an", ông Hai Bé nhớ lại.
Công an khám nghiệm nhận định: Trọng đi nhậu về lúc nước ròng, không chịu đi chuyền trên ghe khác để về đò mà phóng từ trên bờ xuống mũi đò ở khoảng cách hơn 2m.
Nhưng do nhậu xỉn, không ước lượng đúng khoảng cách, Trọng rơi xuống sông, ngực đập vào mũi đò, bất tỉnh. Lúc đó nước ròng, trời khuya vắng nên không ai hay biết. Đến khi nước lớn, Trọng vẫn bất tỉnh nên bị ngạt, chết chìm. Lúc đó, Trọng mới vào nghề bạch lô được hơn 3 tháng...
Ông Võ Thanh Phong (cháu nội chủ Hãng đò Vĩnh Thuận, có thâm niên gần 20 năm chạy đò khách, hiện kinh doanh đò du lịch sông nước ở Cái Bè) xác nhận nghề bạch lô đò khách nguy hiểm, cực nhọc.
"Hiện đò du lịch sông nước cũng có bạch lô, nhưng bạch lô đò du lịch rất khỏe. Họ không phải làm các việc cực nhọc mà chỉ cầm tay dẫn khách lên xuống đò, phát khăn lạnh và nước uống cho khách", ông Phong tâm sự.
***********
Từ 2 giờ sáng đã phải thức dậy, lội bộ mấy cây số đường bưng ra đón đò. Và ngồi đợi tiếng máy đò văng vẳng đến gần như đợi tiếng mẹ đi chợ về...
>> Kỳ tới: Đợi tiếng đò xa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận