Phóng to |
Ảnh minh họa - Nguồn tư liệu Tuổi Trẻ |
Tôi còn nhớ như in một tình huống trong tiết học môn ngoại ngữ của một năm học cấp III. Tuy là nữ nhưng trong lớp H. là một học sinh có cá tính mạnh mẽ. H. học rất giỏi, trong các môn học bạn hay tìm cách giải khác với hướng dẫn của sách giáo khoa và giáo viên, đặc biệt bạn rất hay tranh luận với bạn bè và cả với thầy cô giáo. Lần đó sau khi phát bài kiểm tra môn ngoại ngữ, xem kỹ bài làm của mình khá lâu, H. bỗng nhiên đứng dậy giơ tay xin phép giáo viên phát biểu. Được sự đồng ý, H. nêu thắc mắc của mình về một câu bài làm mà mình bị trừ điểm.
Sau một hồi nghe giáo viên giảng giải, tỏ ra không hài lòng H. mang bài làm của mình trực tiếp lên bàn cô giáo. Sự giải thích của cô giáo không thuyết phục được H. nên cô yêu cầu H. cầm phấn lên bảng viết câu trả lời của bạn ra và giải thích cho cả lớp. Câu bài làm của H. thực sự khá lạ so với những gì cả lớp được học cũng như so với đáp án được đưa ra. Trong khi cô giáo không chấp nhận bài làm của H. thì cả lớp lại nhốn nháo tranh luận, đặc biệt có vẻ hầu hết không ai dám khẳng định cách làm của H. là đúng hay sai.
Được yêu cầu về chỗ ngồi song H. vẫn chưa thấy thực sự thỏa mãn với cách giải thích của cô nên bạn tiếp tục tranh luận với những bạn xung quanh. Sau nhiều lần yêu cầu im lặng song thỉnh thoảng lại nghe thấy H. vẫn còn tranh luận về bài làm của mình, cô giáo bắt đầu tỏ ra bực mình. Tiết học kết thúc với lời phê của cô trong sổ đầu bài rằng lớp học ồn ào, đặc biệt H. “ương ngạnh, không tuân thủ lời dạy của giáo viên”.
Tiết chủ nhiệm cũng đến trong sự hồi hộp của cả lớp. Không khí càng trở nên căng thẳng khi thầy chủ nhiệm bắt đầu lật xem sổ đầu bài. Cả lớp im phăng phắc, không khí như muốn vỡ tung khi thầy dừng lại ở lời phê giáo viên trong tiết ngoại ngữ hôm đó. Không ngoài dự đoán của cả lớp, H. được thầy yêu cầu đứng dậy trình bày lý do dẫn đến lời phê của cô trong sổ đầu bài.
Sau khi nghe H. trình bày, thầy ôn tồn bảo cả lớp: “Trong lớp học, việc tranh luận là rất bình thường và cần thiết nhằm giúp học sinh hiểu rõ bài. Hơn nữa, có nhiều con đường cùng dẫn đến một đích; tức là có thể có nhiều cách giải khác nhau cho cùng một bài tập. Không riêng em H., cách giải của các em khác (nếu có) nhưng “sai” với cách trong sách giáo khoa và của giáo viên đều đáng được khích lệ. Học sinh có thể làm bài sai, song giáo viên phải là người có vai trò giảng giải cho học sinh thấy rõ cái sai và thuyết phục được học sinh. Nếu tất cả đều làm giống nhau thì đó không là lớp học sinh động; nếu học sinh nào cũng làm đúng, cũng giỏi thì có lẽ không còn cần đến vai trò của giáo viên…”.
Cũng trong chuỗi hoài niệm về cá tính, dấu ấn của giáo viên, tôi đặc biệt nhớ thầy B. dạy môn lý. Thời ấy, tuy còn khó khăn song nhiều giáo viên của trường cũng bắt đầu dành dụm sắm được xe máy. Trong khi đó học sinh cả trường đều ấn tượng với hình ảnh thầy B. hằng ngày cặm cụi đến trường bằng “con ngựa sắt” là chiếc xe đạp sườn ngang màu nâu đã bắt đầu hoen gỉ. Thầy giản dị, vui vẻ với học trò và đặc biệt dạy rất hay. Thầy viết chữ rất đẹp, vẽ hình cực kỳ sinh động. Trường là trường chuyên, lớp là lớp chọn nên có rất nhiều bạn học giỏi đều các môn.
Nếu như với môn ngoại ngữ các bạn khó có cơ hội có cách làm bài khác sách giáo khoa thì với môn của thầy các bạn khá “vô tư” (!). Tất cả cách giải khác nhau đều được thầy khuyến khích. Thầy thường chọn những bạn có cách giải bài “lạ” lên bảng trình bày cho cả lớp theo dõi và tranh luận. Khi ấy thầy là người quan sát, là “trọng tài”. Tuy có thể đúng hoặc sai song tất cả cách giải “lạ” đều được thầy khuyến khích khai thác nhằm tránh đi vào lối mòn.
Là người ở tỉnh xa đến công tác nên ngoài giờ lên lớp thầy có sở thích vừa thể dục vừa dạo phố bằng “con ngựa sắt” của mình. Gọi là dạo phố song thực chất là thầy đi… tìm nhà của tất cả học sinh trong lớp. Không lâu sau khi về trường nhận công tác, thầy có thể kể vanh vách địa chỉ nhà của từng học sinh. Có lần tôi vô cùng ngạc nhiên sau buổi đi chơi về chiều chủ nhật khi mẹ cho biết thầy vừa ghé nhà thăm. Mẹ tỏ ra rất vui khi được thầy cho biết về sức học và hạnh kiểm của tôi trong lớp, đồng thời động viên gia đình sau khi hỏi thăm hoàn cảnh, công việc của từng người trong nhà…
Kể những câu chuyện trên, ngoài việc đồng tình với nhận định của phụ huynh trong bức thư tôi còn cho rằng để việc dạy và học đạt kết quả tốt và thực sự có ý nghĩa, ngoài kiến thức và nghiệp vụ sư phạm cần có, trên hết người thầy cần có cái tâm yêu thương học trò và chấp nhận mọi sự khác biệt làm nên cá tính riêng. Và để có được sự yêu thương ấy, người thầy cần nắm bắt tâm lý, tính cách học trò và thậm chí là hoàn cảnh học trò của mình nữa…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận